Trẻ bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 gia tăng

29/04/2022 - 06:30

PNO - Phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 để đưa con tới bệnh viện kịp thời.

Ngày 28/4, Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đang điều trị cho một trường hợp viêm đa hệ thống (MIS-C) rất nặng phải nằm phòng cấp cứu, ngoài ra còn hai ca nằm tại phòng bệnh. Trường hợp đang được cấp cứu là bé trai N.K.T., mười tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh, có cơ địa béo phì.

Vào đầu tháng Tư, bé T. mắc COVID-19. Sau đó khoảng hai tuần, T. sốt cao 39oC liên tục suốt năm ngày, tiêu chảy ngày 4 - 5 lần và khó thở. Bé được gia đình đưa tới bệnh viện địa phương, nhưng do tình trạng trở nặng nhanh nên đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 20/4. 

Bác sĩ Vũ Quốc Anh Thy khám cho trường hợp viêm đa hệ thống hậu COVID-19  tại phòng cấp cứu của Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Vũ Quốc Anh Thy khám cho trường hợp viêm đa hệ thống hậu COVID-19 tại phòng cấp cứu của Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Thanh Huyền

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ ghi nhận T. bị gan to, bụng chướng, sưng hạch góc hàm bên phải, xét nghiệm máu thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm. Lúc đang chuyển bệnh nhi lên nằm hồi sức tích cực thì bé tụt huyết áp, nhịp tim nhanh (sốc tim). Ngay lập tức, T. được cho thở máy, truyền kháng sinh, thuốc trợ tim…

Sau hai ngày, bệnh nhi vẫn không đáp ứng điều trị nên phải tăng thêm thuốc kháng viêm liều cao. Tình trạng bệnh nhi rất nghiêm trọng, nằm hồi sức thở máy suốt sáu ngày. Trong thời gian hồi sức, bé còn bị tràn dịch màng phổi phải hút dịch dẫn lưu. Đến ngày 28/4, bệnh nhi vẫn nằm phòng cấp cứu của Khoa Tim mạch nhưng đã tự thở được khí trời và ăn uống được. 

Bác sĩ Vũ Quốc Anh Thy, Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết những trẻ thừa cân, béo phì khi bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 thường lâm vào bệnh cảnh nặng hơn những bé khác, đa phần phải thở máy, thời gian nằm viện gấp đôi bình thường. 

Vào đầu tháng Tư, Khoa Tim mạch cũng tiếp nhận bé trai N.Đ.H. (tám tuổi, ngụ TPHCM) có cơ địa béo phì. Bệnh nhi sốt năm ngày, nổi ban đỏ toàn thân, nổi hạch, mắt đỏ, môi đỏ, tay chân phù. H. mắc COVID-19 cách đó một tháng. Bé được chẩn đoán viêm đa hệ thống hậu COVID-19, cho dùng thuốc kháng viêm, truyền thuốc điều hòa đáp ứng viêm và miễn dịch của cơ thể liên tục 12 tiếng.

Nhưng với những bé có thể trạng béo phì thường đáp ứng rất chậm với thuốc, H. vẫn bị sốt cao và thậm chí còn diễn tiến nặng chuyển biến suy tim. Chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhi giảm, phải hỗ trợ hô hấp và tăng liều thuốc kháng viêm. Bệnh nhi còn bị tổn thương cả phổi và gan. Bệnh nhi phải nằm viện hơn hai tuần. Mới đây, khi tái khám, bác sĩ nhận thấy buồng tim của bệnh nhi bớt giãn to, chức năng co bóp của tim đang cải thiện, hồi phục tốt.

Tuần qua, Khoa Tim mạch tiếp nhận năm trường hợp viêm đa hệ thống hậu COVID-19 nhưng chỉ những bé béo phì trở nặng phải nằm phòng cấp cứu và thở máy. Các bé không béo phì đáp ứng tốt với điều trị, nhiều nhất khoảng một tuần đã được xuất viện. Qua đó, bác sĩ Thy cảnh báo phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 để đưa con tới bệnh viện kịp thời. Nếu được điều trị sớm trẻ sẽ hồi phục rất nhanh.

Đó là: Trẻ mới nhiễm COVID-19 trong vòng bốn tuần (hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19) và bị sốt cao hơn 38oC kèm ói, tiêu chảy, nổi ban, mắt đỏ, môi đỏ. Nếu trẻ có những triệu chứng trên thì chỉ sốt hơn một ngày là phải đưa đi khám. 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2, MIS-C là tình trạng viêm nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm hệ hô hấp, tiêu hóa, huyết học, tim mạch với tỷ lệ mắc 1 - 2 ca/100.000 ca nhiễm COVID 19 ở các trẻ có độ tuổi từ 6 - 12 tuổi. Số lượng ca hiện tại Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang có xu hướng tăng lên. Thời điểm tháng 10/2021 khoa điều trị khoảng 10 trường hợp/tháng thì nay có 3 - 5 ca/tuần. 

Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI