Trung Quốc cử nhóm chuyên gia y tế đến Triều Tiên

25/04/2020 - 08:48

PNO - Bản tin hôm 24/4 của hãng tin Reuters - thông qua ba nguồn tin đáng tin cậy - cho biết, Bắc Kinh mới cử đến Bình Nhưỡng một nhóm cố vấn cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un , trong đó có các chuyên gia y tế.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại hội nghị Bộ Chính trị  Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Ảnh do KCNA phát ngày 11/4 - Ảnh: Reuters/KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại hội nghị Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Ảnh do KCNA phát ngày 11/4 - Ảnh: Reuters/KCNA

Chuyến đi Bình Nhưỡng của các bác sĩ và quan chức Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán mâu thuẫn về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tuy nhiên Reuters không gắn chuyến trên đi với bất cứ tín hiệu nào về sức khỏe của ông Kim.

Phái đoàn Trung Quốc đến Bình Nhưỡng hôm 23/4 do một quan chức cấp cao của Ban liên lạc Quốc tế Đảng cộng sản Trung Quốc, cơ quan duy trì liên lạc thường xuyên giữa Trung Quốc và Triều Tiên, dẫn đầu.

Ban liên lạc cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa xác nhận sau khi được Reuters đặt câu hỏi về phái đoàn trên vào cuối ngày 24/4.

Đầu tuần này, Daily NK - một trang web có trụ sở tại Seoul - dẫn một nguồn giấu tên ở Triều Tiên đưa tin ông Kim đang hồi phục sau một cuộc phẫu thuật tim mạch vào ngày 12/4. 

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc và một quan chức Trung Quốc tại Ban liên lạc đã bác bỏ các thông tin sau đó cho rằng Chủ tịch Kim đang gặp nguy hiểm sau phẫu thuật. Các quan chức Hàn Quốc xác nhận họ không phát hiện thấy dấu hiệu hoạt động bất thường nào ở Triều Tiên.

Hôm 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng rằng tin nhà lãnh đạo Triều Tiên bị bệnh trầm trọng là “không chính xác”, mặc dù ông không cho biết có phải ông đã liên lạc với các quan chức Triều Tiên để xác nhận điều đó hay không.

Sau đó một ngày, một nguồn tin của Hàn Quốc nói với Reuters rằng ông Kim Jong-un còn sống và có khả năng sẽ sớm xuất hiện trở lại. Nguồn tin không đưa ra bất kỳ thông tin nào về tình trạng sức khỏe của ông Kim cũng như sự can dự của Trung Quốc trong việc này.

Trong khi đó, một quan chức có quan hệ với tình báo Mỹ nói rằng ông Kim được biết là có vấn đề về sức khỏe nhưng họ không có lý do gì để kết luận ông bị bệnh nặng hay không thể xuất hiện trở lại trước công chúng.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa ra ý kiến gì khi được hỏi, còn ngoại trưởng Mike Pompeo, khi được hỏi về sức khỏe của ông Kim trên kênh truyền hình Fox News chỉ nói ông “không có điều gì chia sẻ”, “nhưng người dân Mỹ nên biết rằng chúng tôi đang theo dõi tình hình rất sát sao”.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin lần cuối về nơi ông Kim xuất hiện là khi ông chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị  vào ngày 11/4. Tuy nhiên, truyền thông nước này không đưa tin ông tham dự hoạt động kỷ niệm sinh nhật của ông nội của mình, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15/4, một ngày lễ lớn có ý nghĩa quan trọng ở Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un, 36 tuổi, trước đó đã từng không xuất hiện trên các bản tin của truyền thông nhà nước Triều Tiên. Năm 2014, ông đã “biến mất” hơn một tháng và truyền hình Triều Tiên sau đó cho thấy ông đi lại khó khăn. Suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông Kim sau đó bị xua tan bởi việc ông hút thuốc lá nhiều, tăng cân rõ rệt kể từ khi nắm quyền và có tiền sử gia đình về các vấn đề tim mạch.

Khi cha của ông Kim Jong-un là Kim Jong-il bị đột quỵ năm 2008, truyền thông Hàn Quốc lúc đó đưa tin các bác sĩ Trung Quốc đã tham gia điều trị cho ông cùng với các bác sĩ Pháp. Ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba sau khi cha ông, Kim Jong-il, qua đời năm 2011 vì một cơn đau tim.

Bắc Kinh là đồng minh chính của Bình Nhưỡng và là “huyết mạch kinh tế” cho một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và sự ổn định của Triều Tiên, quốc gia có chung đường biên giới, có ý nghĩa hết sức quan trọng với Trung Quốc.

Cẩm Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI