Vì sao châu Âu trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới?

22/03/2020 - 13:35

PNO - Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) có số người chết do COVID-19 chỉ là một con số, những nước châu Á khác thì đang thể hiện việc không chế dịch rất tốt, trong khi số người chết và số ca nhiễm mới ở châu Âu lại tăng từng ngày với mức hai, ba, thậm chí bốn con số và đang trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.

Các ca COVID-19 đầu tiên ghi nhận ở Đài Loan và ở Ý chỉ cách nhau 10 ngày, nhưng đến ngày 22/3, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ ghi nhận 153 ca nhiễm và 2 ca tử vong, trong khi Ý đã có 53. 578 ca nhiễm virus và 4.825 người chết vì dịch bệnh.

Nước Ý hiện đã trở thành quốc gia bị COVID-19 tàn phá nặng nề nhất thế giới. Tuần trước số ca tử vong ở Ý đã vượt qua Trung Quốc, nơi bắt nguồn của đại dịch. Hôm qua (21/3), Ý ghi nhận thêm 793 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong vòng 24 giờ kể từ đầu mùa dịch, nâng tổng số người chết ở nước này lên 4.825 người.

Một bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rome - Ảnh: Guardian/Getty Images
Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rome, Ý - Ảnh: Guardian/Getty Images

Ý đang trải qua mô hình “một vụ nổ theo cấp số nhân”. Và dường như mô hình này đang lặp lại khắp các nước phương Tây từ Tây Ban Nha, Pháp và Đức, đến Anh và Mỹ.

Báo Anh Guardian cho biết, các nhà lãnh đạo Âu Mỹ hiện đang thực hiện các biện pháp “không thể tưởng tượng nổi” trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài ngày trước, phong tỏa hàng chục triệu người từ Berlin đến Madrid và San Francisco, đổ vào các kế hoạch giải cứu hàng tỷ đô la nhưng chưa cho thấy hiệu quả đáng kể.

Nếu họ bắt tay vào hành động vài tuần trước đó, có lẽ họ đã có thể tránh được nhiều thảm họa về con người và kinh tế như hiện nay. Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, những nơi phát sinh các ca nhiễm được xác nhận đầu tiên trước châu Âu, nhưng họ đã hành động sớm và mau lẹ, nên mặc dù vẫn có trường hợp tử vong, nhưng chỉ là một con số và nhiều nhất cũng chỉ vài trăm ca.

Đài Loan đã bắt đầu truy tìm các hành khách từ Vũ Hán ngay khi Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về một loại viêm phổi mới ở thành phố này hồi tháng 12 năm ngoái, trước khi COVID-19 được chính thức nhận diện. Ngay sau đó, Đài Loan cấm tụ tập đông người, tăng cường xét nghiệm và theo dõi các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Hầu hết các nước phương Tây không làm như vậy. Ngoài việc phát triển năng lực xét nghiệm khiêm tốn của mình, rõ ràng là đánh cược về căn bệnh đang được khống chế ở những nơi khác, giống như các dịch bệnh đe dọa trước đó, như  SARS năm 2002-2003 và gần đây là Ebola và MERS.

Ông Steve Taylor, giáo sư Đại học British Columbia, tác giả cuốn sách “Tâm lý học về đại dịch” cho biết, “thách thức chính phủ phải đối mặt là liệu khi nào cần hành động chống lại mối đe dọa về sức khỏe. Nếu bạn hành động nhanh chóng và dịch bệnh không dữ dội như dự báo, thì chính phủ sẽ bị chỉ trích là phản ứng thái quá, nhưng nếu bạn cứ “chờ xem” và hành động quá chậm trễ, thì chính phủ sẽ bị chỉ trích là phản ứng bất cập”.

Giáo sư Taylor lập luận, “cần nói rằng, Vương quốc Anh có thể đã tốt hơn nếu họ áp dụng các biện pháp tương tự như Đài Loan. Nhưng nếu dịch bệnh không nặng như dự báo, chính phủ sẽ bị chỉ trích là phản ứng thái quá, Đài Loan đã “đánh cược thành công” với giả định COVID-19 sẽ lan rộng và nhanh chóng”.

Các quốc gia khác ban đầu cho phép căn bệnh này lây lan, đáng chú ý nhất là Hàn Quốc, mà tại một thời điểm nước này có số ca nhiễm nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc, đã tìm cách khắc phục một phần dịch bệnh thông qua xét nghiệm nghiêm ngặt và truy tìm dấu vết những người nhiễm bệnh. Sau đó, số lượng nhiễm bệnh đã chững lại, ngay cả khi đại dịch tiếp tục hoành hành khắp châu Âu.

Hàn Quốc tăng cường mạnh các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19, trên ảnh là một áp phích tuyên truyền ở Seoul - Ảnh: AFP/Getty Images
Hàn Quốc tăng cường mạnh các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19, trên ảnh là một áp phích tuyên truyền ở Seoul - Ảnh: AFP/Getty Images

Ashley Arabasadi, chủ tịch danh dự Diễn đàn An ninh Y tế toàn cầu, phát biểu, “tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và Hàn Quốc là một ví dụ thực sự mạnh mẽ về điều đó, nếu bạn nhìn vào số lượng các xét nghiệm họ đã thực hiện và việc họ có thể triển khai nhanh như thế nào”. Ông Arabasadi nói, “có thể không công bằng khi chỉ trích các chính phủ đã hơn 100 năm nay không phải đối phó với điều gì tương tự, trong khi Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm gần đây”.

Cảm giác cấp bách của Hàn Quốc được thúc đẩy một phần nhờ gần đây nước này phải đối phó trực tiếp với dịch MERS năm 2015 và dịch SARS năm 2002-2003. Những trận dịch này cũng ảnh hưởng nặng nề đến Đài Loan, Hồng Kông và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, những trận dịch này không đụng đến phương Tây, chúng được khống chế, giống như cả dịch Ebola, nên có khả năng khiến các nhà lãnh đạo phương Tây quá tự mãn.

Phóng viên khoa học Laura Spinney, tác giả cuốn sách “Pale Rider: The Spanish Flu of 1918 and How it Changed the World” về đại dịch cúm kinh hoàng năm 1918, giết chết 50 triệu người trên toàn cầu, viết hồi tháng Giêng và tháng Hai năm nay, rằng chúng ta “cần phải biết sử dụng thời gian thông minh hơn”, nhưng công bằng mà nói, mọi người đang phải đối phó với một kẻ thù vô hình. Mối nguy hiểm lớn nhất bây giờ không phải là hoảng loạn, mà là sự tự mãn và quá nhiều chính phủ “án binh bất động”.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI