U70, lần đầu làm “chuyện ấy”…

30/03/2022 - 12:45

PNO - Đó là chuyện đưa con đi mẫu giáo, trong ngày đầu tiên, tôi nhớ ngay đến bài học thuộc lòng thời bé từ tập sách "Tâm hồn cao thượng" của nhà văn Ý Edmondo de Amicis (Hà Mai Anh dịch). Bài học thuộc này, ngày xưa, ba tôi đã dò bài trước khi tôi đi ngủ.

 

Tác giả lần đầu dẫn con gái đi nhà trẻ
Tác giả lần đầu dẫn con gái đi nhà trẻ

“An Di, con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết dường nào! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ, làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ trong xưởng, Chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem tập sách ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả”.

Ai cũng đi học. Ngày đưa con đến trường, nhiều người lại nhớ đến hình ảnh ngày xưa được ba/mẹ âu yếm dắt đi, nói như nhà văn Thanh Tịnh, buổi sớm mai hôm ấy “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”. Nay, lại khác. Vì dịch COVID-19, cả nước khai trường vào sau tết, ngày 14/2/2022. Nắng chói chang, nền trời xanh biếc. 

Tác giả đưa con gái cưng đi mẫu giáo
Tác giả và con gái cưng ở trường mẫu giáo

Như mọi buổi sáng, anh thức dậy sớm, chỉnh tề quần áo đưa con đến trường mầm non. Có lúc bé nhóc tung tăng bước theo, nhưng có khi anh phải ẵm bồng. Được thế, tự dưng anh lại cảm thấy có gì đó sung sướng lắm, ừ, trên đời đã làm biết bao nhiêu việc nhưng việc này vẫn là lúc anh thấy mình toàn tâm toàn ý nhất. Hoàn toàn tự nguyện. Niềm vui đầu đời của một kiếp nhân sinh, bây giờ anh mới cảm nhận được. Thế thì, lúc đưa con đến trường, cha mẹ nào cũng chan chứa trong lòng sự rộn rã yêu thương. Có cả sự âu lo nữa. Bấy lâu nay, bé nhóc chỉ quanh quẩn bên chân, nói chưa rành, đi chưa vững. Cơm ăn mỗi ngày còn phải đút, còn phải hò hét, năn nỉ chán chê. Ngủ cũng phải có ba mẹ vỗ về nằm cạnh… 

Vì thế, con đến trường là bước vào thế giới mới, nơi ấy có bạn bè thân thiện, có cô giáo hiền. Biết là thế, anh vẫn có âu lo xa xôi và mơ hồ, dù biết rằng, không nên “quan trọng hóa vấn đề”. 

Sáng hôm ấy, như mọi buổi sáng, lúc các cô giáo dẫn con bước vào cổng trường, anh cũng vẫn đứng ngóng nhìn theo. Thông thường, từ ngoài cổng, dọc đường đi vào khu vực của lớp học, cứ mỗi đoạn ngắn lại có cô giáo, các bé đi đến vị trí này sẽ được cô dẫn “bàn giao” ở vị trí kế tiếp. Nhưng sáng nay lại không có các cô giáo đứng đó, vì thế, khi con bước vào cổng, anh đứng nhìn theo thấy bé đi một mình cho đến lúc khuất tầm mắt. Tự dưng anh lại tự hỏi: “Bé nhà mình có biết đường vào lớp hay không?”. Rồi lại đặt ra tình huống, nếu ai đó, không phải cô giáo lại dẫn bé đi đâu đó thì sao? 

Cứ nghĩ vẩn vơ mãi rồi anh… lại đâm ra lo.

Một nỗi lo ùa đến. Phải làm sao? Khổ nỗi, ngay từ cổng dẫn bé vào trường chỉ có các cô giáo, chứ không phụ huynh nào được đi theo, do đó, anh muốn vào kiểm tra xem bé thế nào cũng không thể. Phải làm sao? Câu hỏi ấy bám theo anh lúc trở về nhà. Vợ thấy gương mặt xìu xìu bèn hỏi, anh kể lại. Tưởng gì, cô nàng phá lên cười, rồi tặng luôn cho anh tục ngữ: “Lo bò trắng răng”, tức lo việc gì đó không đáng lo. Anh ứ thèm quan tâm đến. Cứ ngồi thừ người ra và… luôn nghĩ bằng cách nào có thể vào trường để kiểm tra bé có vào đúng lớp hay không? Nghĩ tới, nghĩ lui. Nghĩ mãi. Nghĩ nhiều nhất vẫn là vào buổi sáng, bé nhóc còn ngái ngủ, đã đánh thức dậy. Bé mè nheo. Nước mắt ngắn dài. Thương lắm. Thương nhưng cũng bảo bé đi học. Thế là từ nhà đến trường, anh phải ẵm, phải dỗ dành mãi. Nghĩ thế. Càng thương, càng nhớ bé.

Nghĩ vẩn vơ một lúc, đột nhiên trong đầu mụ mị, hoang mang của anh lại lóe sáng, một thứ ánh sáng của sự thông minh đột xuất, à, dễ quá, hợp lý quá, vậy mà nãy giờ nghĩ không ra. Anh tự cười và khen cho mình đã sáng trí vào lúc này: cầm con mèo bông đi đến trường và lấy cớ xin vào lớp đưa tận tay cho bé. Sáng kiến này đáng khen quá đi thôi. Phải thế chứ. Trong “cái khó” bao giờ cũng ló “cái khôn”. Anh nhanh chóng làm ngay, mặc kệ cô vợ tủm tỉm cười trêu bằng cách lặp lại câu tục ngữ trên như bỡn cợt, chọc quê. 

Mặc kệ.

Thế là anh lao nhanh ra khỏi nhà. Đi như bay. Tới nơi, anh choáng váng khi nghe câu trả lời: “Ở lớp có đồ chơi rồi. Phụ huynh không cần phải đem vào thêm nữa”. Anh cụt hứng. Kế hoạch “phá sản” hoàn toàn. Anh bèn thú thật nỗi lòng. Nào ngờ cô giáo trẻ măng giải quyết nỗi lo của anh cái rẹt, chưa đầy “nửa nốt nhạc”. Ấy là cô nhờ bảo vệ gọi điện thoại vào lớp của bé đang theo học. Kiểm tra nhanh và gọn. Chỉ cần thế là xong. Là thở phào nhẹ nhõm. Là vui ra mặt. Là anh mới có thể trút khỏi gánh nặng âu lo đã canh cánh trong lòng. Vậy mà bao nhiêu sự thông minh đi đâu mất, khiến từ sáng đến giờ nghĩ mãi không ra, cứ ôm lấy nỗi lo ấy.

Lại nữa. Lại một nỗi lo khác, trước đó. Đêm ấy, anh nhớ đến lịch hẹn cực kỳ quan trọng vào sáng mai. Cả đêm anh trằn trọc không yên. Mong trời mau sáng. Sợ ngủ quên. Ngộ nhỡ mình đến trễ, có sao không? Một cảm giác lạ lùng khiến anh liên tưởng về năm tháng hoa niên mới lớn, chuỗi ngày con tim biết rung động, đại khái, ngày ấy, anh cũng từng thốt lên như chàng trai si tình trong câu ca dao hơn bốn ngàn năm văn hiến nước Việt: 

Đêm nằm lưng chẳng bén giường
Trông cho mau sáng ra đường gặp em

Còn bây giờ thì sao? Lịch hẹn gì khiến anh thao thức không yên? Đợi người yêu chăng? Nghe câu hỏi này, chắc anh phải suy nghĩ chán chê, cân nhắc trước sau rồi mới trả lời chăng? Không hề. Tự lòng anh ngay lập tức đã thốt lên lời chân 
thành nhất:

Chẳng phải thế đâu. Hơn cả thế
Một ngày ấn tượng của đầu tiên:
Xếp hàng nộp đơn đi mẫu giáo
Cô giáo từ nay tựa mẹ hiền
Nắn nót từng dòng lên dấu ấn
Tên con rõ nét lớp mầm non
Ngày con đi học là ba mẹ
Trở về thơ ấu bước lon ton

A, thì ra thế. Còn hơn cả lúc chờ đợi đến giây phút chạm mặt người yêu nữa đấy. Rõ ràng, khi có con, người ta thay đổi nhiều lắm. Thường trực trong lòng là nỗi nhớ con. Con đi đâu mà nhớ? Dạ, cháu đi học mẫu giáo. Sáng đi trưa về, hoặc chiều về. Khoảng thời gian đó trôi qua cái vèo. Chỉ nháy mắt. Biết vậy. Vẫn nhớ. Vẫn sống trong cảm giác:

Em đi học rồi
Cửa nhà yên ắng 
Đi vào đi ra
Nhìn đâu cũng vắng
Chỗ này liếng thoắng
Bi bô rộn nhà
Chỗ kia chạy nhảy
Tiếng cười đâu ta?
Em đi đến lớp
Cùng bạn và cô
Ba mẹ thỉnh thoảng
Liếc nhìn… đồng hồ
Mong mau đến giờ
Em mình tan học

Chưa đến giờ đâu. Biết vậy. Nhưng rồi tâm trí vẫn nghĩ về con. Vì thế, mới có tình huống xem ra thật tức cười. Thích thì cười. Nào có ai cấm đâu. Thì đây:

Chớp mắt nghỉ trưa. Giấc chẳng tròn
Nôn nóng tới giờ đi đón con
Nằm nhà mộng mị - buồn cười thật
Thấy mình đang học… lớp mầm non

Này bạn, đôi lúc chúng ta hay nói đến thái độ và hành động “vượt lên chính mình”, trộm nghĩ, câu này cũng rất đáng dành cho các bỉm sữa lần đầu có con. Có những chuyện dù biết chắc là thế, nhưng rồi họ cũng âu lo như thường. Một nỗi lo không đáng. Mà thôi, chuyện này, chẳng có gì buồn cười đâu, vì ít nhiều đã nói lên lòng yêu thương dành cho con. Yêu thương đó, còn trải dài theo thời gian đã giúp con người ta có dịp trải nghiệm và suy ngẫm về hạnh phúc đó. 

Cô giáo từ nay tựa mẹ hiền/ Nắn nót từng dòng lên dấu ấn
"Cô giáo từ nay tựa mẹ hiền/ Nắn nót từng dòng lên dấu ấn"

Và, khi dẫn con đi mẫu giáo, dù trò chuyện cùng con, nhưng trong óc thỉnh thoảng lại vọng lên bài học thuộc lòng ngày xưa: “Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”. 

Nhớ lại rồi anh tủm tỉm cười. Tại sao cười? Vì rằng, từ “cố lên” ấy còn đang dành cho chính anh phải “vượt qua chính anh” nữa đấy. Phải vượt qua nỗi lòng, nỗi nhớ lúc xa con vì bé nhóc đang đi mẫu giáo nữa đấy. Trải nghiệm này thật lý thú và hạnh phúc vô ngần. 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI