 |
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Giang |
Trước khi cuốn sách ra đời, những người quen biết vẫn ngưỡng mộ chị với hình ảnh một “nữ tướng” máu lửa và hài hước. Giang - cái tên như dòng sông không ngừng chảy - đã đi qua lắm phong ba, thác ghềnh trước khi hòa vào biển lớn.
“Má là người mượn nợ nhiều nhất trên đời mà tôi biết”
Chị Minh Giang bắt đầu chuyện nhà bằng những chuyến thăm 2 tháng một lần mà dù bận rộn thế nào chị cũng cố dành cho mẹ ở nơi cách xa gần ngàn cây số. Bên trong song sắt Trại giam Kim Sơn (Bình Định), mẹ chị - một người phụ nữ chẳng bao giờ chịu ngồi yên - có phần đằm lại, và ít nói hơn so với khoảng thời gian cách đây 6 năm. Dường như bà đã hiểu và dần chấp nhận. Những cuộc gặp gần đây, thay vì nói “Má biết đã làm tụi con khổ nhưng có cách nào giúp má ra ngoài sớm không?”, bà chỉ nhìn hai chị em Minh Giang, im lặng, lắng nghe những câu chuyện xoay quanh người thân ở nhà. Thỉnh thoảng, bà khen bộ quần áo của cô con gái lớn trông xinh quá và hỏi thăm 2 đứa cháu ngoại. Đôi khi hơi dè dặt, bà nhắn nhủ các con, các cháu làm gì nhưng đừng để phạm pháp, đừng để phải vô tù như bà.
Nhìn mẹ, chị Minh Giang yên tâm phần nào. Chị luôn hỏi mẹ cần mua gì trong lần thăm tới hay không. Và câu nói cuối cùng trước khi chị ra về luôn là: “Má ráng cải tạo tốt để ra tù sớm, về với con cháu”.
 |
Minh Giang thời còn bé và mẹ |
Mẹ chị là con gái già làng dân tộc H’rê, sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Trong mắt chị, mẹ là một người phụ nữ thông minh, luôn khát khao giàu có, vươn lên và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Áp lực của việc phải giàu nhanh đã đẩy bà chọn cách làm sai. Không có tiền thì bà đi vay mượn. Thất bại vài lần không thể làm bà an phận.
Thanh xuân của chị không biết bao lần chạy nợ. Những món đồ có giá trị của gia đình, rồi căn nhà duy nhất để nương thân cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Năm chị 20 tuổi, gia đình chính thức phá sản. 22 tuổi, chị tốt nghiệp đại học. Suốt 15 năm từ lúc ra trường, đi dạy học với mức lương 5 triệu đồng/tháng cho đến khi chuyển hướng sang kinh doanh với thu nhập trong mơ, chị vẫn miệt mài trả nợ cho mẹ.
7 năm trước, để tách mẹ ra khỏi vòng xoáy nợ nần, chị nài nỉ mẹ vào TPHCM. Chưa đầy 1 năm, giữa những người xa lạ, bà lại tiếp tục vỡ nợ. “Hình như má là người phụ nữ mượn nợ nhiều nhất trên đời mà tôi biết” - chị Minh Giang nói.
Từ mức án chung thân, mẹ chị được giảm còn 11 năm tù nhờ vào việc gia đình khắc phục hậu quả cho bị hại. Đến nay, bà đã đi nửa chặng đường của bản án và chị vẫn thay mẹ khắc phục những hậu quả trong quá khứ.
Hơn ai hết, chị hiểu mẹ là người phụ nữ rất yêu con và thương gia đình. Không muốn phó mặc số phận của con cái trong những lần đau bệnh vì thiếu tiền, hay mong muốn con cái được sống một cuộc sống mà người khác không thể khinh thường chính là động lực đằng sau câu chuyện làm giàu của bà. Tuy nhiên, chị Giang tự nhận ra, việc thương mẹ không đồng nghĩa với chuyện trả nợ cho bà. Chị trải lòng: “Tôi biết, nếu tôi tiếp tục trả nợ cho má như đã làm suốt 15 năm trước, cục diện sẽ không bao giờ thay đổi”.
Là một đứa con, không ít lần chị thấy trái tim mình đau nhói.
Thay mẹ viết tiếp ước mơ
Suốt 6 năm qua, chị Minh Giang và em trai vẫn đều đặn thăm mẹ để bà không thiếu tình thương. Chị thay mẹ cáng đáng gia đình lớn, chăm sóc ba và lo cho em trai học hành đến nơi đến chốn, đến khi tạo dựng gia đình riêng. Chị chọn thương và lo hết mọi điều trăn trở của mẹ để bà tự nhận ra những sai lầm của mình.
 |
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Giang (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tham dự diễn đàn “Đổi mới để phát triển tổ chức” |
Sau những cuộc gặp ngắn ngủi ở trại giam, chị vẫn đứng bên ngoài nhìn theo mẹ cho đến khi bà khuất dạng. Chị thấy ở bản thân có nhiều điểm giống mẹ bởi luôn phải mạnh mẽ để lo toan cho gia đình, ước mơ được khẳng định mình. Càng hiểu, chị càng thương mẹ. Cũng từ cuộc đời của mẹ, chị thường trực nỗi sợ “mắc nợ”, hay nói thẳng ra là “sợ nghèo”. Nỗi sợ đó khiến chị khát khao học hỏi, nỗ lực tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình.
“Với tôi, má là của hồi môn đặc biệt. Đó là sự gan lì, bản lĩnh giúp tôi đủ sức vượt lên nghịch cảnh; là tình thương làm nền tảng để tôi xây dựng gia đình của riêng mình. Đặc biệt, ước mơ dang dở về sự giàu sang của má luôn là động lực để tôi nhắc bản thân nỗ lực, quyết tâm sống giàu. Nhưng tôi không chọn cách làm giàu như má. Ngoài việc nỗ lực để đủ đầy về vật chất, tôi chọn cuộc sống giàu tri thức, giàu tâm hồn và một cái tôi được giải phóng” - chị Minh Giang bộc bạch.
Nhận thức đó khiến chị chủ động rẽ dòng. Sau 1 năm đi dạy, nhận thấy bản thân đã nhầm đường khi chọn Sư phạm không thật sự vì đam mê mà vì đầu vào không tốn tiền và đầu ra nhàn hạ, chị quyết định dừng lại. Trong 3 năm sau, chị trải nghiệm công việc của một biên tập viên, thư ký… rồi dừng chân ở Mekong Capital với vị trí chuyên viên nhân sự. Môi trường mới này đã mở ra không gian để chị khám phá năng lực bản thân, giúp chị say mê học hỏi và không ngừng ứng dụng. Năm 2020, chị trở thành Tổng giám đốc Nhân tài và Văn hóa đầu tiên của công ty. Đó cũng là lúc chị say mê với công việc trong tâm thế một người tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Dịch COVID-19 bùng phát, nhận cuộc gọi từ Giám đốc Sở Công Thương TPHCM về sự cấp thiết phải giải cứu thị trường, các doanh nghiệp họp online để bàn giải pháp cho chiến dịch phân phối rau, củ quả. Chị và những người cộng tác thức trắng đêm để thiết lập chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống từ khâu mua hàng, vận chuyển, lưu trữ và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chỉ 3, 4 ngày sau đó, các cửa hàng rau củ bày bán khắp thành phố, từ hiệu thuốc cho đến cửa hàng Con Cưng… Trong vai trò người điều phối, chị cảm nhận niềm hạnh phúc khi có thể góp sức cho cộng đồng; thấy rõ tầm quan trọng của sự kết nối trong đời sống. “Con người không ai có thể sống một mình. Vì vậy, trong bất kỳ công việc nào cũng cần sự chung tay để tạo nên sức mạnh. Tôi nhận ra, kết nối là điều bản thân có thể làm tốt nhất” - chị khẳng định.
Đó cũng chính là bước ngoặt để ngày 22/9/2022 (sau 12 năm 5 tháng gắn bó), chị Minh Giang thông báo rời Mekong Capital trong sự tiếc nuối của bạn bè, đồng nghiệp để bắt đầu hành trình làm chủ. Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 12/12/2022, chị tổ chức sự kiện, tuyên bố thành lập Newing - công ty chuyên huấn luyện, tư vấn, kết nối và tổ chức cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, trải nghiệm những cơ hội mới để chuyển hóa bản thân, đội nhóm, dẫn dắt sự thay đổi và làm mới tổ chức.
Đến nay, sau hơn 2 năm thành lập Newing, chị đã trở thành thành viên Hội đồng quản trị của 5 tập đoàn lớn. Chị cũng là thành viên Ban chấp hành Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) liên tiếp 2 nhiệm kỳ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch Hawee - đánh giá cao tài năng cũng như những đóng góp cho cộng đồng của nữ doanh nhân trẻ này.
Bà cho biết, chị Minh Giang hiện là trưởng nhóm 30++ của Hawee, bao gồm những nữ doanh nhân độ tuổi U30, 40 năng động và có trình độ cao, là nguồn nhân lực nữ rất mạnh của lực lượng doanh nhân TPHCM. “Quá trình nỗ lực để thành công của Minh Giang là một câu chuyện tràn đầy cảm hứng cho những doanh nhân trẻ. Trong vai trò thành viên Ban chấp hành Hawee, Giang nhiệt tình đóng góp tri thức cho các diễn đàn, làm người hướng dẫn (mentor) cho các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù rất bận nhưng việc gì có thể giúp cộng hưởng giá trị cho cộng đồng thì Giang luôn dành thời gian để đóng góp, kể cả hoạt động từ thiện” - bà Cao Thị Ngọc Dung nói.
 |
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Giang (bìa trái) là diễn giả quen thuộc tại các diễn đàn về văn hóa doanh nghiệp |
Khi được hỏi, điều gì đã làm nên những thành công của Minh Giang hôm nay, chẳng nghĩ nhiều, chị nói ngay 2 tiếng “gia đình”. Mẹ là động lực để chị làm giàu, nhưng gia đình nhỏ lại là điểm tựa để chị an tâm sống với đam mê. “Nhà mình như một sân bóng. Nếu em đá tiền đạo thì anh lùi về vị trí tiền vệ hoặc hậu vệ. Anh luôn ủng hộ em trong mọi quyết định” là câu nói Minh Giang luôn biết ơn người bạn đời của mình. Do đó, dù cho 2 chữ “nữ tướng” có vận vào người, khiến chị suốt ngày xông pha thương trường, nhưng khi trở về “mặt trận” gia đình, chị thích cảm giác bình yên làm một nữ nhân bình thường, được bảo bọc, che chở và yêu thương. “Với tôi, gia đình vẫn luôn được đặt ở vị trí cao nhất. Đó là nơi cho tôi bệ phóng để thành công, nhưng cũng là nơi tôi mong muốn được trở về nhất” - chị nói.
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 0966182727 |
Thu Lê