Trung Quốc dần hiện thực hóa đội tàu sân bay tại Biển Đông

20/12/2019 - 10:00

PNO - Hôm 17/12, Trung Quốc chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước vào hoạt động tại Biển Đông, đánh dấu cột mốc mới trong tham vọng xây dựng đội hải quân hiện đại.

Hành động này của Trung Quốc có khả năng thách thức sự thống trị của Mỹ trên biển, đặc biệt là ở Thái Bình Dương.

Mục tiêu thành lập hạm đội 6 tàu sân bay

Ngày 17/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì buổi lễ vận hành tàu tại căn cứ hải quân ở Tam Á, phía nam đảo Hải Nam, nơi con tàu sân bay được hoàn thiện. Từ đó, tàu sân bay mới có thể hiện diện khắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của Mỹ và các cường quốc ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản và Úc. 

Trung Quoc dan hien thuc hoa doi tau san bay tai Bien Dong
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ vận hành tàu sân bay Shandong hôm 17/12 - Ảnh: China Daily

Theo tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba tại một nhà máy gần Thượng Hải và có kế hoạch đóng chiếc thứ tư. Nếu được hoàn thiện, Trung Quốc sẽ là nước có đội tàu sân bay đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ - hiện có 10 hàng không mẫu hạm đang hoạt động.

Tàu sân bay mới với tên gọi chính thức là Shandong (Sơn Đông), được mô phỏng theo con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Liaoning (Liêu Ninh), mua từ Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ với giá 20 triệu USD. Tàu Shandong chủ yếu dựa trên thiết kế thời Xô Viết với đường dốc đặc biệt ở phần mũi để máy bay cất cánh, đồng thời có các cải tiến công nghệ.

Tàu sân bay Shandong lần đầu tiên được đưa ra biển năm 2018 nhưng gặp một số vấn đề trong thử nghiệm nên phải trì hoãn ngày vận hành chính thức. Tàu sân bay mới được thiết kế để mang theo 36 máy bay chiến đấu J-15, còn tàu Liaoning có sức chứa 24 máy bay. 

Nhìn chung, hai tàu sân bay Trung Quốc kém tinh vi hơn hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, nhưng với vị trí biểu tượng của sức mạnh quân sự toàn cầu, chúng là những thành tựu quan trọng đối với đội quân trước đó tập trung chủ yếu vào chiến tranh trên bộ.

Nhiều rào cản về tài chính, kỹ thuật

Kể từ khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân giám sát một chương trình hiện đại hóa sâu rộng của quân đội và sự mở rộng của hải quân được xem là tâm điểm trong quá trình này. Theo Lầu Năm Góc, Hải quân Trung Quốc tiếp tục phát triển thành một lực lượng toàn cầu, dần dần mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu vực Đông Á, với khả năng duy trì hoạt động lâu dài.

Tuy nhiên, tờ SCMP dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc cho biết, hải quân Trung Quốc đang xem xét lại các kế hoạch đóng tàu trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và chi phí lớn liên quan đến việc xây dựng, vận hành và duy trì một hạm đội hiện đại. Những quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến các hàng không mẫu hạm mà cả tàu khu trục và tàu tấn công đổ bộ mới của Trung Quốc. 

Mặt khác, tàu sân bay chỉ hiệu quả khi máy bay có thể cất cánh từ nó, và Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật lớn hơn để chế tạo máy bay cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo với đường băng thẳng và bệ phóng. Trung Quốc có thể cần 10 đến 20 năm để phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu dựa trên tàu sân bay mới, nghĩa là J-15 sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò chủ lực trong thời gian tới, bất chấp các vấn đề kỹ thuật.

Cuối cùng, Trung Quốc cũng đối mặt với phản ứng từ các nước quanh khu vực. Hải quân Đông Nam Á nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa đội tàu ngầm của mình. Singapore đang mua bốn tàu ngầm tiên tiến từ Đức, Indonesia đang mua và lắp ráp một đội tàu ngầm mới từ Hàn Quốc và Việt Nam đã mua một hạm đội tàu ngầm tiên tiến của Nga. Ở phía tây Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Nhật Bản đều sản xuất các tàu ngầm bản địa tiên tiến và Đài Loan đang phát triển chương trình tàu ngầm nội địa của riêng mình. 

Đó là chưa kể, các tàu sân bay Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hạm đội tàu ngầm hiện đại, chạy bằng năng lượng hạt nhân hàng đầu của Mỹ.

Tấn Vĩ (theo NY Times, The Diplomat) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI