Trẻ lớn mắc sốt xuất huyết: ít triệu chứng, nhiều biến chứng

13/07/2025 - 11:48

PNO - Cứ nghĩ trẻ nhỏ chưa biết nói, mắc sốt xuất huyết mới nguy hiểm, hiện nay trẻ lớn bị bệnh này ít triệu chứng, mà lại tiến triển nhanh nhiều biến chứng.

Ít triệu chứng, trở nặng nhanh

Vừa qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã cấp cứu nhiều trường hợp trẻ lớn từ 8-16 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy kịch.

Phụ huynh đợi vào thăm con tại khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc trẻ em, ảnh Phạm An
Phụ huynh đợi vào thăm con tại khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - Ảnh: Phạm An

Trường hợp của em D.B.M. (14 tuổi, ở TPHCM) khiến cả bác sĩ và người lớn một lần nữa phải tự nhắc nhở không được bỏ qua bất kỳ dấu hiệu dù là nhỏ nhất của bệnh sốt xuất huyết.

Nghỉ hè, M. du lịch với gia đình ở Vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Khánh Hòa). Em bị sốt nhẹ không rõ nguyên nhân, gia đình đã cho uống thuốc hạ sốt. Sau 4 ngày vui chơi, em cùng cả nhà về lại TPHCM. Khi xe gần tới nơi, người thân lay gọi M. thì em không còn phản ứng, tri giác yếu, thở mệt. Em được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cấp cứu.

Các bác sĩ ghi nhận M. sốt cao, rối loạn tri giác, hôn mê, giảm tiểu cầu và bắt đầu co giật nhiều… Nghi ngờ M. bị viêm màng não, bác sĩ lập tức hỗ trợ thở, hồi sức tích cực, dùng thuốc chống phù não cho bệnh nhi. Kết quả chẩn đoán cho thấy M. bị sốt xuất huyết, biến chứng viêm màng não nặng. Các bác sĩ đã lên phác đồ điều trị sốt xuất huyết, tiếp tục chống phù não… Qua 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe M. dần cải thiện. Được điều trị kịp thời nên em không bị tổn thương não.

Ngày thứ tư sau mắc sốt xuất huyết, em P.T.G.B. (12 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) trở nặng nhanh, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Bình Phước. Bác sĩ ghi nhận em bị sốc sốt xuất huyết, rối loạn đông máu, tổn thương gan nên chuyển B. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cấp cứu. Lúc này, sốc sốt xuất huyết vẫn diễn tiến nặng. B. rơi vào tình trạng viêm gan, tái sốc liên tục, suy hô hấp… phải thở oxy dòng cao (HFNC).

Qua gần 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe em đã cải thiện, ngưng HFNC, khoảng 2 ngày nữa có thể xuất viện. Theo người nhà, trước đó B. chỉ sốt nhẹ, nhưng càng ngày thể trạng càng giảm sút, khi đưa vào bệnh viện thì than mệt, sau đó lịm dần.

Hiện tại bệnh của em B. đang tiến triển tích cực, kiểm soát được tổn thương gan, sốt xuất huyết dần thoái lui, ảnh Phạm An
Bệnh của B. đang tiến triển tích cực, kiểm soát được tổn thương gan, sốt xuất huyết dần thoái lui - Ảnh: Phạm An

Đừng chủ quan khi trẻ sốt trên 2 ngày

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Tứ Quí - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết, hiện trẻ mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, đa số là trẻ nhỏ, có thể vì vậy phụ huynh có phần chủ quan đối với trẻ lớn.

Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 ca trẻ sốc sốt xuất huyết, rối loạn đông máu, tổn thương gan, viêm gan, thậm chí biến chứng viêm màng não… Điều này không chỉ gây khó khăn trong chẩn đoán, mà còn khiến các cơ sở y tế phát hiện trễ, dẫn đến bệnh phức tạp, điều trị kéo dài.

“Như trường hợp viêm màng não của bé M., dù bệnh đến ngày thứ năm nhưng không hề có biểu hiện của sốt xuất huyết, chỉ số giảm tiểu cầu không nhiều. Chỉ dồn dập thể hiện viêm màng não. Tuy nhiên, vì đang là mùa sốt xuất huyết nên nhân viên y tế đã thận trọng xét nghiệm và kết quả dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Vì vậy mới có kế hoạch điều trị chính xác, nếu chỉ chữa theo hướng viêm màng não, hậu quả sẽ nặng nề”, bác sĩ Quí phân tích.

Để tránh tình trạng trẻ mắc sốt xuất huyết tiến triển nặng, khi trẻ có dấu hiệu sốt, phụ huynh nên theo dõi triệu chứng cho con. Nếu bệnh nhi vẫn sốt cao, hoặc sốt 2, 3 ngày không khỏi, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn điều trị.

Hiện nay, có nhiều quan niệm sai lầm rằng trẻ đã bị sốt xuất huyết thì qua năm mới có nguy cơ tái bệnh. Bác sĩ Quí lưu ý: “Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, và có 4 chủng DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Qua 1 lần khỏi sốt xuất huyết, người bệnh vẫn có thể bị bệnh này tiếp nếu không may mắc chủng vi rút sốt xuất huyết khác. Như vậy, ở một mùa sốt xuất huyết, một người có nguy cơ bị 4 lần. Thế nên cả người lớn và trẻ em không nên chủ quan. Người có bệnh nền, bệnh mạn tính, cơ địa thừa cân béo phì… càng phải đề phòng”.

Hiện nay, vắc xin ngừa sốt xuất huyết đã được lưu hành, vì vậy phụ huynh nên cho con, em mình tiêm ngừa đầy đủ. Để tăng cường sức đề kháng và phòng tránh sốt xuất huyết, mọi người nên có chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất, tránh thức khuya; mặc quần áo dài, ngủ mùng để không bị muỗi cắn. Thường xuyên dọn dẹp, phát quang bụi rậm, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá để diệt lăng quăng, bọ gậy...

Sốt xuất huyết tăng 153%, 6 người tử vong

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tuần qua, thành phố ghi nhận 838 ca mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên 14.370, tăng hơn 153% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực TPHCM cũ ghi nhận hơn 11.000 ca, Bình Dương cũ gần 2.500 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ 862 ca. Đã có 6 người tử vong (2 ca tại Bình Dương cũ, 1 ca ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, 3 ca tại TPHCM).

Trong giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng Sáu đến cuối tháng Tám. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lưu ý thời điểm hiện nay là khung thời gian thành phố cần đặc biệt cảnh giác. Ngành y tế cần tiếp tục chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý triệt để nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để sốt xuất huyết tiến triển thành dịch.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI