Vắc xin COVID-19 và những người hùng thầm lặng

11/01/2022 - 06:12

PNO - Tạp chí Time vừa chọn bốn nhà nghiên cứu công nghệ vắc xin mRNA để đại diện vinh danh những nhà khoa học đứng sau các loại vắc xin giúp đưa thế giới thoát khỏi nỗi ám ảnh COVID-19. Họ là những anh hùng của năm 2021, và của cả nhân loại.

Những người hùng từ phòng thí nghiệm

Bốn nhà khoa học: Kizzmekia Corbett, Barney Graham, Katalin Kariko và Drew Weissman được tạp chí Time chọn làm nhân vật đại diện cho các nhà nghiên cứu vắc xin COVID-19, xuất hiện trên hình ảnh trang bìa của tạp chí số cuối năm 2021. Theo Time, các nhà phát triển vắc xin không chỉ là anh hùng mà còn là những người tạo ra phép màu, bởi họ đã tặng cho nhân loại món quà tuyệt vời nhất, một vũ khí để chống lại đại dịch COVID-19.

Trong rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới làm việc cùng nhau, theo nhiều hướng khác nhau để tạo ra các loại vắc xin, Time lựa chọn bốn nhà khoa học trên vì họ giúp đem đến “một bước đột phá có tầm quan trọng đặc biệt, giới thiệu nền tảng vắc xin sáng tạo và hiệu quả cao dựa trên mRNA”. 

Phát hiện này đã tác động rất lớn đến sức khỏe nhân loại, tạo ra hy vọng về chiếc khiên bảo vệ chống lại các đại dịch ở hiện tại và cả trong tương lai. Sự tuyệt vời của nền tảng vắc xin mRNA nằm ở tính linh hoạt của nó. Ví dụ, vắc xin cúm cần nhiều tháng để phát triển theo công nghệ cũ vì hầu hết đều yêu cầu nguồn vi-rút nuôi cấy trong trứng gà. Trong khi đó, vắc xin mRNA chỉ yêu cầu đọc trình tự di truyền của vi-rút. Các nhà khoa học có thể lấy mã di truyền đó, chọn ra những phần liên quan của bộ gen, xây dựng mRNA tương ứng thông qua các hợp chất hóa học, đưa nó vào lớp vỏ bong bóng chất béo và hoàn thiện loại vắc xin mới trong thời gian ngắn. 

Một năm sau khi trở thành người tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới, bà Margaret Keenan chia sẻ niềm hạnh phúc và khuyến khích mọi người tiêm chủng - ẢNH: AFP
Một năm sau khi trở thành người tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới, bà Margaret Keenan chia sẻ niềm hạnh phúc và khuyến khích mọi người tiêm chủng - ẢNH: AFP

Một năm hy vọng nhờ vắc xin

Vào ngày 8/12/2020, bà Margaret Keenan (91 tuổi) tại Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới nhận liều vắc xin COVID-19 bên ngoài các cuộc thí nghiệm. Không lâu sau tại Mỹ, đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử xứ cờ hoa bắt đầu với sự phấn khích của người dân. Những chiếc xe tải chở đầy vắc xin COVID-19 đến điểm tiêm ngừa cho người dân là kết quả của thành công rực rỡ từ các thử nghiệm lâm sàng, mang đến những mũi tiêm mà nhiều người hy vọng sẽ đánh dấu sự kết thúc của cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Trên thực tế, vắc xin COVID-19 đã cứu sống hàng chục triệu người, nhưng hàng triệu người khác cũng đã qua đời vì không thể tiếp cận vắc xin hoặc đã từ chối tiêm chủng. Tại Mỹ, số người chết vì COVID-19 tính đến nay vào khoảng 800.000 người. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Francis Collins cho biết, các nhà khoa học và quan chức y tế dường như đã đánh giá thấp hậu quả của việc những thông tin sai lệch bị lan truyền sẽ trở thành những cản trở đối với “thành tựu đáng kinh ngạc” của vắc xin.

Được phát triển và đưa ra sử dụng với tốc độ nhanh chưa từng có, các loại vắc xin COVID-19 đã được chứng minh là cực kỳ an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca tử vong và nhập viện do COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính người chưa chủng ngừa có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao gấp 14 lần so với những người tiêm phòng đầy đủ. Hiệu quả của vắc xin giúp các trường học mở cửa trở lại, các nhà hàng chào đón thực khách và nhiều gia đình đã có thể đi cùng nhau trong kỳ nghỉ ở nhiều nơi trên thế giới. Tiến sĩ David Dowdy - nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins - nhận định: “Về mặt khoa học và sức khỏe cộng đồng, việc tìm ra vắc xin cũng giống như đưa một người lên mặt trăng”.

Dù vậy, năm đầu tiên của vắc xin đã gặp nhiều khó khăn với những xung đột quan điểm về tiêm chủng bắt buộc, cũng như sự phân phối vắc xin bất bình đẳng đối với các nước nghèo và nỗi lo về biến thể Omicron. Sự xuất hiện của Omicron đang tạo ra sự bất an, làm gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao đang đặt hàng vắc xin mới trong khi chỉ 6% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm một liều. 

Giáo sư Tulio de Oliveira từ Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với dịch bệnh ở Nam Phi ở Stellenbosch - người dẫn đầu nhóm cảnh báo thế giới về Omicron - viết trên Twitter rằng, sau khi các nhà nghiên cứu châu Phi chia sẻ những dữ liệu đầu tiên về biến chủng mới của COVID-19, vắc xin và quy trình chẩn đoán của thế giới sẽ cải thiện, tuy nhiên, các quốc gia thu nhập cao mới là những nước đầu tiên được hưởng lợi từ những phát hiện này. 

Linh La (theo Time, AP, Nature, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI