Vì sao con cứ… “vò đầu, bứt tai” khi nói chuyện?

31/03/2023 - 06:36

PNO - Gia đình cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc đa dạng các môi trường xã hội để phát triển kỹ năng thích ứng.

 

Con trai tôi 9 tuổi nhưng mỗi khi nói chuyện thường bị lúng túng và khó để nói thành câu. Khi tôi đề nghị nói nhanh lên, cháu lại nhìn xung quanh, đổ mồ hôi và chạy đi chỗ khác. Tôi phải làm sao để giúp con mình tự tin hơn?

Nguyễn Thị Lành (TP Thủ Đức)

Bác sĩ Trần Quang Huy - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) - trả lời: Có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ gặp khó khăn về giao tiếp xã hội. Trong đó, “bất lực” về ngôn ngữ, trẻ có thể thu mình lại, im lặng và chỉ nói khi được hỏi, có trẻ trở nên bức bối, nóng giận. 

Nếu trẻ khó khăn trong tiếp nhận ngôn ngữ, trẻ sẽ không hiểu hoặc hiểu không đúng những điều được người đối diện yêu cầu, hướng dẫn, không nắm bắt được chủ đề hội thoại. Ngược lại, trẻ gặp khó khăn trong diễn đạt ngôn ngữ khi không tìm được từ ngữ phù hợp để gọi tên các sự vật hiện tượng muốn nói, thứ tự từ trong câu bị đảo lộn, phát âm không rõ, ưu tiên cử chỉ hơn lời nói để thể hiện những điều cần. Lúc này, người lớn hãy kiên nhẫn, giúp trẻ bổ sung vốn từ và mẫu câu diễn đạt qua việc tăng cường giao tiếp, đặt câu hỏi về các sự việc trong cuộc sống, cùng trẻ đọc thơ, đọc truyện thiếu nhi…

Còn khi trẻ né tránh ánh mắt khi giao tiếp, bứt rứt (vuốt ngón tay, vò vạt áo, ngọ nguậy dù trẻ vốn không lăng xăng), cúi đầu hoặc nói nhỏ… là biểu hiện của khó khăn trong ngôn ngữ không lời. Gia đình cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc đa dạng các môi trường xã hội để phát triển kỹ năng thích ứng.

Với biểu hiện của con trai chị, có thể bé gặp khó khăn ở diễn đạt ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ không lời. Tuy nhiên, để xác định chính xác bé đang gặp vấn đề gì, chị có thể đưa bé đến chuyên gia, bác sĩ tâm lý để thăm khám và điều trị đúng cách.

Phạm An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI