Trên hết là tình người

27/02/2013 - 14:05

PNO - PNO - Năm nay, tôi đã qua 17 năm hành nghề y. “Tứ thập nhi bất hoặc”, nhìn lại quãng thời gian qua, tôi thấy cuộc sống đã cho tôi nhiều điều thú vị.

 Hơn 10 tuổi, có đôi lần theo cha khi ông vào ca trực ở bệnh viện, hình ảnh về những bệnh nhân gầy gò, đau đớn, rên rỉ trên giường bệnh, đã dần in dấu trong lòng tôi. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi nhất quyết thi vào trường y, dù rằng sự cạnh tranh rất quyết liệt. Khi tôi đỗ được vào trường y, cha tôi dặn: học nghề y, trước hết phải giữ cái tâm, lo trau dồi y đức, hết lòng với bệnh nhân, vì bệnh nhân; bên cạnh đó là phải rèn luyện về chuyên môn, thận trọng trong công việc chữa trị. Nhớ những lời cha dặn, vào trường y, tôi luôn cố gắng học thật tốt từng môn học, để mong rằng khi ra trường có đầy đủ kiến thức, hạn chế tối đa những sai lầm có thể xảy ra.

Những ngày đầu thực tập ở bệnh viện, tôi bắt đầu có dịp gần gũi với bệnh nhân hơn, hiểu được suy nghĩ của bệnh nhân cùng thân nhân, hiểu rõ hơn cái khổ của người mang bệnh tật.

Tren het la tinh nguoi

Ca ghép thận không cùng huyết thống cho bệnh nhi Khánh do BV Nhi Đồng 2 TP.HCM thực hiện ngày 17/12/2012. Nguồn: PNO

Tôi đã trải qua bao buồn vui trong nghề nghiệp, buồn vì bất lực trước những ca khó, không thể cứu được bệnh nhân; buồn vì thấy rằng dù y học hiện đại rất phát triển nhưng cũng phải bó tay trước nhiều căn bệnh; buồn vì thu nhập của cán bộ y tế chưa cao... Nhưng, tôi cảm thấy hạnh phúc khi cùng đồng nghiệp chẩn đoán được những ca bệnh khó, cứu sống những bệnh nhân quá nặng. Hay đơn giản, vui vì những ánh mắt hạnh phúc của thân nhân và bệnh nhân, vui vì những giọt nước mắt cám ơn của thân nhân và người bệnh. Đó chính là sự động viên rất lớn cho tôi trong quá trình hành nghề.

Tôi quan niệm rằng, thu nhập chỉ là một phần của cuộc sống, nó có quan trọng đó nhưng không phải là tất cả, vì thật sự khi đối diện với sự sống và cái chết, với cái đau đớn của bệnh tật hành hạ, thì tình người phải là trên hết. Thật sự trong suốt thời gian hành nghề, tôi rất vui và tự hào vì chưa bao giờ mình phải băn khoăn hay vướng bận về những vấn đề ngoài chuyên môn khi đối diện với bệnh nhân. Mọi bệnh nhân đều bình đẳng như nhau, là những người đau khổ đang cần mình với tư cách là một người thầy thuốc phải cứu giúp họ.

Tôi cho rằng, vấn đề tự học và cập nhật kiến thức mới là vô cùng quan trọng. Ngày nay, ngành y phát triển nhanh chóng, chúng ta sẽ dễ bị tụt hậu nếu không kịp thời cập nhật những kiến thức mới. Nhưng, hành trình “tự làm mới mình” thật sự không dễ dàng khi người bác sĩ hằng ngày phải đối mặt với nhiều áp lực trong chuyên môn lẫn cuộc sống. Khi giảng dạy cho các sinh viên y khoa, tôi vẫn luôn nhắc nhở các em phải biết phản biện và cập nhật kiến thức y khoa thường xuyên để không bị tụt hậu trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. "Tất cả những kiến thức y học trình bày trong cuốn sách giáo khoa y học này có thể đúng trong hiện tại nhưng không chắc đúng trong tương lai vì y học luôn thay đổi và phát triển”, vì vậy, thường xuyên cập nhật kiến thức của mình để đừng bị lạc hậu trong chẩn đoán và điều trị.

BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
(Bộ môn Nội Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,
Phó khoa Nội tiêu hóa - BV Nguyễn Tri Phương)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI