LTS: Cùng với nhiều thành tích y học khác, ca thông tim bào thai thành công cho sản phụ người Singapore do ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện hôm 28/5 một lần nữa khẳng định năng lực vượt trội của ngành y tế TPHCM. Thế nhưng, việc thu hút người nước ngoài đến TPHCM du lịch kết hợp chữa bệnh vẫn là “tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm”. Bài 1: Tiềm năng lớn nhưng chưa thể phát triển |
Làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu
Đầu tháng Bảy, tiến sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân - đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối lại ống dẫn tinh cho một nam bệnh nhân người Canada đã triệt sản hơn 10 năm trước.
 |
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật cho người bệnh - Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Ban đầu, người bệnh chỉ đến bệnh viện để tìm hiểu về vấn đề của mình. Khi được bác sĩ trưởng khoa tư vấn, bệnh nhân hỏi thêm về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, số lượng ca phẫu thuật mà bác sĩ đã thực hiện, tỉ lệ thành công… và quyết định ở lại Việt Nam để được điều trị.
“Ông ấy khá ngạc nhiên khi tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và nói đúng mong muốn điều trị của ông ấy. Nghe xong quy trình điều trị tại Bệnh viện Bình Dân, người bệnh càng ngạc nhiên bởi giống như ở Canada, thiết bị phẫu thuật của mình lại thuộc “hàng tốp” nên đồng ý ngay lập tức” - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng kể.
Ông cho biết thêm, người bệnh nước ngoài thường đã tìm hiểu kỹ về bệnh của mình, nên họ sẽ hỏi rất nhiều về thông tin bác sĩ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm điều trị bệnh mà họ đang mắc phải, tỉ lệ điều trị thành công… Một khi người bệnh đã tin tưởng, họ sẽ rất hợp tác điều trị. Tại Khoa Nam học, các bệnh nhân quốc tế sau khi điều trị thành công đã tin tưởng, giới thiệu cho người khác. Số lượng bệnh nhân theo đó tăng lên. Lúc cao điểm, khoa cùng lúc điều trị cho 6-7 bệnh nhân người nước ngoài.
Tháng 5/2025, Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện thành công ca thông tim bào thai cho chị K.W.S. (41 tuổi, người Singapore), mở ra hy vọng sống cho thai nhi mắc dị tật tim bẩm sinh nặng. Đây là ca can thiệp thông tim bào thai thứ 9 được thực hiện thành công trong lĩnh vực được ngành y tế Việt Nam thực hiện đầu tiên tại Đông Nam Á.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cho biết: “Sau can thiệp, bệnh nhân đã trở về nước và vẫn giữ liên lạc với chúng tôi. Hiện, thai phụ đang được hỗ trợ tốt về sức khỏe, bào thai đang phát triển và chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ hay phải can thiệp gì thêm nữa”.
Ông cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ khám 1 triệu lượt bệnh, trung bình có trên 60.000 ca sinh, thực hiện 45.000 ca phẫu thuật. Đặc biệt, kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) của bệnh viện đã giúp 16.000 em bé chào đời. Trong 5 năm từ năm 2020 đến 2025, bệnh viện phẫu thuật trên 200.000 ca, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phẫu thuật. Hiện tỉ lệ tử vong mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ là 3/100.000 ca sinh, trong khi ở các nước phát triển tỉ lệ này là từ 9 đến 11/100.000 ca sinh.
Để nâng cao sự an toàn hơn nữa, Trung tâm Hồi sức sơ sinh chuẩn châu Âu của bệnh viện đã đi vào hoạt động. Phòng khám Nha khoa thai phụ tiêu chuẩn Nhật Bản thực hiện chăm sóc toàn diện cho bà bầu, nâng tầm chăm sóc tiêu chuẩn quốc tế… Tuy số lượng bệnh nhân quốc tế khám, điều trị chưa đông nhưng người nước ngoài đến đây điều trị thường bị bệnh phức tạp, cần điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao.
Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu là tự biết, tự đến
Các bệnh viện tại TPHCM mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân quốc tế, chủ yếu đến từ Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức… Tuy nhiên, đa số khách tự tìm đến bệnh viện, tự túc đi lại, ăn ở, khám chữa bệnh và trở về nước, thiếu dịch vụ hỗ trợ người bệnh chuyên nghiệp.
Trong khi đó, tại Thái Lan hay Singapore, mô hình du lịch y tế đã trở thành ngành dịch vụ mang về hàng tỉ USD mỗi năm nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa bệnh viện, công ty du lịch, khách sạn, hãng hàng không và đặc biệt là truyền thông, quảng bá. Du khách không chỉ đến khám bệnh, mà còn được trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, phục hồi, chăm sóc hậu điều trị, tham quan bài bản, trọn gói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lương Thanh Tùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân - cho biết hiện quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong và ngoài nước đều đã đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh viện đã thực hiện tóm tắt bệnh án bằng tiếng Anh để người bệnh nước ngoài thanh toán bảo hiểm quốc tế. Bệnh viện có lực lượng bác sĩ được đào tạo chất lượng, chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ…, đầu tư đầy đủ, liên tục cập nhật thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ kỹ thuật điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, hạn chế lớn là thiếu công tác truyền thông, quảng bá. Từ trước đến nay, tiếng tăm của bệnh viện chủ yếu do bệnh nhân người nước ngoài tự lan truyền cho cộng đồng của họ.
“Nội lực của bệnh viện dư sức điều trị bệnh, giá khám chữa bệnh cho người nước ngoài hiện nay cũng được áp dụng như người Việt Nam nên có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Vì vậy, chỉ cần chúng ta có kênh tiếp thị, văn phòng đại diện uy tín. Người bệnh khi biết và đến đây điều trị sẽ hài lòng về chi phí, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của bác sĩ. Lúc đó, bệnh viện sẽ giữ chân được khách quốc tế” - bác sĩ Lương Thanh Tùng nói.
Theo ông, hiện nay, nhiều bệnh viện ở các nước lân cận đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam như: Parkway Hospitals Singapore (phường Hòa Hưng, TPHCM), Bệnh viện Yanhee Thái Lan (TPHCM), Bệnh viện Superior A.R.T. Thái Lan (Hà Nội)… Các văn phòng này tư vấn về cách thức khám, điều trị, thu hút bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài điều trị. Vì vậy, trước mắt, các bệnh viện ở TPHCM nói riêng, bệnh viện Việt Nam nói chung cần kết hợp với các công ty du lịch đã có văn phòng đại diện ở nước ngoài để giới thiệu, quảng bá dịch vụ y tế của Việt Nam.
“Từ đó, bệnh nhân quốc tế sẽ lên mạng tìm hiểu về bệnh viện, “đến gần” bệnh viện hơn. Còn bây giờ, không chỉ Bệnh viện Bình Dân mà nhiều bệnh viện trong nước dù đang hợp tác rất nhiều với tổ chức y tế, bệnh viện nước ngoài nhưng chỉ mới dừng lại ở đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu tự biết, tự tới nên rất bị động” - bác sĩ Lương Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cần xây dựng giá khám chữa bệnh riêng cho người nước ngoài Chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng về phân chia quyền lợi các bên, bởi ngành y tế chưa phân định giá cả khi khám, điều trị cho khách nước ngoài. Hiện chi phí điều trị được tính như người Việt Nam, có mức giá trần trong khám, điều trị. Vì vậy, bệnh viện rất khó để có chiết khấu hợp lý cho công ty du lịch, công ty lữ hành khi đưa khách tới. Nếu tính giá như hiện tại, mức chiết khấu cho doanh nghiệp rất thấp. Bệnh viện đang rất sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của phát triển du lịch y tế. Chủ trương chính sách đã thông thoáng, chỉ cần cơ chế cụ thể hóa trong xây dựng giá khám chữa bệnh cho bệnh nhân người nước ngoài. Vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên, trang thiết bị hiện nay không còn là rào cản mà là thế mạnh của bệnh viện. Kể cả ngôn ngữ cũng không còn là rào cản bởi hầu hết nhân viên y tế có thể giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh. Hơn nữa, hệ thống công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến hiệu quả cao trong tương tác với khách hàng. Không chỉ bác sĩ, mà đội ngũ chăm sóc khách hàng, bảo vệ bệnh viện đã được trang bị hệ thống công nghệ cao, tương tác nhanh, thoải mái, chính xác. Khi hợp tác với các công ty du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên cũng sẽ hỗ trợ phiên dịch. Bệnh viện Từ Dũ và các bệnh viện đều nằm ở vị trí thuận lợi, gần trung tâm thành phố, rất có tiềm năng để có thể thiết kế tour cho người nước ngoài vừa đến du lịch, vừa chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ |
Phạm An
Kỳ tới: Nếu tiếp cận đúng hướng, du lịch y tế của thành phố sẽ bứt phá