Vì sao người dân đổ xô đi tiêm vắc xin cúm, phế cầu?

25/11/2021 - 06:22

PNO - Thời gian gần đây, không chỉ ở TPHCM mà ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… người dân đã đổ xô đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin cúm, phế cầu vì tin rằng hai loại vắc xin này giúp ngăn ngừa COVID-19.

Nhu cầu tăng cao 

Từ TP.Vũng Tàu, bà Đặng Thị Thu (62 tuổi) gọi điện thoại cho con gái 32 tuổi đang ở TPHCM, hối thúc đi tiêm ngừa vắc xin cúm và vắc xin phế cầu: “Ở Vũng Tàu, mọi người trong nhà đã tiêm hết rồi. Con tranh thủ đi tiêm để phòng viêm phổi và COVID-19”.

Nghe lời mẹ, chị Nguyễn Thị Thu A. đã cùng con trai 10 tuổi vội vã đi tiêm vắc xin. Nghe bạn bè “tư vấn”, chị Trần Thị M. (nhà ở P.Thanh Lộc, Q.12, TPHCM) cùng con trai chín tuổi cũng đến Viện Pasteur TPHCM tiêm vắc xin phế cầu và tin rằng loại vắc xin này sẽ giúp tăng cường miễn dịch để không bị nhiễm COVID-19.

Tiêm vắc-xin cúm cho trẻ em tại Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: Gia Huy
Tiêm vắc xin cúm cho trẻ em tại Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: Gia Huy

Tại Đồng Nai, từ giữa tháng Mười đến nay, nhu cầu tiêm vắc xin cúm, vắc xin phế cầu của người dân tăng cao nhưng không phải lúc nào các cơ sở tiêm chủng cũng có sẵn hai loại vắc xin này. Ông Nguyễn Văn Nam, 56 tuổi, ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) mắc nhiều bệnh nền. Theo lịch hẹn cuối tháng Mười vừa qua, ông tiêm vắc xin cúm nhưng khi liên hệ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, vắc xin tạm hết nên ông đành chờ đến tháng 11 mới tiêm. Ông Nam chia sẻ: “Tiêm loại vắc xin này bớt ho đàm, nhất là khi đi đường mà gặp trời mưa. Chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng mà ngừa được cảm cúm nên tôi chấp nhận vì tuổi già thường hay bệnh”.

Không chỉ người lớn mà nhiều người cũng đưa con nhỏ đi tiêm vắc xin ngừa cúm. Phần vì thời tiết thay đổi, phần vì nhiều người cho rằng, tiêm cúm biết đâu cũng sẽ ngừa được phần nào biến chứng nặng nếu con mình mắc COVID-19. Bởi hiện nay, đa phần người lớn đã được tiêm ngừa COVID-19 còn trẻ nhỏ thì chưa đến tuổi tiêm. 

Nhà ở tận H.Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), gia đình chị Nguyễn Thị Phương tranh thủ ngày cuối tuần đưa hai con nhỏ lên TP.Biên Hòa để tiêm vắc xin cúm, nhưng được thông báo hết vắc xin. “Tôi hỏi nhiều nơi đều cho biết là tạm thời hết hàng và phải chờ. Tôi hy vọng tiêm ngừa cúm, ngoài phòng cảm cúm trong thời điểm giao mùa, cũng sẽ giảm được biến chứng nặng cho con nếu lỡ mắc COVID-19”, chị Phương bày tỏ.

Theo ghi nhận, tại nhiều cơ sở tiêm chủng ở tỉnh Đồng Nai đang tạm hết vắc xin cúm dành cho trẻ em. Tại đơn vị tiêm chủng của BVĐK Đồng Nai, sau thời gian tạm đứt hàng, hiện tại đã có lại vắc xin cúm, nhưng loại dành cho trẻ em không còn nhiều. 

Nên tiêm nhưng đừng ngộ nhận

Bác sĩ Nguyễn Như Thái, phụ trách đơn vị tiêm chủng BVĐK Đồng Nai, cho hay, BV tiêm cả vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Suốt ba tháng giãn cách xã hội, nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đã phải hoãn tiêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng người đi tiêm vắc xin tăng cao từ khi tỉnh Đồng Nai nới lỏng giãn cách. Riêng tiêm vắc xin dịch vụ thì trung bình mỗi ngày có từ 60 - 80 người tiêm tại đây, trong đó, vắc xin cúm chiếm đến 2/3. “Ở thời điểm này, vắc xin cúm đang khan hiếm hơn so với các tháng khác trong năm. Khoảng đầu tháng 12, nguồn hàng sẽ có trở lại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến khi đó, mọi người tiêm ngừa cũng chưa muộn”, bác sĩ Thái cho hay. 

Trong khi nhiều người đổ xô đi tiêm hai loại vắc xin nói trên thì không ít người cho rằng, trong thời gian này, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên không nhất thiết phải tiêm, nhất là khi chưa rõ loại vắc xin này có hiệu quả trong việc phòng ngừa COVID-19 ra sao. 

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều bác sĩ cho rằng, phụ huynh cũng không cần lo lắng quá vì dịch COVID-19 nên nếu có nhu cầu thì cần mang sổ tiêm chủng đến các cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn và tiêm cho các bé sớm nhất có thể. 

Bác sĩ Nguyễn Như Thái cho biết, có nghiên cứu cho thấy, người tiêm vắc xin cúm giảm khả năng nhập viện khi mắc COVID-19. “Nguyên nhân là bản chất của cả hai đều do 
vi-rút gây ra. Hơn nữa, việc phòng bệnh nói chung, tiêm các loại vắc xin khác như: sởi, quai bị, lao cũng giảm nguy cơ nhập viện khi mắc COVID-19. Đây là thời điểm giao mùa cả ở châu Á và châu Âu, nếu mắc cả cúm và COVID-19 sẽ gây ra quá tải cho sức khỏe người dân và hệ thống y tế. Do đó, việc tiêm vắc xin ngừa bệnh là rất cần thiết”, bác sĩ Thái giải thích thêm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cũng cho rằng, vắc xin phòng ngừa cúm và vắc xin phế cầu 13 (tên gọi đầy đủ) nên được tiêm trong thời điểm này. “Trẻ em từ hai tuổi trở lên và người lớn chỉ cần tiêm một mũi duy nhất vắc xin phế cầu 13 để phòng ngừa bệnh lý do phế cầu gây ra. Vì khi bị nhiễm vi-rút đường hô hấp, vi khuẩn phế cầu này sẽ có thể làm bệnh nặng thêm khi bội nhiễm. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan khi nghĩ rằng sau khi tiêm hai loại vắc xin này thì sẽ giúp ngăn ngừa được COVID-19 mà phải tuân thủ quy định 5K để phòng ngừa dịch hiệu quả. Khi đi tiêm ngừa nên liên hệ trước với trung tâm tiêm chủng để tránh tiếp xúc đông người”, bác sĩ Khanh khuyến cáo. 

Theo Viện Pasteur TPHCM, phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn có thể gây viêm phổi nặng. Ngoài ra, phế cầu khuẩn cũng có thể gây các bệnh khác như nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa và viêm màng não. Phế cầu khuẩn có trong hơi thở của nhiều người, lan truyền qua ho, hắt hơi và các chất tiết đường hô hấp khác. Vi khuẩn phế cầu cũng có thể sống trong thời gian ngắn trên các bề mặt. Mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh phế cầu, tuy nhiên trường hợp nặng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh mạn tính. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng ngừa phế cầu là cách tốt nhất.

Gia Huy - Gia Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI