Chuyên gia kêu gọi nhanh chóng tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em

26/01/2022 - 12:21

PNO - Trước tình hình số ca nhiễm, mắc hội chứng hậu nhiễm và tử vong do COVID-19 ở trẻ em tại nhiều nước trên thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây, các chuyên gia kêu gọi các nước triển khai tiêm ngừa khẩn cấp và trên diện rộng cho nhóm này.

Theo dữ liệu của Anh, tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày ở những người từ 60 đến 64 tuổi nước này đã giảm từ mức khoảng 14/1.000 người trong khoảng thời gian 7 ngày tính đến ngày 1/1/2022, xuống còn 5,3/1.000 trong 7 ngày tính đến ngày 19/1. Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, tỷ lệ tương tự ở trẻ em từ 5 đến 9 tuổi tại Anh đã tăng từ 9,4 lên gần 24, và từ 12,3 lên 19 đối với trẻ em từ 10 đến 14 tuổi.

trẻ em ở châu Phi cận Sahara có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ em ở Mỹ và châu Âu
Trẻ em ở châu Phi cận Sahara có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ em ở Mỹ và châu Âu

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Anh (DFE), 374.000 trẻ em ở nước này đã nghỉ học vì đã bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19. Trong tuần cuối cùng trước Giáng sinh, con số này là 199.000. Tuy nhiên, các số liệu này chưa bao gồm số trẻ em đã nghỉ học sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính theo phương thức PCR, vì số trẻ em này đã được tính riêng theo trường hợp nghỉ học vì các bệnh khác nhau.

Tiêm ngừa hiện vẫn đang được xem là biện pháp phòng chống COVID-19 hữu hiệu nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cơ quan An ninh y tế Anh, việc triển khai tiêm mũi đầu tiên cho nhóm này đang chậm lại, và hiện chỉ mới có 52% trẻ em từ 12-15 tuổi ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều.

Mặc dù trẻ em từ 5 đến 11 ở Anh hiện đã đủ điều kiện để tiêm vắc xin COVID-19, nhưng đợt tiêm trên toàn quốc cho nhóm này dự kiến ​​chỉ sẽ bắt đầu vào cuối tháng 1.

Giáo sư Christina Pagel - Giám đốc bộ phận nghiên cứu hoạt động lâm sàng của trường Đại học London cho rằng sở dĩ trẻ em ở Anh chậm được tiêm ngừa là do một số cơ quan chức năng liên quan - như Ủy ban Liên kết về tiêm chủng và miễn dịch (JCVI), nội các và các quan chức y tế chưa đưa ra thông điệp rõ ràng rằng đối tượng này nên được tiêm.

Ông Pagel cảnh báo rằng di chứng kéo dài và hội chứng viêm đa hệ thống hiếm gặp ở trẻ em (PIMS-TS) từ COVID-19 hiện là những mối quan ngại rất lớn, trong khi tỷ lệ trẻ nhỏ phải nhập viện vì nhiễm căn bệnh này đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Vì vậy, ông khuyến nghị đẩy nhanh việc tiêm ngừa cho tất cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pittsburgh (thuộc bang Pennsylvania, Mỹ) cũng báo cáo khoảng 44% bệnh nhi dương tính với COVID-19 có các triệu chứng thần kinh, phổ biến nhất là đau đầu và bệnh não cấp tính (nói một cách đơn giản hơn là “tình trạng tâm thần bị thay đổi”), và cần được chăm sóc đặc biệt.

Nghiên cứu này đã được thực hiện với 30 trung tâm chăm sóc nhi khoa đặc biệt trên toàn thế giới, đã điều trị cho 1.493 trẻ em tham gia. Trong số các bệnh nhi này, các bác sĩ chẩn đoán 86% bị nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính, 14% mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). MIS-C thường phát triển trong vài tuần sau khi bệnh nhi hồi phục từ COVID-19, với các triệu chứng phổ biến là rối loạn chức năng cơ quan, sốt và viêm.

Bên cạnh trạng thái tinh thần bị thay đổi và đau đầu, co giật là triệu chứng thần kinh phổ biến thứ ba ở trẻ em bị SARS-CoV-2 cấp tính. Đối với MIS-C, các triệu chứng thần kinh phổ biến nhất là nhức đầu, bệnh não cấp tính và chóng mặt. Trong một số ít trường hợp, ở cả hai nhóm SARS-CoV-2 cấp tính và MISC-C, bệnh nhi có thể bị đột quỵ, mất khứu giác, rối loạn tâm thần và có các vấn đề về thị lực.

“Rất may, tỷ lệ tử vong ở trẻ em khá thấp đối với cả SARS-CoV-2 cấp tính và MIS-C. Nhưng nghiên cứu này cho thấy tần suất xuất hiện các triệu chứng thần kinh khá cao, và trên thực tế còn có thể cao hơn vì những triệu chứng này không phải lúc nào cũng được ghi lại trong hồ sơ bệnh án hoặc có thể đánh giá được. Chẳng hạn, chúng ta không thể biết liệu các bé có bị đau đầu hay không”, Ericka Fink - một bác sĩ chuyên khoa nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Pittsburgh cho biết.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu khác, trẻ em ở châu Phi cận Sahara có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ em ở Mỹ và châu Âu.

“Vắc xin vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và dịch vụ chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em không đầy đủ là những nguyên nhân chính”, Tiến sĩ Jean Nachega - phó giáo sư tại Trường Đại học Y tế công thuộc Đại học Pittsburgh, trưởng nhóm nghiên cứu - giải thích.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra kết quả điều trị của 469 trẻ em, ở độ tuổi từ 3 tháng đến 19 tuổi, tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Kenya, Nigeria, Nam Phi và Uganda, được đưa vào 25 bệnh viện vì nhiễm COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 12/2020. Trong số này, 18 em đã được xác nhận hoặc nghi ngờ có hội chứng viêm đa hệ thống.

Khoảng 1/3 số bệnh nhi nói trên được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc được bổ sung oxy. Chỉ hơn 21% trong số trẻ được điều trị tại ICU cần được thở máy. Tỷ lệ tử vong là hơn 8%, so với 1% đến 5% ở các nước thu nhập cao.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn gần 5 lần so với trẻ từ 15-19 tuổi. Bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi có bệnh nền - bao gồm huyết áp cao, bệnh phổi mãn tính, rối loạn huyết học và ung thư - cũng có nguy cơ tử vong cao hơn.

“Từ những phát hiện này, chúng tôi kêu gọi triển khai tiêm ngừa COVID-19 khẩn cấp và trên diện rộng cho trẻ em và thanh thiến niên hội đủ điều kiện ở châu Phi, cũng như tăng cường bổ sung các phương tiện điều trị, nâng cao năng lực và hỗ trợ chăm sóc tích cực cho đối tượng này khi các em bị nhiễm bệnh”, Jean Nachega - giáo sư tại Đại học Stellenbosch ở Cape Town, Nam Phi - lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo The Guardian, FOX8, Health Day)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI