Trẻ ra đời từ thụ tinh ống nghiệm có cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành

24/03/2022 - 16:50

PNO - Theo một nghiên cứu mới đây ở Úc, trẻ được thụ thai thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành.

Kết quả của cuộc nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Human Fertility, tạo thêm sự an tâm cho những người đã thụ thai bằng ART, và những người đang cân nhắc sử dụng công nghệ này để sinh con.

 trẻ được thụ thai thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành.
Trẻ được thụ thai thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành

“Những phát hiện của chúng tôi cho thấy việc được thụ thai bằng ART có thể mang lại một số lợi thế về chất lượng cuộc sống ở tuổi trưởng thành, không phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý xã hội khác.

Các bằng chứng trước đây cũng cho thấy những người trưởng thành được thụ thai bằng ART có sức khỏe thể chất tương tự như những người được thụ thai tự nhiên. Phát hiện này sẽ giúp những người đã được thụ thai bằng ART, và những người cần sử dụng công nghệ này để thụ thai, yên tâm hơn”, Karin Hammarberg - thành viên chính của nhóm nghiên cứu tư Đại học Monash tại Melbourne, Úc - cho biết.

Trong hơn 40 năm kể từ ca sinh đầu tiên với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 1978, hơn 8 triệu trẻ em trên thế giới đã được sinh ra nhờ công nghệ ART. Trong thời gian đó, nhiều nghiên cứu đã đánh giá sức khỏe thể chất, sự phát triển và tâm lý xã hội của trẻ được sinh ra bằng ART so với trẻ được thụ thai tự nhiên (NC). Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất ít thông tin về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của những người trưởng thành được thụ thai bằng ART.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 193 thanh niên được thụ thai bằng ART và 86 người được thụ thai tự nhiên ở bang Victoria, Úc. Những người tham gia đã trả lời một bảng câu hỏi, trong đó có những câu hỏi nhằm đánh giá chất lượng cuộc sống theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHOQoL-BREF) ở 2 giai đoạn - khi 18-28 tuổi (T1) và một lần nữa vào năm 22-35 tuổi (T2). WHOQoL-BREF đánh giá 4 phương diện về chất lượng cuộc sống: thể chất, tâm lý xã hội, các mối quan hệ xã hội, và môi trường.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa các yếu tố trong giai đoạn T1 (phương thức thụ thai, tuổi của người mẹ khi người tham gia nghiên cứu được sinh ra, khuynh hướng tình dục, tình hình tài chính gia đình, nhận thức về cân nặng của bản thân, số lượng bạn bè thân thiết, tần suất tham gia các hoạt động thể thao nặng, và chất lượng mối quan hệ với cha mẹ) và điểm số trên 4 phương diện theo tiêu chuẩn WHOQoL-BREF trong giai đoạn T2.

Sau khi thực hiện các điều chỉnh thống kê để tính đến các yếu tố tâm lý xã hội khác thường gặp ở tuổi thanh niên, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc những người được sinh ra từ bà mẹ thụ thai bằng ART có liên quan chặt chẽ với điểm số cao hơn (chất lượng cuộc sống tốt hơn) trên các phương diện quan hệ xã hội và môi trường theo tiêu chuẩnWHOQoL-BREF ở giai đoạn T2. 

Ngoài ra, những người ít đau khổ về tâm lý, có mối quan hệ tích cực hơn với cha mẹ, tình hình tài chính tốt hơn, và nhận thức cao về cân nặng phù hợp ở giai đoạn T1 thường có điểm số cao hơn trên một hoặc nhiều phương diện theo tiêu chuẩnWHOQoL-BREF ở giai đoạn T2.

“Hiện, trẻ em được thụ thai thông qua ART đang chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số. Vì vậy, điều quan trọng là phải tiếp tục đánh giá tác động lâu dài của ART đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của các em khi chúng đến tuổi vị thành niên và trưởng thành.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, bất kể một người được thụ thai và sinh ra theo phương pháp nào, thì việc có mối quan hệ tốt hơn với cha mẹ, ít bị căng thẳng tâm lý, và có tình hình tài chính gia đình tốt lúc còn nhỏ vẫn sẽ giúp họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành”, ông Hammarberg chia sẻ.

 

Nhất Nguyên (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI