Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, làm sao điều trị?

22/05/2022 - 07:19

PNO - Ngoài nguyên nhân bệnh lý, trẻ rơi vào rối loạn ngôn ngữ còn do được giao hẳn cho người giúp việc, xem thiết bị điện tử quá nhiều, ít tiếp xúc với người thân.

Người thân ít tiếp xúc, trẻ rối loạn ngôn ngữ

Lần thứ hai, ông nội bé M. (hai tuổi, ở Bình Dương) nhờ người hàng xóm chở ông và cháu gái đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM tái khám và trị liệu âm ngữ. Theo người hàng xóm, do ông nội của bé đã hơn 70 tuổi, không biết chữ, không nhớ rõ các lưu ý và bài tập của kỹ thuật viên khi tập luyện cho bé M. nên anh sẽ xem rồi hướng dẫn lại cho ông.

Kỹ thuật viên hướng dẫn cho người hàng xóm của bé M. trong các trị liệu cho bé, ảnh Phạm An
Kỹ thuật viên hướng dẫn cho người hàng xóm của bé M. trong các trị liệu cho bé - Ảnh: Phạm An

Anh nói thêm: “Cha của bé M. không nói được, cả ngày đi làm để lo cho gia đình. Thường ngày, bé M. được gửi ở nhà tình thương gần đó, ông bà của bé cũng lao động chân tay để kiếm sống. Trước đó, tôi chở ông và bé đi khám bệnh, mới phát hiện thêm bé bị rối loạn ngôn ngữ. Lỡ giúp rồi, tôi cũng không nỡ bỏ, thế nên mỗi lần đến hẹn tái khám, tôi lại chở hai ông cháu đến bệnh viện. Ông ở ngoài, tôi vào với bé, nghe bác sĩ hướng dẫn xong về nhà tôi chỉ lại cho ông. Phải nói đi, nói lại thì ông mới nhớ”.

Hiện tại, bé M. đã tiến bộ hơn, nói được từ “ba”. Ngoài ra, bác sĩ còn phát hiện não của bé có một số vấn đề cần can thiệp. Thời gian tới, bé M. phải được lên chương trình rèn luyện âm ngữ trị liệu song song với vận động.

Ông của bé M. cho biết, do cả nhà đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn mới rước bé, về nhà tắm rửa, ăn uống xong thì cùng bé đi ngủ. Vì vậy, cho đến khi bé hai tuổi, ông bà mới thấy lạ bởi đặt đâu, bé ngồi đó, chỉ cười, gọi tên cũng không trả lời, không phản ứng. Ông bà nhờ các cô chú trong nhà tình thương nói chuyện với bé, bé vẫn im lặng. May mắn, sau nhiều tháng được điều trị, bé nói được từ “ba”.

Lo lắng lây COVID-19 cho con gái một tuổi, chị Trần Ái Vy (ở Đồng Nai) thường gửi con cho người giúp việc trông giữ. Mỗi khi cơ quan phát hiện có người là F0, chị càng tránh tiếp xúc với con. Nhiều lần, người giúp việc thắc mắc về việc bé gái không nói chuyện, chị Vy chỉ nghĩ do con chậm nói.

“Đến khi con tôi muốn đòi đồ chơi, gấu bông thì chỉ tay về hướng món đồ và la hét chứ không chịu nói, tôi đưa đi bác sĩ mới biết bé phải tập trị liệu. Tuy nhiên, qua nhiều đợt trị liệu, đến nay, bé đã gần hai tuổi vẫn chưa nói được. Tôi rất lo lắng và chán nản” - chị Vy nói.

Nên kiên trì “tìm lại” tiếng nói cho con

Từ khi sinh ra, bé T.T.T. (18 tháng tuổi, ở TPHCM) bị dị tật chân bẩm sinh, được mẹ bé - chị Nguyễn Thị Hoa - đưa đi điều trị vật lý trị liệu từ lúc còn sơ sinh. Trong quá trình phục hồi vận động cho bé, kỹ thuật viên phục hồi chức năng phát hiện bé còn bị rối loạn ngôn ngữ.

Lúc này, bé đã gần một tuổi, có thể bước vài bước cùng thiết bị hỗ trợ. Mẹ bé dự định đưa con về quê chăm sóc. Khi được cho biết con cần “tìm lại” tiếng nói, chị quyết định tiếp tục thuê trọ, ở lại điều trị tiếp cho con.

Nhiều tháng liền, khi thì kỹ thuật viên, lúc thì người mẹ chơi cùng bé, vừa chơi vừa nói nhưng bé T. vẫn im bặt. Cho đến cách đây vài tuần, sau hơn nửa năm kiên trì, cuối cùng, con trai chị đã bật lên tiếng nói. “Lúc đó, tôi được kỹ thuật viên ra hiệu đi ra ngoài. Không thấy mẹ, bé khóc thét đòi. Tôi xót con lắm nhưng khi thấy kỹ thuật viên vẫn kiên trì dạy bé phát âm từ “mẹ”, tôi lại dằn lòng, thấp thỏm chờ. Không ngờ, bé bỗng thốt ra từ “mẹ” rất to. Tôi không biết nói gì, chỉ lặng lẽ khóc” -  chị Hoa kể.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn lấy lại được tiếng nói như bé T. Theo cử nhân phục hồi chức năng Châu Đức Duy, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ: chấn thương, bệnh lý về não… Ngoài những nguyên nhân về bệnh lý, việc người lớn ít tiếp xúc, nói chuyện với trẻ khi bé tới tuổi cần giao tiếp, mà thường chiều bé, cho bé xem ti vi, máy tính bảng, điện thoại quá nhiều cũng dẫn đến các vấn đề về ngôn ngữ, tình trạng chậm nói ở trẻ.

“Với những trẻ rối loạn ngôn ngữ, chậm nói không xuất phát từ bệnh lý, cơ hội phục hồi tiếng nói sẽ cao hơn so với trẻ có bệnh lý. Khi trẻ đã bật ra tiếng nói dù là “a”, “ơ”, “a… a...”... khả năng trẻ trở lại trạng thái nói chuyện bình thường rất cao. Tuy nhiên, để có được kết quả này, cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ cần một sự kiên trì rất lớn trong thời gian dài (vài tháng đến vài năm).

cha mẹ vừa chơi vừa dạy cho bé về màu sắc, con số...
Cha mẹ có thể vừa chơi vừa dạy cho bé về màu sắc, con số... (Ảnh minh họa)

Đến nay, số lượng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tăng, thường rơi vào nhóm trẻ trên hai tuổi, do cha mẹ, người nuôi dưỡng phát hiện muộn. Qua đợt cao điểm COVID-19, mỗi ngày có khoảng mười trẻ được đưa đến điều trị rối loạn ngôn ngữ, đa số chỉ được phát hiện khi người nhà đã dùng nhiều biện pháp mà trẻ vẫn không nói.

Điều đáng buồn là rất ít phụ huynh… kiên trì đi hết con đường điều trị với con mình bởi thời gian tập luyện rất dài. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, đến nay chỉ có vài phụ huynh kiên trì trị liệu cho con, các bé này đang tiến triển tốt” - anh Duy chia sẻ.

Theo kỹ thuật viên Đức Duy, rối loạn ngôn ngữ càng được phát hiện sớm, trẻ càng có cơ hội hồi phục. Theo đó, trẻ từ ba tháng tuổi đã có phản ứng với âm thanh như tiếng nói, tiếng nhạc, tiếng ồn... bằng phản xạ quay đầu về hướng phát ra âm thanh. Từ sáu tháng tuổi trở đi, trẻ có nhu cầu về giao tiếp bằng phản ứng, bập bẹ “ơ... a...”... Lúc này người nhà nên tiếp xúc, trò chuyện với trẻ nhiều hơn. 

Ngược lại, nếu trẻ không tập trung, không có biểu hiện phản hồi; đến 12 tháng tuổi, trẻ không nói được những từ đơn giản cũng không có sự giao tiếp, thích thú… người lớn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra để trẻ được đánh giá các chức năng (nghe, nhìn) nhằm sớm phát hiện bất thường để can thiệp, trị liệu.

Trong trường hợp phải can thiệp, tùy vào mức độ rối loạn của bé, bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng sẽ lên kế hoạch tập luyện cụ thể.

“Có một điều rất quan trọng trong việc trị liệu mà đa số phụ huynh thường mắc sai lầm, vô tình bỏ qua thời gian vàng lấy lại tiếng nói cho trẻ: ở bệnh viện hay bất kỳ nơi trị liệu nào, bác sĩ, kỹ thuật viên chỉ có thể đánh giá mức độ rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, từ đó lên kế hoạch, hướng dẫn cha mẹ tập luyện cho trẻ. Lưu ý, chính cha mẹ phải đồng hành với trẻ chứ không phải nhân viên y tế” - anh Duy nhấn mạnh.

Theo đó, dù quá bận, mỗi ngày người thân cũng nên dành ít nhất ba giờ đồng hồ để thực hiện các bài tập phục hồi cho trẻ. Ba giờ này có thể dàn trải đều trong ngày, cha mẹ vừa chơi vừa dạy cho bé về màu sắc, con số... Tuyệt đối không chiều theo ý trẻ dù bé phản ứng bằng cách quấy khóc, la hét. Hạn chế cho trẻ xem các thiết bị điện tử trong thời gian này để trẻ tập trung cao hơn vào người tập luyện cùng mình. 

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI