Vệt mờ cho lòng tự trọng

06/08/2016 - 11:01

PNO - Như mọi lần, sau khi ra mắt, sản phẩm mới của Sơn Tùng lại gây xôn xao về nghi án đạo nhạc. Lần này, ngay cả MV của bài hát cũng bị cho là copy nhiều cảnh trong nhiều MV khác.

Nghi án chỉ là nghi án, bởi lằn ranh giữa đạo và không đạo trong âm nhạc khá mờ. Nhưng, lằn ranh đó lại rất đậm nếu được vạch ra cho lòng tự trọng.

Chỉ vài ngày phát hành, MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng đã đạt lượt truy cập lên đến gần hai triệu - tốc độ mà trước nay chưa có ca sĩ Việt nào có được. Thế nhưng, MV này cũng đạt kỷ lục khác về tốc độ lên án đạo: đạo beat bài hát We don’s talk anymore của Charlie Puth và Selena Gomez; cảnh quay đẩy người vào bồn sữa hệt như trong MV Loser của nhóm Big Bang, cảnh nằm trên đường ray giống Sehun trong MV Love me right của nhóm EXO, cảnh nắm tay búp bê giống trong MV của D-G… Những điểm giống chỗ này hay đầu kia trong MV của Sơn Tùng từng ngày được chỉ ra nhiều hơn, bởi nhiều đối tượng.

Vet mo cho long tu trong
Ảnh đẩy người vào bồn sữa trong MV của Sơn Tùng không khác gì trong Loser của Big Bang

Thực tế, cho đến thời điểm này chưa có ai trong giới chuyên môn thẳng thắn dùng từ “đạo” với Chúng ta không thuộc về nhau, nhưng không khó nhận ra những kết luận từ bình luận của họ: “Chúng ta không thuộc về nhau nghĩa là We don’t talk anymore. Hiểu rồi” - ca sĩ Viết Thanh của nhóm UnlimiteD; “Đừng nhầm lẫn về sự ảnh hưởng để sáng tạo, phát triển thành đạo, nhái” - Tùng Dương; “Con người có thể bất chấp và xem thường mọi thứ để được trở thành tâm điểm, vẫn nghiễm nhiên sống vui vẻ và được tôn vinh là “luôn cháy hết mình với âm nhạc và không bao giờ từ bỏ ước mơ”. Mình không hiểu nổi đây là gì” - Vũ Cát Tường; “Trùng hợp nhỉ” - Thanh Duy Idol… Những ý kiến đó, còn hơn cả sự kết luận.

Sáng tạo nghệ thuật không giống như việc giải một bài toán với công thức cố định, nên đạo hay không đạo trong âm nhạc rốt cuộc vẫn giao nhau bởi một vệt mờ. Khi ai đó cố tình đứng ở vệt mờ này với tư thế phòng thủ, việc đưa ra kết luận là điều không dễ. Thế nhưng, một lần - đó có thể chỉ là bị ảnh hưởng, hai lần - đó có thể là mong manh giữa học hỏi và sáng tạo, cò n nếu hết lần này đến lần khác, người ta bắt buộc phải đặt câu hỏi về tài năng thật sự của chủ thể “sáng tạo” đó.

Số lượng bài hát của Sơn Tùng không nhiều nhưng bài nào cũng được chỉ ra những điểm giống với bài hát khác, phong cách của người khác, trang phục y hệt người khác. Và, cũng chỉ bởi vẫn còn vệt mờ giữa đạo hay không đạo mà ca sĩ trẻ này vẫn cứ cho ra lò những bài hát gây tranh cãi, thậm chí khiến người ta có cảm giác như đó là sự thách thức.

Không có bộ lọc nào cho bài hát hay MV trước thế giới phẳng của internet. Để rồi sự thách thức ấy vẫn cứ diễn ra. Người làm nghề lẫn công chúng cứ thế phân hóa thành hai chiến tuyến, của một bên là fan và antifan, của một bên những ca sĩ - nhạc sĩ đau lòng trước một thế hệ xem nhẹ sáng tạo và một bên là vài cái tên tác giả trẻ mải miết chen giữa lằn ranh mờ hòng tìm cơ hội. Chỉ là, tuy lằn ranh quá mờ để kết luận, nhưng trong một vài trường hợp lại đủ để vẽ nên lòng tự trọng của một người. Cái tên Sơn Tùng, cứ thế, từ lúc xuất hiện cho đến khi trở thành thần tượng trong lòng giới trẻ như hiện tại, vẫn cứ được ghi danh với từ “đạo”, một cách vô cùng rất thiếu tự trọng mà không biết bao giờ mới gột rửa được.

Vũ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI