Trình Quốc hội dự thảo bổ sung sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá

02/11/2022 - 15:20

PNO - Đây là quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được trình Quốc hội chiều 2/11.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xác định mức giá tối đa của SGK, các nhà xuất bản

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xác định mức giá tối đa của sách giáo khoa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể

Bổ sung hai mặt hàng vào danh mục do Nhà nước định giá

Chiều 2/11, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Liên quan tới chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, dự thảo Luật đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ như: dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh hiện được quy định tại Luật Hàng không dân dụng sửa đổi; một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp; thuốc lá điếu sản xuất trong nước; dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng...

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ GD-ĐT đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ GD-ĐT định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội nhất trí với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục được định giá. “Đây là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu

Về chính sách về bình ổn giá, mặc dù tại dự thảo Luật giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá, theo Bộ trưởng Bộ tài chính cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng phân tích, quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá.

Đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong đó có ý kiến Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện đã không còn phù hợp. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

“Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia cũng có nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI