62 bệnh không cần giấy chuyển tuyến
Ngày 10/7, bà N.T.B.S. (sinh năm 1964, ngụ tại TP Cần Thơ) đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám ở phòng khám Nội thận. Bà S. bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tổn thương phủ tạng, thuộc nhóm 62 bệnh được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi. Vì vậy, lần này bệnh nhân được chi trả BHYT khám ngoại trú như bệnh nhân đúng tuyến. Trước đây, mỗi lần lên TPHCM khám bệnh, nếu không có giấy chuyển tuyến thì bà S. sẽ không được hưởng BHYT.
 |
Bệnh nhân thanh toán viện phí tại quầy dành cho người có bảo hiểm y tế tại khu khám bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 8/7 |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Học - Phó trưởng phòng BHYT, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, từ ngày 1/7, bệnh viện đã áp dụng quy định mới về BHYT, bệnh nhân thuộc 62 loại bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc cần kỹ thuật cao không cần phải có giấy chuyển tuyến mà vẫn được hưởng mức chi trả BHYT như đối với đúng tuyến.
Tương tự, tại Bệnh viện Thống Nhất, một bệnh nhân nam - 55 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai - được chẩn đoán ung thư tụy, vào viện khám và điều trị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được phát hiện bệnh động mạch vành hẹp 3 nhánh nên bác sĩ hội chẩn và can thiệp đặt stent động mạch vành. Bệnh nhân đã được điều trị ổn định và xuất viện. Trong trường hợp này, nếu phải về địa phương xin giấy chuyển tuyến BHYT, bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng. Nhờ thay đổi chính sách BHYT, bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời, đồng thời giảm gánh nặng chi phí điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Thống nhất - 62 bệnh được khám không cần giấy chuyển tuyến, đa số là các bệnh ác tính hiểm nghèo. Từ ngày 1/7, bệnh viện có tiếp nhận một số bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư từ tuyến dưới đến khám điều trị (không có giấy chuyển), hoặc được chẩn đoán ung thư tại bệnh viện, sau đó được tiếp tục khám điều trị như đúng tuyến. Các bệnh nhân rất mừng khi được hưởng chính sách BHYT theo quy định mới. Bởi điều trị ung thư là một quá trình lâu dài, tốn kém.
“Quy định thông thoáng hơn giúp giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh. Nhờ vậy, họ như được tiếp thêm sức mạnh, yên tâm, lạc quan chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo” - bác sĩ Trương Quang Anh Vũ nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Ngọc Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - chia sẻ: Điểm tích cực trong Luật BHYT sửa đổi là chính sách thông thoáng về 62 loại bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc cần kỹ thuật cao - người dân đỡ phải tới bệnh viện xin giấy chuyển tuyến, và việc thông tuyến đối với các bệnh viện được xếp hạng bệnh viện hạng 1, chuyên sâu.
Ông nói thêm: “Mặc dù không cần giấy chuyển tuyến nhưng một số bệnh viện tuyến trên vẫn yêu cầu bệnh nhân phải đến cơ sở đăng ký BHYT ban đầu đúng tuyến để khám lần đầu tiên, rồi sau đó mới tự lên tuyến cao hơn. Vì bệnh nhân phải được khám lần đầu và có chẩn đoán thì mới biết bị bệnh gì. Đó là cơ sở để biết trường hợp này thuộc nhóm 62 loại bệnh được quy định hay không”.
Khám dịch vụ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế
Ngày 8/7, chị N.T.H. (TPHCM) tái khám bệnh tuyến giáp tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nơi chị đăng ký BHYT ban đầu. Trước đây, chị khám dịch vụ thì chi phí khám bệnh là 220.000 đồng/lần. Siêu âm, làm các xét nghiệm xong thì tổng chi phí gần 1 triệu đồng. Tuy nhiên, lần tái khám này, chị chỉ phải bù hơn 300.000 đồng số tiền chênh lệch chứ không phải tự trả toàn bộ chi phí như những lần trước.
 |
Các quy định mới về bảo hiểm y tế được Bệnh viện Lê Văn Thịnh chiếu trên các màn hình tại những khu vực sảnh tiếp nhận bệnh |
Một bệnh nhân khác là bà N.T.H. - 86 tuổi, ngụ tại xã Phú Hữu, Đồng Nai - nhập Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 1/7. Bà H. nằm viện 2 ngày do bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, suy tim sung huyết, hở van hai lá… Thẻ BHYT của bà đủ 5 năm liên tục. Bà H. sử dụng giường nội khoa loại 1 - hạng 1 - Khoa Nội tim mạch với giá 700.000 đồng/ngày, được BHYT chi trả 305.500 đồng/ngày. Tính hết các chi phí xét nghiệm, thuốc men, tiền giường bệnh… của bà H. là 3.948.538 đồng, được BHYT chi trả 3.042.538 đồng, và chỉ tự trả 906.000 đồng. Bà H. cảm thấy rất hài lòng.
Bác sĩ Kiều Ngọc Minh cho hay, trước ngày 1/7, việc cấn trừ BHYT cho khám dịch vụ chưa được thực hiện đồng bộ tại nhiều bệnh viện do chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, từ đầu tháng Bảy, bệnh viện đã chính thức áp dụng chính sách mới. Theo đó, bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (khám dịch vụ) vẫn được quỹ BHYT thanh toán một phần chi phí.
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ cũng cho biết, từ ngày 1/7, khi bệnh nhân sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (khám dịch vụ) tại bệnh viện, quỹ BHYT sẽ thanh toán một phần chi phí cho các khoản như thuốc, vật tư y tế, máu, dịch truyền và các dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang…) nằm trong danh mục do Bộ Y tế quy định.
Điều quan trọng là chính sách này không chỉ áp dụng cho bệnh nhân đúng tuyến mà còn cả cho các trường hợp trái tuyến được hưởng BHYT theo quy định mới, đặc biệt là đối với 62 bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc cần kỹ thuật cao đã được thông tuyến. Với sự hỗ trợ từ BHYT, bệnh nhân sẽ chỉ phải tự chi trả phần chênh lệch giữa giá dịch vụ theo yêu cầu và mức được BHYT thanh toán, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị.
Cần thêm hướng dẫn về khám chữa bệnh từ xa Cụ bà V.T.T. - 102 tuổi, ngụ tại Cần Thơ - bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đã được Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM tư vấn bệnh từ xa từ năm 2020. Từ khi nghe quy định được thanh toán BHYT cho dịch vụ khám từ xa, bà T. rất mong chờ, và thường gọi điện cho bệnh viện hỏi bao giờ mình được hưởng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lưu Quốc Hải - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết, trong thời điểm dịch COVID-19, bệnh viện đã nhanh chóng triển khai tư vấn sức khỏe từ xa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, góp phần giảm tải cho cơ sở y tế. Tuy nhiên, sau dịch, hoạt động tư vấn từ xa của bệnh viện vẫn chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ thông tin sức khỏe, chưa thể triển khai khám, chữa bệnh từ xa một cách toàn diện. Nguyên nhân chủ yếu là do còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý và kỹ thuật, đặc biệt là thiếu các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh từ xa. Đồng thời chưa có quy định cụ thể về việc hợp thức hóa chi phí và thanh toán dịch vụ y tế từ xa qua BHYT. Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, cho phép người dân được khám, chữa bệnh tại nhà và từ xa với quyền lợi được quỹ BHYT chi trả, việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể là yêu cầu cấp thiết. Thực tế, nhu cầu được khám chữa bệnh từ xa trong lĩnh vực y học cổ truyền rất cao. Có ngày bệnh viện nhận được cả chục trường hợp đăng ký, mong muốn được khám theo loại hình này. Bệnh viện Y học cổ truyền kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế sớm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện khám, tư vấn từ xa; đồng thời quy định rõ về cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa trong phạm vi chi trả của BHYT. Về quyền lợi khám chữa bệnh tại nhà, từ xa được hưởng BHYT, bác sĩ Kiều Ngọc Minh cho biết, đây là điều bệnh nhân rất mong chờ, và Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng có nhiều trường hợp đăng ký. Tuy nhiên, bệnh viện chưa thể triển khai dịch vụ này vì còn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Hoạt động khám tại nhà, khám từ xa có nhiều phức tạp về việc tổ chức, chi phí và môi trường phi y tế, cần được hướng dẫn chi tiết. |
Thanh Huyền