Vai diễn cuộc đời

17/04/2013 - 16:16

PNO - PN - Điện thoại reo, giọng đứa con trai vang lên: “Con đang trên xe về nhà”. Thả gánh chè xuống, chị đứng khựng với trái tim đập liên hồi. Rồi chị nhìn quanh… mình đang làm gì? À, đang gánh chè đi trên đường. May mà giờ này...

Chị cúi xuống đặt gánh lên vai tiếp tục bước, ý nghĩ nhảy nhót trong đầu. Nó đang trên xe tức là trưa nay có mặt ở nhà, giờ cơm trưa… Chị nhìn xuống nồi chè còn đầy, hình dung trận nhiếc móc mình sẽ nhận lãnh. Chị thở dài, ước gì có cô giáo trường bán trú nào gọi điện thoại nói gói cho trăm bịch chè ăn bữa lỡ thì may quá, hay có lũ trẻ nào tổ chức sinh nhật để chị bán rẻ cả nồi, chỉ cần lấy lại vốn…

Ước khan vậy thôi chứ chị không chờ đợi điều ước thành hiện thực, chị có quá nhiều ước mơ khan cho nên thành thói quen mà nảy ra trong tâm trí vậy thôi.

Như thường lệ, gần mười hai giờ trưa thì nồi chè cạn tới gần đáy, thường ngày thì chị sẽ nán rảo quanh để bán cho hết mấy ly cuối cùng. Cái rảo nán này ngó vậy mà đủ tiền rau mắm cho cả ngày. Nhưng hôm nay thì chị dọn về.

Đứa con trai đang thò đầu qua cửa sổ, nó cúi chào bà hàng xóm thật lễ phép và trả lời dịu dàng: “Dạ, chào bác cháu mới về”. Rồi nó rít qua kẽ răng với chị: “Con đã nói là con đang trên xe mà má không biết lúc nào con về tới nhà hay sao? Nhớ cơm nhà về ăn một bữa mà má coi chẳng ra gì”. Chị nhỏ nhẹ: “Cả hai nồi đầy thì làm sao má về sớm được”. Con trai cười khẩy như chỉ chờ câu trả lời này: “Má lúc nào cũng tiền tiền tiền”.

Vai dien cuoc doi

Chị nhìn con, so với lần trước thì lần này đầu tóc của nó bù xù hơn, hàm râu quai nón lú nhú đầy mặt. Nhớ hồi con trai còn nhỏ, hàng xóm cứ nói mai mốt lớn lên làm diễn viên. Xóm nhỏ, ai cũng mộng diễn viên, chẳng kể con nít mà người lớn cũng vậy. Bây giờ thì con trai chị đang diễn mà diễn hoài một vai khiến chị đau đớn quá. Biết chừng nào con trai mới có vai khác dễ thương hơn? Lại ước khan nữa rồi!

“Công việc dạo này khá hơn không con?”, chị hỏi để mà hỏi. Đứa con trai gắt lên: “Má còn hỏi. Bạn bè con tốt nghiệp xong đứa nào cũng có cha mẹ mua sẵn cho căn hộ ở thành phố rồi lo công việc cho, còn má… Con tự lo cho thân con, má còn muốn gì nữa?”. Chị nín lặng. Lời thoại của chị luôn là câm lặng. Độc thoại.

Nấu xong nồi cơm và nồi canh cải cá rô thì đã hơn một giờ. Đứa con trai nửa nằm nửa ngồi trên ghế, mắt nhắm nghiền. Chị biết con đang thức. Nếu chị đụng vào thì nó sẽ gắt lên: “Để con ngủ, qua giờ ăn con hết đói rồi”.

Nhớ năm đầu tiên con trai về thành phố học đại học, ôi là bao ước vọng gửi gắm cùng với niềm hạnh phúc khi được nghe những cú điện thoại gọi về nôn nao nỗi nhớ nhà nhớ má, dặn dò má giữ gìn sức khỏe, xót xa không có con lấy ai phụ việc đập đá cho má, lấy ai bưng nồi chè nặng đặt vô gánh cho má, lấy ai vắt nước cốt dừa cho má…

Đứa con của ngày đó quá khác đứa con bây giờ. Quá khác. Đến nỗi chị sợ hãi chính mình, sợ mình rồi cũng nghiệt ngã theo một cách khác. Chị sợ cảm giác được giải thoát khi con trai xách ba lô đi ra cổng cất giọng cười chào thân ái với người hàng xóm: “Dạ chào dì, cháu đi”.

Chị vội đến bàn thờ, bật quẹt thắp nhang, cầu trời phù hộ chuyến xe đưa con trai đi đường được bình an, và cầu trời cho mình đủ sức chịu đựng cho tới khi nó hồi tâm.

 Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI