Trung Quốc: Xét nghiệm COVID-19 khiến "kẻ giàu thêm, người nghèo hơn"

11/06/2022 - 15:08

PNO - Các chiến dịch xét nghiệm bắt buộc đại trà ở Trung Quốc đang khiến tầng lớp dân nghèo thêm khó khăn, trong khi đó, không ít người nhờ đại dịch mà trở thành tỷ phú.

Thượng Hải đang dần nới lỏng các hình thức kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt nhất, bao gồm cả biện pháp phong tỏa, thế nhưng 25 triệu cư dân của thành phố lớn nhất Trung Quốc vẫn cảm thấy cuộc sống của họ ngày càng trở nên ngột ngạt hơn.

Cư dân ở một khu chung cơ tại Thượng Hải đang được nhân viên y tế đến tận nhà thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 - Ảnh: Reuters
Cư dân ở một khu chung cu tại Thượng Hải đang được nhân viên y tế đến tận nhà làm xét nghiệm nhanh COVID-19 - Ảnh: Reuters

Xét nghiệm đại trà gây khó cho người dân

Chính quyền thành phố yêu cầu người dân phải trình kết quả PCR âm tính được xét nghiệm trong vòng 48 giờ thì mới được phép đi đến các không gian công cộng. Chính sách này cũng dự kiến ​​sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở chỗ, sau khi cung cấp hàng chục triệu bộ kit test miễn phí để chống lại các cơn bùng phát dịch trong nửa năm qua, giờ đây, chính phủ Trung Quốc đã quyết định chuyển sang chính sách thu phí. Theo đó, xét nghiệm PCR thường có giá khoảng 20 nhân dân tệ (khoảng 70 ngàn đồng) cho một lần thực hiện và chi phí này liên tục thay đổi theo hướng tăng lên dẫn đến tình trạng căng thẳng về tài chính cho tầng lớp lao động ở quốc gia tỷ dân này.

Theo hãng tin Quartz thì tất cả các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng đều hạn chế người dân tiếp cận nếu không có kết quả xét nghiệm COVID-19. Với tầng lớp lao động phổ thông thì chi phí xét nghiệm ngốn của họ ít nhất 300 nhân dân tệ/tháng (khoảng 1 triệu đồng), một khoảng tiền không nhỏ trong tổng thu nhập từ tiền lương hàng tháng của mình.

Chưa kể người lao động còn phải tốn không ít thời gian xin nghỉ việc để đi xét nghiệm ở những địa điểm tập trung, nơi luôn có những hàng dài người đang chờ đợi.

Xét nghiệm bắt buộc đại trà đang gây nên áp lực về tài chính cho tầng lớp người dân lao động ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Xét nghiệm bắt buộc đại trà đang gây nên áp lực về tài chính cho tầng lớp người dân lao động ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Với chi phí 20 nhân dân tệ cho mỗi lần xét nghiệm thì việc xét nghiệm với tần suất hai ngày một lần cho 70% dân số sẽ tương đương với 8,4% chi tiêu tài chính của Trung Quốc, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế. Chưa kể, việc xét nghiệm bắt buộc đại trà như thế này sẽ tiêu tốn 1,8% GDP của Trung Quốc, khiến cho mối lo ngại về một nền kinh tế yếu kém càng trở nên nặng nề hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc người ta buộc phải cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực công khác, thậm chí còn “ăn lẹm” cả vào nguồn ngân sách thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ dành cho người dân.

Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phải lên tiếng về những rủi ro kinh tế, và cảnh báo rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của chính phủ trong năm nay là “ngoài tầm với”. Một cuộc khảo sát của tạp chí kinh tế Bloomberg thực hiện cuối tháng 5/2022 thì đưa ra con số là 4,5%.

Ngoài ra, còn nảy sinh thêm vấn đề nan giải khác, đó là tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ từ 16 - 24 tuổi hiện đã tăng cao đến mức 18,2%, gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp chung ở Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược zero Covid - Ảnh: Reuters
Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược "zero Covid" - Ảnh: Reuters

Nhiều doanh nghiệp "vớ bở" nhờ... COVID-19

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ chiến lược “zero covid” của mình. Tháng 5/2022, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết họ đã hoàn tất việc thiết lập 9.000 điểm xét nghiệm COVID-19 cố định phủ khắp thành phố “nhằm đảm bảo người dân được xét nghiệm chỉ trong vòng 15 phút”, một quan chức địa phương cho biết.

Bên cạnh đó, chiến dịch xét nghiệm bắt buộc đại trà còn mang đến “cơ hội ngàn vàng” để làm giàu của không ít doanh nghiệp.

Công ty Pacific Securities có trụ sở tại Hồng Kông ước tính, thị trường dành cho các nhà sản xuất và cung cấp kit test COVID-19 trị giá hơn 15 tỷ USD mỗi năm, phần lớn rơi vào tay của các “ông lớn” trong lĩnh vực này như chuỗi hệ thống phòng xét nghiệm Adicon và các doanh nghiệp đối tác của chính phủ Trung Quốc như Dian Diagnostics và Shanghai Runda. 

Bên cạnh các gói thầu “khủng” được chính phủ giao, các công ty này cũng không thể nào bỏ qua thị trường béo bở là cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 trực tiếp đến nhóm khách hàng là các cá nhân và tổ chức có nhu cầu.

Theo Reuter thì Shanghai Runda đã thực hiện mỗi ngày khoảng 400.000 mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Thượng Hải trong đợt thành phố bị phong tỏa hồi tháng 4/2022, thu về hơn 30 triệu USD chỉ trong một tháng.

Một số doanh nghiệp sản xuất và cung cấp kít xét nghiệm COVID-19 của Trung Quốc ăn nên làm ra nhờ đại dịch - Ảnh:  Gao Feng/Xinhua
Một số doanh nghiệp sản xuất và cung cấp kít xét nghiệm COVID-19 của Trung Quốc "ăn nên làm ra" nhờ đại dịch - Ảnh: Gao Feng/Xinhua

Nguyễn Thuận (theo QZ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI