TPHCM: Nếu xuất hiện F0, học sinh tiểu học sẽ chuyển sang học trực tuyến

18/01/2022 - 15:53

PNO - “Học sinh tiểu học là đối tượng chưa tiêm vắc xin, vì vậy khi được xác định là F1 các em sẽ được cách ly tại nhà, lớp học phải chuyển qua hình thức học trực tuyến”.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT TPHCM nêu hướng dẫn tạm thời về cách xử lý F1 trong trường tiểu học khi đi học trực tiếp tại cuộc họp trực tuyến về công tác chuẩn bị đón học sinh tiểu học trở lại trường do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 18/1. 

Nếu xuất hiện F0, lớp học phải học trực tuyến

Từ kinh nghiệm xử lý F0 trong trường học tại TPHCM khi tổ chức dạy và học trực tiếp ở bậc trung học thời gian qua, ông Trịnh Duy Trọng nhận định, việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại thì xuất hiện F0 là chuyện bình thường. Do vậy, từng trường tiểu học, từng thầy cô phải xác định được tâm lý này để bình tĩnh, kiểm soát tình hình theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục. Trong đó, việc xét nghiệm tại trường sẽ áp dụng với các trường hợp học sinh, giáo viên, nhân viên có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ. 

“Việc xác định F0 phải do cơ quan y tế. Nhà trường chỉ thực hiện xét nghiệm, thông báo việc có hay không xuất hiện trường hợp dương tính. Việc xử lý F0 phải có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế. Khi học sinh trở lại trường, nhà trường phải lưu ý xác định F0 xuất hiện tại nhà hay tại trường”, ông Trọng nhấn mạnh.

Tới đây, Sở Y tế TP.HCM sẽ có hướng dẫn mới về F0, F1 trong trường học
Tới đây, Sở Y tế TPHCM sẽ có hướng dẫn mới về F0, F1 trong trường học

Thông tin về việc theo dõi xử lý F1 với học sinh tiểu học, ông Trịnh Duy Trọng cho hay, nếu xuất hiện học sinh F0 thì tất cả học sinh trong lớp đó sẽ là F1; khi giáo viên là F0 thì tất cả học sinh trong lớp mà giáo viên dạy đều sẽ là F1.

“Học sinh tiểu học là đối tượng chưa tiêm vắc xin, vì vậy khi được xác định là F1 các em sẽ được cách ly tại nhà, phụ huynh thường xuyên khai báo sức khỏe cho nhà trường. Gia đình sẽ xét nghiệm nhanh cho các em vào ngày thứ 4 hoặc khi có triệu chứng. Nếu học sinh đang ở trường thì nhà trường tổ chức xét nghiệm, thông báo kết quả với phụ huynh, đưa các em về theo dõi tại nhà”, ông Trọng thông tin. 

Với cách xử lý F1 là học sinh tiểu học như trên, ông Trịnh Duy Trọng nhận định, việc tổ chức dạy học trong lớp có “vấn đề”, lớp học phải chuyển qua hình thức học trực tuyến. “Đây là cái khó cho các trường, song từng nhà trường phải cập nhật các hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế, ngành Giáo dục. Sở Y tế TPHCM đang xây dựng dự thảo xác định F0, F1 trong trường học và sẽ ban hành trong thời gian tới, giúp khoanh vùng gọn hơn và giúp nhà trường dễ dàng hơn khi xử lý”, ông Trọng nói.

Hình thành “bong bóng” khi học sinh tiểu học trở lại trường

Khi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp, ông Trịnh Duy Trọng lưu ý, trong giờ ra chơi trường cần khuyến khích học sinh ra ngoài khuôn viên lớp học để vận động, với sự quản lý giám sát của giáo viên. Từng lớp học phải hình thành “bong bóng”, chia theo từng nhóm nhỏ học sinh để các em học tập, vui chơi, hạn chế thấp nhất lây lan, nếu có. 

Về việc tập huấn đối với công tác phòng dịch, ông Trọng cho hay công tác này cần tập trung làm thật kỹ, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh. “Bậc tiểu học phải được quán triệt thật kỹ để phụ huynh hiểu rằng trong trường hợp gia đình, học sinh có những biểu hiện, yếu tố dịch tễ thì phải báo liền với nhà trường để tầm soát, ứng phó kịp thời, tránh lây lan”, ông Trọng nhấn mạnh. 

Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, công tác hướng dẫn, tập huấn phòng dịch COVID-19 với bậc tiểu học khi đón học sinh phải được làm thật kỹ
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, công tác hướng dẫn, tập huấn phòng dịch COVID-19 với bậc tiểu học khi đón học sinh phải được chuẩn bị thật kỹ

Riêng hoạt động tổ chức bán trú, bếp ăn khi học sinh đi học trực tiếp, nhà trường cần nỗ lực bình thường hóa các hoạt động trong trường. Trong dịch bệnh, các hoạt động này sẽ rất khó khăn khi tổ chức nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, phụ huynh khi học tập trực tiếp.  

Ở nội dung dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường, ông Trịnh Duy Trọng cho hay, công tác này cần linh hoạt theo cấp độ dịch. Cấp độ dịch thay đổi thì việc tổ chức dạy học trực tiếp phải được thay đổi để phù hợp, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, linh hoạt chuyển đổi hình thức phù hợp với từng cấp độ dịch.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phòng chống dịch khi đón học sinh tiểu học trở lại trường, ông Mai Phương Liên - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, nhà trường cần rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là các đơn vị được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngay cả các cơ sở không trưng dụng, nhà trường cũng cần phải rà soát lại để đảm bảo an toàn cho học sinh. 

“Nếu để lại dấu ấn phòng chống dịch trong nhà trường sẽ ít nhiều ảnh hưởng đển tâm lý phụ huynh, học sinh khi trở lại trường. Do vậy, các trường phải rà soát thật kỹ tất cả các yếu tố, đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường”, ông Mai Phương Liên lưu ý.

Én Bông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI