Vạch mặt đường dây lừa đưa người đi lao động khổ sai: Chuyến xe bí ẩn

18/10/2017 - 09:15

PNO - Chỉ “phỏng vấn” chúng tôi vài câu qua loa, ông Dương chốt: “Rồi! Anh nhận em làm việc, lương mỗi tháng sáu triệu. 12 giờ ngày mai ra chợ Tam Bình, sẽ có xe của công ty đến đón”.

Như hàng trăm lao động bị “sập bẫy” đường dây lừa người đi lao động khổ sai, đồng ý bước lên xe là chúng tôi đã chấp nhận bán mình...

Trong diện “đặc biệt lưu ý”

Chiều 4/10, chúng tôi lần theo mẩu tin trên trang tizi.vn với nội dung “cần tuyển công nhân chăm sóc hoa, lương tháng 6 triệu đồng bao ăn ở”, chúng tôi liên lạc số điện thoại 0986.371… đăng kèm mẩu tin tuyển dụng, người đàn ông tự xưng tên Dương bắt máy.

Vach mat duong day lua dua nguoi di lao dong kho sai: Chuyen xe bi an
Nhân viên nhà xe Hòa Bình lấy “lý lịch” của người lao động

 Ông này cho biết, công ty (CT) của ông đang cần tuyển lao động (LĐ) đi làm việc tại khu phố Thăng Long, P.2, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Biết chúng tôi đang cần việc làm, ông Dương phỏng vấn dồn dập: “Quê em ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Có chứng minh nhân dân gốc không?”. 

Chỉ cần chúng tôi trả lời đúng ba câu hỏi trên, ông Dương chốt: “Rồi! Anh nhận em làm việc” và hẹn tôi 12 giờ trưa hôm sau ra chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chờ xe, chỉ cần đem chứng minh và quần áo, vì CT hỗ trợ toàn bộ tiền xe và ăn uống.

Kỳ lạ hơn, cũng dùng số điện thoại trên nhưng ở trang alomuaban.com, người đàn ông này lại xưng tên Tuấn với cách thức tuyển dụng LĐ tương tự. Chúng tôi thắc mắc thì ông Dương nói: “Ngày mai em cứ ra xe, anh đưa em đi làm, lương tháng 6 triệu, tên tuổi ai quan trọng gì đâu”.

Đúng hẹn, chúng tôi đến chợ Tam Bình. Người đàn ông tên Dương gọi điện, dặn: “Cứ ngồi im đó, tí nữa có xe CT đón”. Trong lúc chờ xe, chúng tôi bắt chuyện với X. (18 tuổi, quê Hậu Giang). X. cho biết, mình và bạn nữ học chung lớp cũng vừa được gọi lên TP.HCM để xe CT đón đi Đà Lạt chăm sóc hoa lan.

“Em học xong lớp 12 rồi, không có điều kiện học tiếp nên đi tìm việc. Em chưa biết gì về CT Hoa Lan Xanh ngoài mẩu tin tuyển dụng trên mạng. Thấy cách tuyển dụng của CT cũng bí ẩn quá, càng chờ, em càng sợ. Nhưng giờ trong túi hai đứa em còn chưa tới 200.000 đồng, đành liều vậy” - X. tâm sự.

Vach mat duong day lua dua nguoi di lao dong kho sai: Chuyen xe bi an
trụ sở công ty Tâm Đức Lộc

Trong thời gian gần một tiếng đồng hồ đợi ở chợ Tam Bình, chúng tôi thấy thỉnh thoảng lại có một người đàn ông chạy đến liếc ngang, liếc dọc, nhìn chúng tôi đầy vẻ dò xét rồi phóng xe đi. Lúc này, cảm giác lo sợ bắt đầu bủa vây những người đi xin việc. Mọi người chỉ rón rén nhìn nhau, cô gái đi chung với X. thỉnh thoảng lại bật khóc, đòi về.

Khoảng 13h15, chiếc xe giường nằm hiệu Hòa Bình chạy chầm chậm trước cổng chợ Tam Bình. Một thanh niên khoảng 25 tuổi từ trên xe phóng xuống, hất hàm về phía chúng tôi: “Đi làm hả?”. Chúng tôi gật. Thanh niên này giọng khẩn trương: “Lên xe mau đi, bữa nay xe đi trễ nên phải nhanh”.

Bảy người đi xin việc được nhà xe “lùa” về phía sau, còn phía trước, hai phụ xe tiếp tục đón khách. Ít phút sau, xe chuyển bánh, một phụ xe đến chỗ những người đi xin việc lần lượt hỏi “lý lịch” để ghi vô sổ. Xong việc, người này lập tức gọi điện cho ai đó, báo cáo: “Lên xe đủ rồi, hôm nay khoảng 9h xe tới”.

Xe tiếp tục lăn bánh, nhưng nhóm đi xin việc chúng tôi được “lưu ý đặc biệt” bằng ánh nhìn chăm chăm của hai nhân viên nhà xe. Như sợ chúng tôi “đào tẩu”, ngay cả lúc xe tạm dừng ở trạm, khi chúng tôi đi vệ sinh hay ăn cơm, họ vẫn dán mắt theo dõi.

Tôi dò hỏi một phụ xe về điểm đến, anh này gắt gỏng ra chiều khó chịu: “Xe này đi Lâm Đồng. Tôi chỉ có nhiệm vụ chở ông đi, lo cơm nước, lên kia người ta trả tiền cho tôi. Chuyện còn lại tôi không biết. Đừng có thắc mắc nhiều”.

Trước đó, người đàn ông tên Dương khẳng định với chúng tôi, xe đưa chúng tôi lên Lâm Đồng là xe của CT Hoa Lan Xanh. Nhưng, qua tìm hiểu những người trên xe, chúng tôi phát hiện xe Hòa Bình là một hãng xe khách ở thị trấn Nam Ban, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. 

Ngạc nhiên hơn, trên đoạn đường di chuyển từ TP.HCM đến Lâm Đồng, xe Hòa Bình thường đi vào những cung đường hẻo lánh mà không đi đường chính. Với những điểm bất thường này, người LĐ trên xe bắt đầu cảm thấy bất an.

Bỗng dưng dính nợ

“Đêm nay em ngủ ở đây” - họ nhìn tôi, hất hàm về phía căn phòng. Tôi bước vào, chưa kịp tá hỏa với không gian căn phòng thì họ đã khóa trái cửa.

Vừa bóp khóa, người đàn ông vừa nhẹ giọng: “Cái này là để đảm bảo an toàn chứ không có nhốt em đâu nhen. Em ở đây ngủ đi, sáng dậy sớm đừng kêu cửa nha. Khi nào anh ngủ dậy, sẽ mở cửa cho em ra rồi mình bàn việc”.

Ngồi trên xe, chúng tôi lần lượt bắt chuyện với Thọ và Vinh (cùng quê Phú Yên). Thọ (25 tuổi), là cậu ruột của Vinh (20 tuổi). Ở Phú Yên, cả hai kiếm sống bằng nghề bóc vỏ, khuân vác gỗ keo. Mùa mưa, ít việc, cậu cháu quyết định vào TP.HCM kiếm sống đến tết.

Sau cú lừa làm “nhân viên an ninh” lương tháng 9 triệu đồng, Thọ và Vinh rơi vào tay bà Nguyệt (“cò” giới thiệu việc làm ở đường An Dương Vương, Q.6), bà này lại “bán” hai thanh niên này cho người đàn ông tên Nghĩa. Ông Nghĩa hứa sẽ đưa Thọ, Vinh lên Lâm Đồng “tìm công việc đàng hoàng”. Trước lúc lên xe, Thọ nghe ông Nghĩa trao đổi loáng thoáng với ai đó: “Tiền môi giới 2 triệu đồng”.

Thọ kể: “Hôm mới vô Sài Gòn, tôi đã bị ông đồng tính kia lừa đi làm nhân viên an ninh, mức lương 9 triệu đồng/tháng. May là tôi phát hiện, tháo chạy kịp nên chưa bị ổng xâm hại. Vừa thoát khỏi ông đồng tính, tôi lại gặp bà Nguyệt, ông Nghĩa. Họ nói đưa tôi đi làm việc lương tháng 5-6 triệu đồng mà lên xe rồi mới thấy lo, không biết đời mình ra sao”.

Xe di chuyển, khoảng 8h thì dừng lại trước một căn nhà thuộc thôn Đoàn Kết, xã N’Thol Hạ, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Căn nhà cấp 4 phía trước có dán bảng “CT TNHH Đức Hoàng - Dịch vụ giới thiệu việc làm”. Sáu LĐ (trong đó có Thọ) được lệnh xuống xe. Trước căn nhà, một phụ nữ và nhóm người đàn ông đứng đợi sẵn để đưa “lính mới” vào trong. Thấy trên xe đã hết người đi xin việc, tôi hỏi phụ xe thì được trả lời gọn lỏn: “Mấy người kia mối khác, ông mối khác. Chờ thêm xíu nữa là đến nơi. Có sướng ích gì đâu mà háo hức”.

Vach mat duong day lua dua nguoi di lao dong kho sai: Chuyen xe bi an
Công ty Đức Hoàng, điểm đến của Thọ và 5 lao động khác

Đúng như lời phụ xe, chưa đầy 15 phút sau, chiếc xe chở tôi dừng lại trước cổng CT Tâm Đức Lộc (tên đầy đủ là CT TNHH Giới thiệu việc làm và cung ứng LĐ Tâm Đức Lộc). “Đến rồi, xuống đi” - một nhân viên nhà xe giục. Tôi bước xuống, phía dưới đã có sẵn hai người đàn ông tự xưng nhân viên của CT Tâm Đức Lộc đứng chờ. Hai người này trả cho phụ xe 360.000 đồng, rồi dặn: “Hôm nay có mỗi một người, nghe nói mai lên đông lắm đó, ráng để ý nha”. Sau đó, hai người này ra hiệu cho tôi đi vào bên trong CT Tâm Đức Lộc.

Vừa đặt chân vào bên trong CT, hai người đàn ông này liền yêu cầu tôi đưa chứng minh nhân dân cho họ rồi dắt tôi ra khu nhà ở phía sau. “Đêm nay em ngủ ở đây” - họ nhìn tôi, hất hàm về phía căn phòng. Tôi bước vào, chưa kịp tá hỏa với không gian căn phòng thì họ đã khóa trái cửa. Vừa bóp khóa, người đàn ông vừa nhẹ giọng: “Cái này là để đảm bảo an toàn chứ không có nhốt em đâu nhen. Em ở đây ngủ đi, sáng dậy sớm đừng kêu cửa nha. Khi nào anh ngủ dậy, sẽ mở cửa cho em ra rồi mình bàn việc”.

“Phòng ngủ” của tôi là một gian nhà ẩm thấp, nằm ngay phía sau CT Tâm Đức Lộc. Giường được tạo thành nhiều lớp: những bao đất, ván lót, tấm bạt và trên cùng là chiếc chiếu cũ xì. Trên chiếc giường “dã chiến”, có sẵn đống mùng mền cũ nát bốc mùi. Không thể làm gì hơn, tôi đành ngả lưng thì bất ngờ phát hiện… chiếc camera đang chĩa thẳng về hướng mình.

Co ro trong đêm dưới cái lạnh, mùi hôi nồng nặc của mớ hỗn tạp trong gian phòng, cộng với mùi phân hôi thối thổi từ bên ngoài vào khiến tôi buồn nôn, không tài nào ngủ được. Tôi thử dạo quanh phòng tìm một chỗ có thể đưa mình ra ngoài hít thở chút không khí trong lành, nhưng mọi cánh cửa đều khóa kín. 

Vach mat duong day lua dua nguoi di lao dong kho sai: Chuyen xe bi an
Lãng - nhân viên của Công ty Tâm Đức Lộc thông báo khoản nợ “trên trời rơi xuống” với người lao động

Chưa tới 6h, một nhân viên của CT Tâm Đức Lộc mở cửa, đánh thức tôi rồi yêu cầu lên CT “bàn việc”. Tại CT, nhân viên này tự giới thiệu tên Lãng - tư vấn viên của CT Tâm Đức Lộc. Sau khi giới thiệu về quy mô và hoạt động của CT, xác minh tôi qua một vài câu về “lai lịch”, Lãng nói: “Thật ra, khi đưa em lên đây, tụi anh phải trả 1,2 triệu đồng cho người môi giới, là cái anh Dương mà em gọi đó. Ngoài ra, thêm khoảng 300.000 đồng tiền xe cộ, ăn uống. Nếu em không làm việc, em phải trả lại bên anh 1,5 triệu đồng”.

Tôi thắc mắc: “Lúc phỏng vấn em, ông Dương nói sẽ hỗ trợ tiền xe và ăn uống dọc đường”. “Chuyện đó anh không biết. Nhưng bọn anh đã trả các chi phí này cho nhà xe, như đêm qua em thấy đó” - ông Lãng đáp. 

Ngay sau đó, tôi được yêu cầu ký vào “giấy tạm ứng” với số tiền 1,5 triệu đồng. Tôi đặt bút ký và hiểu ra rằng, chính tờ giấy tạm ứng này đã đẩy hàng trăm LĐ nghèo rơi vào cảnh cùng khổ. Chúng tôi - những LĐ nghèo - chưa kịp nhận việc làm đã phải trở thành những con nợ bất đắc dĩ, chỉ còn biết nghe theo mọi sắp xếp của chủ nợ. Sáng hôm đó, Thọ gọi điện cho tôi.

Thọ cho biết, hiện các LĐ đi cùng chuyến với anh đang bị “nhốt” ở CT Đức Hoàng để chờ người cần tuyển LĐ đến bỏ tiền ra “mua” đi làm. Giống như tôi, mở mắt ra, Thọ cũng trở thành con nợ khi phải ký “giấy tạm ứng” 1,25 triệu đồng.

Từ một “cuộc tuyển dụng” chớp nhoáng, tôi và các LĐ nghèo đã bị biến thành con nợ của các CT giới thiệu việc làm. Không có tiền chuộc thân, chúng tôi tiếp tục trở thành một món hàng “sang tay”, chấp nhận để các chủ vườn bỏ tiền ra “chuộc” mình về làm việc. Từ đây, bi kịch khác lại ập đến… 

Dùng địa chỉ “ma” đăng tin tuyển dụng

Trong tin tuyển dụng, người đàn ông tên Dương cho biết, các LĐ sẽ được làm việc tại CT Hoa Lan Xanh, có địa chỉ tại khu phố Thăng Long, P.2, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đến xác minh tại P.2, TP.Đà Lạt, đại diện chính quyền địa phương cho biết, tại TP.Đà Lạt, không hề có khu phố Thăng Long.

Qua xác minh, chúng tôi được biết, khu phố Thăng Long nằm ở thị trấn Nam Ban, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Một cán bộ đang công tác tại Công an TP.Đà Lạt cho biết, có đối tượng lừa đảo tuyển dụng còn sử dụng địa chỉ của UBND tỉnh Lâm Đồng khiến rất nhiều LĐ bị lừa.


Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI