DEHP từ nhựa làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ

11/07/2025 - 13:35

PNO - DEHP góp phần gây ra 356.238 ca tử vong, hoặc hơn 13% tổng số ca tử vong toàn cầu do bệnh tim vào năm 2018 ở nam giới và phụ nữ tuổi 55-64.

Trong nhiều thập niên, các chuyên gia đã liên hệ việc tiếp xúc với nhóm chất phthalate có trong mỹ phẩm, chất tẩy rửa, dung môi, ống nhựa, thuốc chống côn trùng và các sản phẩm khác đến vấn đề sức khỏe. Cụ thể, chúng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh từ béo phì, tiểu đường đến các vấn đề về khả năng sinh sản, ung thư.

DEHP, một loại hóa chất trong hộp đựng thực phẩm và thiết bị y tế, có liên quan đến hàng trăm nghìn ca tử vong do bệnh tim trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Châu Á - Ảnh: Shutterstock
DEHP, một loại hóa chất trong hộp đựng thực phẩm và thiết bị y tế, có liên quan đến hàng trăm ngàn ca tử vong do bệnh tim trên toàn thế giới, đặc biệt ở châu Á - Ảnh: Shutterstock

Một báo cáo mới do các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện NYU Langone Health (New York, Mỹ) dẫn đầu đã tập trung tìm hiểu một loại phthalate có tên là di-2-ethylhexyl phthalate (DEHP). Chất này thường được sử dụng để làm hộp đựng thực phẩm, thiết bị y tế và các loại nhựa khác mềm dẻo hơn.

Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu về sức khỏe và môi trường từ hàng chục cuộc khảo sát dân số để ước tính mức độ tiếp xúc với DEHP tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông tin bao gồm mẫu nước tiểu có chứa các sản phẩm phân hủy hóa học do chất phụ gia nhựa để lại. Việc tiếp xúc với DEHP có thể gây ra phản ứng miễn dịch quá mức (viêm) ở động mạch tim, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Trong phân tích công bố trực tuyến trên Tạp chí Lancet eBiomedicine, nhóm tác giả ước tính rằng DEHP góp phần gây ra 356.238 ca tử vong, hoặc hơn 13% tổng số ca tử vong toàn cầu do bệnh tim vào năm 2018 ở nam giới và phụ nữ tuổi 55-64.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy tỉ lệ tử vong do bệnh tim liên quan đến DEHP tăng mạnh ở khu vực châu Á. Cụ thể, Ấn Độ có số ca tử vong cao nhất là 103.587, tiếp theo là Trung Quốc và Indonesia. Lý do có thể vì các quốc gia này phải đối mặt với sự bùng nổ trong sản xuất nhựa, làm tăng tỉ lệ tiếp xúc hóa chất.

Leonardo Trasande - giáo sư nhi khoa tại Trường Y Grossman (Đại học New York), tác giả chính của nghiên cứu - nhận xét: “Kết quả nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các quy định toàn cầu nhằm giảm thiểu tiếp xúc với chất DEHP. Đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và thói quen tiêu thụ nhựa”.

Ngọc Hạ (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI