Trung Quốc: Khi nam giới lấn át 'chị em' trong lĩnh vực làm đẹp

11/08/2018 - 06:26

PNO - Khi Jiang Cheng lần đầu tiên thử dùng một chút kem che khuyết điểm khi đang học năm nhất đại học, cậu thấy tự tin và lập tức tìm thấy niềm đam mê của mình.

Giờ đây cậu là một trong hàng trăm trai trẻ ở Trung Quốc hàng ngày lên mạng chia sẻ những bí quyết làm đẹp và kiếm bộn tiền từ ngành công việc mỹ phẩm cho nam giới đang bùng nổ.

Trung Quoc: Khi nam gioi lan at 'chi em' trong linh vuc lam dep
Jiang Cheng chuẩn bị quay video làm đẹp cho nam giới tại nhà ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

"Tôi nhận ra rằng trang điểm thực ra cũng khá dễ", chàng trai 24 tuổi tâm sự khi nhẹ nhàng thoa kem nền lên mặt.

"Phụ nữ vẫn chưa thực sự chấp nhận khái niệm trang điểm cho nam giới. Nữ giới mà trang điểm như tôi có khi lại không đạt được hiệu quả như tôi mong muốn đâu", Jiang nói.

Đều đặn các cuối tuần, Jiang bỏ ra hàng giờ đứng trước cái điện thoại iPhone trong trường quay tự tạo của mình ở Bắc Kinh, thử nghiệm các loại son môi và phấn má mới nhất cho hàng trăm người đang theo dõi trực tiếp, vài người trong số họ có thể ngẫu hứng bỏ tiền ra mua các sản phẩm mà cậu đang giới thiệu.

"Màu này không đến nỗi nổi quá đâu, các anh em vẫn có thể thoa để đến cả những nơi cổ hủ", cậu nói với những người hâm mộ.

Các ngôi sao làm đẹp trên mạng tạo nên một ngành công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc, xoá nhoà ranh giới giữa giải trí và thương mại điện tử.

Trung Quoc: Khi nam gioi lan at 'chi em' trong linh vuc lam dep
Lan Haoyi chia sẻ các bí kíp làm đẹp trên mạng. Ảnh: AFP

Những công ty như Alibaba và JD.com đã tạo ra các nền tảng phát trực tuyến cho phép người xem có thể mua hàng ngay khi đang xem video. Các thương hiệu mỹ phẩm thì sẵn sàng chi nhiều tiền cho các ngôi sao trên mạng, đến giờ vẫn hầu hết là nữ, để họ giới thiệu các sản phẩm mới.

Nhưng giờ đây, cả thị trường lẫn các nhận thức về giới đang thay đổi. Mỹ phẩm không còn là độc quyền của phụ nữ và các ngôi sao nam giới đang chứng tỏ một chút son phấn chả hại gì ai cả.

Jiang cho biết một công ty quản lý các blogger trả cho cậu mỗi tháng khoảng 5.000 NDT (khoảng 730 USD) để cậu giới thiệu sản phẩm cho các công ty mỹ phẩm.

Trong 5 năm tới, thị trường mỹ phẩm nam giới ở Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng khoảng 15,2%, còn trên toàn cầu là 11%, theo hãng nghiên cứu Euromonitor.

"Tiểu thịt tươi"

Trung Quoc: Khi nam gioi lan at 'chi em' trong linh vuc lam dep
Jiang Cheng ghi hình tại nhà ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Các công ty nước ngoài như La Mer và Aesop cũng nhanh chân nhập cuộc, kết hợp với các video blogger như Lan Haoyi, biệt danh trên mạng là Lan Pu Lan, để quảng bá sản phẩm của họ đến gần 1,4 triệu người theo dõi của cậu.

Thanh niên 27 tuổi này mỗi tháng chi đến 10.000 NDT (khoảng 1.460 USD) cho các sản phẩm làm đẹp. Cậu nói các “tiểu thịt tươi” - cách gọi các chàng trai trẻ ưa nhìn ở Trung Quốc - đang dẫn đầu xu hướng này.

"Ngày càng có nhiều đàn ông trong làng giải trí trang điểm. Thế nên việc này sẽ sớm trở nên bình thường thôi", Lan nói.

Nhưng dù ở các thành phố lớn ở Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong nhận thức, những người như Lan vẫn nhận được không ít những lời dị nghị và phê phán khi xuất hiện với đôi mắt khói tông đỏ.

"'Đàn ông sao lại trông thế kia? Con trai sao lại phải trang điểm?' Người ta nói với tôi như thế đấy", Lan kể. Anh bị gọi là "ái" và nhiều từ khó nghe khác.

Với Jiang, cậu cũng không dám cầm cọ lên trang điểm trước mặt cha mẹ vì sợ họ chê cười.

"Tôi không muốn gây căng thẳng với bố mẹ. Họ còn chả thèm nhìn mặt tôi, quan điểm sống của chúng tôi khác nhau quá”, cậu chia sẻ.

"Tôi không nói là bố mẹ nghĩ tôi trang điểm là xấu hay thế nào, nhưng họ không thể chấp nhận được việc một người đàn ông trang điểm hàng ngày".

Bán hàng trên mạng

Trung Quoc: Khi nam gioi lan at 'chi em' trong linh vuc lam dep
Lan Haoyi trang điểm trước khi quay video tại nhà ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Nhưng Mo Fei, giám đốc điều hành của Chetti Rouge, một công ty mỹ phẩm Trung Quốc chuyên phục vụ khách hàng nam giới, tin rằng tình hình sẽ sớm thay đổi.

"Ngày càng có nhiều nam giới quan tâm hơn đến hình thức và nhu cầu sẽ ngày càng tăng lên. Đàn ông phương Đông cũng dễ đón nhận hơn", Mo nói.

Anh mở Chetti Rouge hồi năm 2005 chỉ với một vài sản phẩm. Giờ đây công ty này bán ra đủ loại mỹ phẩm từ kem nền cho đến son môi chỉ dành riêng cho đàn ông và đã chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh lên mạng.

"Từ sớm chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường này", Mo nói với AFP. Anh cho biết thêm là cách đây 3 năm công ty đã mở rộng sang cả thị trường Thái Lan.

"Có thể là do nam giới đã chấp nhận việc trang điểm. Nhưng với họ, việc tìm mua sản phẩm tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, vẫn hơi khó khăn, do đó cách tốt nhất đối với họ là mua trên mạng. Chiến lược bán hàng cũng chúng tôi cũng chủ yếu là trên mạng".

Đại An (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI