Trẻ mắc COVID-19 cho ăn nhiều hải sản có mau hết bệnh?

19/04/2022 - 09:59

PNO - Việc cho con ăn hải sản để bồi bổ không sai, nhưng cha mẹ phải lưu ý cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn, tránh cho con ăn vô tội vạ.

Trước diễn tiến của dịch COVID-19, nhiều cha mẹ đã chủ động hơn trong phòng, chống lây nhiễm cho con. Không chỉ hướng dẫn trẻ thực hiện tốt quy tắc 5K, việc bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cũng giúp con tăng sức đề kháng để phòng ngừa. 

Tuy nhiên, số lượng trẻ mắc COVID-19 tại TPHCM vẫn đang có xu hướng tăng làm nhiều cha mẹ bối rối, nhất là với trẻ đến trường. Vừa qua, TPHCM đã bắt đầu tiêm ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi, tăng hiệu quả bảo vệ cho trẻ. Bên cạnh đó ngành y tế có nhiều hướng dẫn phụ huynh về chăm sóc trẻ F0. Mặc dù vậy, với tâm lý mong muốn con em mình mau chóng khỏe lại, nhiều cha mẹ cho con ăn thật nhiều thực phẩm, nhất là hải sản với niềm tin giúp trẻ sớm âm tính với SARS-CoV-2.

Chị Nguyễn Thị Uyển (ở Q.3, TPHCM) phân vân: “Đồng nghiệp của tôi gần đây đặt mua rất nhiều tôm, cua, sò điệp, sò huyết,… các chị nói chúng có nhiều khoáng chất, chất sắt và canxi tốt cho việc lưu thông máu cũng như tăng sức khỏe cho người ăn. Đặc biệt là trẻ nhỏ mắc COVID-19. Tôi cũng đặt mua một ít bởi con trai 5 tuổi cũng đang là F0. Tuy nhiên, chồng tôi cho rằng hải sản là thực phẩm kiêng kị với F0”.

Bệnh nhi F0 tại khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM
Bệnh nhi F0 tại khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

Theo các chuyên gia y tế, việc cho con ăn hải sản để bồi bổ không sai, nhưng cha mẹ phải lưu ý về nguyên tắc cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn, tránh cho con ăn vô tội vạ. Hiện nay, vẫn còn tình trạng người lớn quan niệm hải sản là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tăng đề kháng nên ép con ăn thật nhiều khi con chẳng may là F0. 

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y dược TPHCM, Trưởng khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, cũng giống như người lớn, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập, bé sẽ có nguy cơ sốt, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác, buồn nôn… 

Tất cả triệu chứng này sẽ gây ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ, làm bé dễ chán ăn, bỏ ăn hoặc ăn uống kém. Kèm theo đó,  cha mẹ thấy con càng ít ăn, lại càng lo lắng và cố gắng tẩm bổ thật nhiều thức ăn được cho là có giá trị dinh dưỡng cao. Đây là quan niệm vừa đúng vừa sai.

Đúng ở chỗ khi trẻ bệnh, cha mẹ sẽ khuyến khích con ăn, cung cấp những loại thức ăn có nhiều dinh dưỡng hơn bình thường. Điều này là cần thiết vì khi đó cơ thể chúng ta sẽ cần nhiều hơn năng lượng để chống chọi với bệnh tật, để hoạt động bình thường, cũng như tái hồi phục sức khoẻ. Từ đó, lượng thức ăn được yêu cầu sẽ phải chứa nhiều dinh dưỡng hơn. 

Tuy nhiên, không phải nhiều chất là tốt. Thức ăn phải đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng, hợp lý về tỷ trọng ở 4 nhóm thành phần bao gồm chất bột đường, béo, protein, vitamin và khoáng chất, phù hợp với lứa tuổi của bé. Bên cạnh đó bé cũng cần được cung cấp đủ nước.

“Đối với hải sản, đây là thức ăn tự nhiên, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng bao gồm đạm, các nguyên tố vi lượng, cơ bản là tốt. Nhưng cha mẹ không được cho con ăn quá nhiều. Cần xác định trước bé có bị dị ứng với hải sản hay không. Nếu bé dị ứng, khi ăn vào sẽ có nguy cơ nổi phát ban, mề đay, ngứa, gây khò khè, khó thở, khiến bé mệt mỏi và khó chịu hơn, bệnh tình của con sẽ có nguy cơ trở nặng”, bác sĩ Nguyên nói.

Bác sĩ Nguyên cũng cho rằng quan niệm kiêng ăn hải sản khi đang là F0 cũng không đúng. Trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhi không cần phải kiêng khem bất cứ nhóm thức ăn nào. Chỉ cần đó là thức ăn bé thích và được cha mẹ khéo léo phối hợp cho bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng là được. 

Riêng với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi khi điều trị COVID-19 tại nhà, bé chỉ cần được bú đủ vì giai đoạn này nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa, còn những bé F0 trên 6 tháng tuổi đang bắt đầu ăn dặm thì sẽ hơi khó khăn hơn trong việc ăn uống. Khi đó, cha mẹ cần cho bé  uống đủ nước, ăn uống đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ 4 nhóm thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và khả năng ăn uống của bé, có thể chia thành nhiều bữa trong ngày.

Tuệ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI