'Trần ai' chia tài sản sau ly hôn

21/05/2015 - 06:49

PNO - PN - Khi đời sống vợ chồng không thể tiếp diễn; nhiều người thường nhập chung việc xin ly hôn với tranh chấp tài sản (do không tự thỏa thuận được) thành một vụ án để được xét xử trong một lần. Cũng có trường hợp ngày nào...

edf40wrjww2tblPage:Content

'Tran ai' chia tai san sau ly hon

Chị Thanh Huệ đến báo Phụ Nữ xin tư vấn về trường hợp của mình

Câu chuyện riêng

Tìm đến báo Phụ Nữ để nhờ tư vấn nhưng người phụ nữ ấy tần ngần rất lâu mới chậm rãi mở đầu: “Cho đến giờ, nhiều người vẫn bảo tôi ngu mới ly hôn ở độ tuổi này”. Bà tên là Thúy Hà(*) (59 tuổi, ngụ Q.9). Hai năm trước, bà ly hôn chồng. Đây là quyết định khó nhưng là điều cần làm. Khó - bởi bà từng là giáo viên, chồng có chức vụ trong một cơ quan nhà nước, hai con gái lấy chồng trí thức; thành thử chuyện ly hôn kia chẳng khác nào nỗi nhục.

Điều cần làm lại đến từ khát khao duy nhất: bà mong có cuộc sống bình yên, không bị đánh đập sau hơn ba mươi năm chịu đựng thói vũ phu của chồng. Theo bà Hà, khi viết đơn ly hôn, muốn nhanh chóng giải thoát khỏi nỗi đau, bà chẳng tâm trí nào nghĩ đến chuyện chia tài sản. Sau phán quyết cho ly hôn của TAND Q.9; bà ra ngoài thuê một phòng trọ làm cõi riêng, chấp nhận cuộc sống tuy kham khổ nhưng yên vui.

Bà Hà chẳng hơi đâu mơ màng đến ngôi nhà có giá hơn ba tỷ đồng mà chồng cũ đang ở. Nhưng, sau một cơn đột quỵ nhẹ vào tháng 2/2014 khiến sức khỏe đi xuống, nhiều căn bệnh tuổi già thi nhau kéo đến, tiền dành dụm vơi dần; bà mới chợt nghĩ đến chuyện chia tài sản chung - là ngôi nhà nói trên, do vợ chồng cùng tạo dựng trong thời gian chung sống.

Chẳng ngờ, vừa nghe bà thổ lộ ý định; người chồng cũ lập tức gạt phăng, mắng chửi, thách thức bà “có giỏi cứ đi kiện”. Bế tắc, bà quay sang “cầu cứu” các con; nhưng các con bà đồng loạt ngăn cản. Trong tay không một giấy tờ liên quan đến tài sản; thêm biết số tiền đóng tạm ứng án phí nằm ngoài khả năng nếu khởi kiện, bà rơi vào trạng thái suy sụp, trầm cảm kéo dài…

“Tôi chỉ muốn nhận lại phần công sức của mình để tuổi già bớt chênh vênh. Có cách nào không trong hoàn cảnh tôi tay trắng, bất lực như bây giờ? - bà Hà hỏi. Câu hỏi này, cũng là nỗi niềm của nhiều người trên hành trình trở lại phân chia tài sản từng chung sức tạo dựng trong hôn nhân trước đó. Đòi hỏi vốn chính đáng, là lẽ công bằng, được pháp luật bảo vệ nhưng thực tế, “đường về” lại thường gặp không ít những trục trặc.

Nỗi lòng chung

Hai tháng nay, chị Thanh Huệ (Q.Gò Vấp) đã bốn lần đến với báo Phụ Nữ; khi chị nhờ tìm chồng, lúc lại là làm sao để lấy đủ phần công sức từng bị chồng chiếm đoạt. Năm 2010, chị Huệ và anh Nguyên ly hôn; tài sản chung tự giải quyết, chia đôi khi ngôi nhà bán được. Ly hôn xong, họ bán nhà với giá 1,3 tỷ đồng. Thay vì được nhận phân nửa như thỏa thuận ban đầu thì anh Nguyên chỉ đưa 300 triệu đồng cho chị Huệ. Phần còn lại, anh bảo sẽ góp thêm làm quà tặng các con đều đã lập gia đình.

Chẳng người mẹ nào nghe thế lại lắc đầu phản đối. Không ngờ, đưa tiền cho chị Huệ xong cũng là lúc anh Nguyên rơi vào vùng… không thể liên lạc được. Mọi kết nối mất luôn từ ấy đến nay. “Tôi thương các con nên ngày này tháng nọ đi tìm anh ấy hỏi chuyện. Mấy lần dò theo manh mối, suýt gặp được thì anh ấy trốn. Mà nghe nói muốn đòi lại tiền phải tìm cho ra anh ấy trước đã, phải không?” - chị Huệ sụt sùi.

Gặp khó khi “trở về”; song cũng không ít “sự trở về” lại là để gây khó dễ đối phương. Mới đây, anh Quý Sơn (Q.Bình Thạnh) phải “gõ cửa” luật sư nhờ giải thích vì sao có sự trở về vô lý của vợ cũ. Năm 2009, muốn nhanh chân ly hôn để cùng người tình ra Bắc sống, chị Lài - vợ anh Sơn chẳng màng đếm xỉa đến tài sản chung. Thậm chí, trước khi đi, chị còn… nói miệng: “Ai cần cái rẫy cà phê đó, anh muốn làm gì thì làm”. Suốt bốn năm qua, một mình quán xuyến việc chăm rẫy; anh Sơn thu hoa lợi được hơn hai tỷ đồng.

Hoa lợi ấy, anh Sơn đổ hết vào đầu tư nhà hàng. Việc kinh doanh đang phát đạt, yên ổn thì bỗng dưng, chị Lài quay về yêu cầu chia tài sản, gồm: một nửa đất rẫy, một nửa hoa lợi bao năm qua được cụ thể hóa bằng trị giá một nửa vốn đầu tư nhà hàng và lợi nhuận phát sinh từ khi quán mở cho đến thời điểm khởi kiện. Biết chạy trời không thoát cảnh phải chia vì “lời nói miệng” trước đây của chị Lài không có giá trị pháp lý (tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu) nên mọi hoa lợi, lợi tức phát sinh vẫn thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng, anh Sơn không cam tâm!

Để “đường về” bớt gian nan

Tranh chấp tài sản chung là quá trình vốn dĩ rất phức tạp (tài sản càng nhiều càng phức tạp); phân chia khi hôn nhân đã chấm dứt càng “trần ai” bởi vô vàn nguyên nhân khiến “đường về” gặp nhiều gian nan. Vì lẽ đó, nhiều thẩm phán khuyên, trước quyết định ly hôn, việc tách hay không tách chia tài sản chung thành một vụ án khác là lựa chọn các đương sự cần cân nhắc kỹ; trên hết, rạch ròi xác định tài sản chung/riêng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung/riêng cũng như mọi giao dịch có liên quan ngay trong quá trình chung sống, chẳng bao giờ là thừa!

Tuy vậy, nếu đã rơi vào trường hợp hôn nhân thành địa ngục, việc tranh chấp tài sản kết hợp xin ly hôn khiến vụ án kéo dài - nghĩa là dài thêm sự chung sống; buộc người trong cuộc phải quyết định “thoát thân” trước rồi “trở về” sau, thì cũng chẳng có gì bế tắc nếu “đường về” không được thuận lợi. Lẽ công bằng tất yếu được pháp luật bảo vệ. Luôn có lối ra cho mọi vướng mắc. Đa phần “khổ chủ” lo ngại tạm ứng án phí cao, bị người cũ “tẩu tán” tài sản hoặc dọa nạt, lẩn trốn gây khó dễ khiến vụ việc kéo dài, mệt mỏi…

Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với trường hợp bị một bên cố tình chiếm giấu các giấy tờ như hôn thú, sở hữu, sử dụng tài sản... “khổ chủ” có thể xin trích lục/sao lục tại các cơ quan đang lưu trữ các giấy tờ nêu trên. Nếu vì lý do nào đó không thu thập được hoặc các cơ quan có thẩm quyền từ chối không cung cấp thì cần mạnh dạn gửi đơn yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không có khả năng đóng tạm ứng án phí, điều 13 và điều 14 Pháp lệnh án phí/lệ phí tòa án có quy định về việc miễn nộp toàn bộ hoặc một phần án phí/tạm ứng án phí. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn nộp toàn bộ án phí/tạm ứng án phí; người có khó khăn về kinh tế được UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc xác nhận, thì được tòa án cho miễn nộp một phần án phí/tạm ứng án phí. Do đó, “khổ chủ” cần gửi đơn yêu cầu tòa án xem xét cho hoàn cảnh của mình khi có yêu cầu tranh chấp tài sản chung.

TUYẾT DÂN 
(*) Tên nhân vật đã thay đổi

'Tran ai' chia tai san sau ly hon

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI