Trẻ em chưa tiêm ngừa có thể bị tái nhiễm COVID-19 chỉ sau hơn 3 tuần

08/04/2022 - 11:19

PNO - Khi số trường hợp nhiễm COVID-19 tăng trở lại ở châu Âu, Canada và Mỹ, nhiều người đang tự hỏi liệu việc đã bị nhiễm có giúp tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài chống lại căn bệnh này hay không. Trên thực tế, đã có những người đã bị tái nhiễm chỉ vài tuần hay vài tháng sau khi khỏi bệnh.

 

CDC lưu ý rằng, hầu hết các trường hợp tái nhiễm đều xảy ra ở trẻ em chưa được tiêm chủng
CDC lưu ý rằng, hầu hết các trường hợp tái nhiễm đều xảy ra ở trẻ em chưa được tiêm chủng

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố một báo cáo, ghi lại 10 trường hợp được xác nhận đã bị nhiễm biến thể Delta, và tái nhiễm với biến thể Omicron chưa đầy 90 ngày sau đó.

8 trong số 10 bệnh nhân này dưới 18 tuổi. Trong 2 bệnh nhân còn lại, 1 người đang sống trong viện dưỡng lão và 1 người là nhân viên y tế. Thời gian ngắn nhất giữa lần bị nhiễm Delta và lần tái nhiễm Omicron là 23 ngày, được ghi nhận ở một bệnh nhân trong độ tuổi 12-17 chưa được tiêm ngừa. Bệnh nhân này nhiễm COVID-19 với biến thể Delta vào ngày 23/11/2021, tiếp theo đó tái nhiễm với biến thể Omicron vào ngày 16/12/2021. Lần nhiễm đầu có triệu chứng, nhưng lần thứ 2 thì không.

Trong số 7 em còn lại - đều trong độ tuổi từ 5-11, và bị nhiễm Delta rồi tái nhiễm Omicron trong một thời gian ngắn sau đó - 6 em có triệu chứng trong cả 2 lần nhiễm. Bệnh nhân còn lại có triệu chứng với lần nhiễm đầu tiên, nhưng không có dữ liệu về các triệu chứng của lần nhiễm thứ hai.

Tất cả 8 em trong 10 bệnh nhân nói trên đều chưa được tiêm ngừa vào thời điểm bị nhiễm biến thể Delta, và chỉ có 2 em được tiêm liều đầu tiên vào thời điểm tái nhiễm với Omicron.

“Đó là một hiện tượng đáng lo ngại, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn các trường hợp tái nhiễm đều chưa được tiêm ngừa. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của các nỗ lực tiêm chủng hàng loạt cho trẻ em”, Tiến sĩ Stamira Jeimy - Giám đốc Chương trình của Khoa Dị ứng và miễn dịch lâm sàng tại Đại học Western ở Ontario, Canada - cho biết.

Tuy nhiên, theo tờ Forbes, nghiên cứu trên chỉ bao gồm 10 bệnh nhân, do có rất ít trường hợp bị nhiễm COVID-19 ở Mỹ được thực hiện giải trình tự gen toàn bộ, và vì vậy, rất khó xác định khả năng tái nhiễm với các biến thể khác nhau.

Báo cáo của CDC cũng chỉ ra rằng, do ngày càng có nhiều người tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh và tự chẩn đoán tại nhà, nên không có sẵn các mẫu bệnh phẩm để giải trình tự gen. Hiện, chưa rõ về tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 bị tái nhiễm trong vòng 90 ngày sau lần nhiễm đầu tiên trên thực tế, nhưng CDC cho rằng, con số này chắc chắn nhiều hơn dữ liệu mà cơ quan này thu thập được và báo cáo.

Với biến thể ban đầu của SARS-CoV-2, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người đã nhiễm bệnh sẽ có khả năng miễn dịch đủ để bảo vệ tránh tái nhiễm trong ít nhất 90 ngày. Và trên thực tế, giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 cũng đã được một số nơi xem xét thay thế cho yêu cầu xét nghiệm bắt buộc hoặc chứng minh đã được tiêm ngừa. Nhưng với các biến thể mới hơn của COVID-19, các nhà khoa học nhận định rằng khả năng tái nhiễm có vẻ cao hơn.

Hiện, biến thể Delta đã biến mất ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có châu Âu, Mỹ, và được thay thế bằng Omicron BA.1 và BA.2. Nhưng những biến thể này tương đối mới và chỉ mới tạo ra một đợt bùng phát dịch trong vài tháng gần đây, nên hiện vẫn chưa rõ về khả năng tái nhiễm với những biến thể này.

Một nghiên cứu nhỏ của Đan Mạch - được công bố vào tháng 2 năm nay đã xác định 67 người bị nhiễm Omicron 2 lần trong khoảng thời gian từ 20-60 ngày. Trong số này, 2/3 bị nhiễm lần đầu với Omicron BA.1 và sau đó tái nhiễm với Omicron BA.2, và hầu hết đều là trẻ em và chưa được tiêm ngừa.

Tuy chưa có thể đưa ra kết luận chắc chắn, do các nghiên cứu chỉ dựa trên một số lượng mẫu khá nhỏ, nhưng các tác giả của báo cáo CDC lưu ý rằng, hầu hết các trường hợp tái nhiễm đều xảy ra ở trẻ em chưa được tiêm chủng.

“Vì vậy, để bảo vệ tốt nhất chống lại sự tái nhiễm và lây lan, tất cả những người đủ điều kiện nên được tiêm ngừa, và tiêm mũi tăng cường, sau đó nên xét nghiệm ngay nếu có tiếp xúc với người đã bị nhiễm COVID-19 hoặc khi có các triệu chứng của căn bệnh này”, CDC khuyến nghị.

Nhất Nguyên (theo Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI