Ước mơ của mẹ

02/10/2022 - 10:00

PNO - Căn bếp nhỏ đượm mùi củi khô, than luôn rực cháy là nơi chị Phạm Thị Nhung ấp ủ ước mơ mở lớp dạy nghề cho trẻ khiếm thính. Ước mơ này xuất phát từ tình yêu chị dành cho cô con gái Quỳnh Anh.

 

Chị Phạm Thị Nhung và hai con trong một chuyến dạo chơi ở làng quê
Chị Phạm Thị Nhung và hai con trong một chuyến dạo chơi ở làng quê

Chị Nhung (sinh năm 1989 tại Ứng Hòa, Hà Nội) nhớ lại: “Một ngày, con trai tôi hỏi: Mẹ ơi, sao hôm nào mẹ cũng đón con muộn thế? Nghe xong, bỗng dưng tôi òa khóc. Vì câu hỏi của đứa con bé bỏng, tôi quyết định bỏ phố về quê để có nhiều thời gian hơn cho con. Đó là một ngày đầu tháng 8/2020, thời điểm dịch COVID-19 còn phức tạp”.

Khoảnh khắc đó như nút thắt được tháo gỡ sau thời gian dài chị vừa đi làm vừa chăm cho hai con, trong đó cô con gái nhỏ bị khiếm thính bẩm sinh. Bệnh của bé ở mức độ nặng, chỉ nghe được chút âm thanh ở tần số cao khi nói thật to. Bởi con không thể nghe nên con không biết nói, dù chỉ là hai tiếng “mẹ ơi”.

Với kinh nghiệm từng làm ở một công ty dược và sở thích làm đồ handmade, chị Nhung bắt đầu làm các sản phẩm từ thảo dược, như: xà bông, son dưỡng, nước hoa khô. Sau đó, chị phát triển thêm sản phẩm dầu gội làm từ bồ kết, bồ hòn cùng 20 loại thảo mộc và dầu xả từ dầu ô liu, bơ hạt xoài, vitamin E, sáp ong… Tất cả đều trồng tại vườn nhà hoặc chị liên kết các vườn canh tác không hóa chất.
Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng, tự mày mò công thức rồi làm ra những sản phẩm từ thảo mộc, chị Nhung còn kiêm luôn công việc bán hàng, đóng gói và marketing. Công việc dù tất bật, không ít lần mệt mỏi vì phải bắt đầu từ con số 0, phải lo từ A - Z nhưng đó là cái “mệt hạnh phúc” vì quan trọng nhất, chị được gần gũi chăm sóc các con, còn các bé được sống chan hòa với thiên nhiên.

Ở quê nhà, chị Nhung thường đưa các con dạo quanh xóm nhỏ, chơi ngoài đồng cỏ. Không khí ở làng quê yên bình, gần gũi thiên nhiên. So với khoảng thời gian sống ở phố, suốt ngày cha mẹ bận rộn ở công ty, con đi học ở trường, đến tối mới có cơ hội bên nhau thì khi về quê sống, gia đình nhỏ của chị dường như tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc hơn.

Chị Nhung tâm sự: “Có nấu nước cốt gội đầu rồi mới biết, làm thủ công không chỉ mất công mất sức mà còn phải có kinh nghiệm. Mỗi mẻ cốt gội cầu kỳ, tỉ mỉ từ các công đoạn rang bồ kết, nấu và giã, lọc, cô đặc lại… mất tới ba ngày. 

Muốn làm sản phẩm thủ công, không chỉ yêu thích mà bạn còn phải kiên trì theo đuổi. Sự tỉ mỉ, tập trung và nhẫn nại khi làm sản phẩm handmade đã rèn luyện thêm cho tôi sự kỷ luật cần thiết khi hướng dẫn Quỳnh Anh các kỹ năng và dạy con nói”.

Hiện tại, mỗi Chủ nhật, chị Nhung thường đưa con lên Hà Nội để học ngôn ngữ ký hiệu, là nền tảng sau này cho con. Con học tới đâu, mẹ học tới đó để giao tiếp và dạy con nói. 

Vừa là mẹ, vừa là cô giáo và cũng là bạn đồng hành bên con, chị Nhung dành nhiều thời gian hướng dẫn con làm sản phẩm handmade, dạy con những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Bắt đầu từ những việc đơn giản như ra vườn hái thảo dược làm xà phòng đến việc bọc gói thành phẩm gửi đi cho khách, con tìm được niềm vui và cũng hào hứng trao đổi với mẹ hơn là trong khung cảnh “bảng đen phấn trắng”. Từ những bài học ở lớp học ký hiệu, chị thực hành nhiều hơn với Quỳnh Anh. Sau bao nỗ lực của hai mẹ con, bây giờ Quỳnh Anh không chỉ gọi được “mẹ ơi” mà còn gọi được mọi người trong gia đình. Con còn nói được những câu ngắn, như: “Mẹ ơi ăn cơm”, “Bố đi làm”, “Mẹ cho con đi chơi”…

Chị Nhung chia sẻ: “Bây giờ, ước mơ của tôi không chỉ là được ở bên con, đồng hành với con mà tôi còn muốn xây dựng một công việc dành cho con và các bạn đồng bệnh của con sau này. Tôi muốn các con được lớn lên tự tin hơn vì mình là người bình thường, là người có ích. Trong tương lai gần, sẽ có một lớp dạy nghề miễn phí cho các bé khiếm thính. Hành trình vạn dặm cũng bắt đầu từ một bước chân. Tôi đang từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình”. 

Ngọc Trà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI