TP.Thủ Đức: Nhiều vụ lấn chiếm, xây dựng trái phép tồn tại kéo dài trên đất dự án

10/12/2021 - 08:38

PNO - Bạn đọc phản ánh tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép đã diễn ra và tồn tại nhiều năm tại P. An Khánh (TP.Thủ Đức), gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển chung.

Chính quyền đã xử lý nhiều lần

Người dân cho hay, khu vực dự án nhà ở trên đường Lương Định Của, P. An Khánh, TP. Thủ Đức (trước là P. Bình An, Q.2) đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm xây dựng bất hợp pháp suốt từ năm 2013 đến nay. Cụ thể, gia đình bà Trần Thị H. (đã mất) chiếm đất dự án, xây dựng trái phép hàng chục phòng cho thuê. Đến năm 2020, các con bà H. tiếp tục lấn chiếm thêm hơn 400m2 xây dựng nhà kiên cố.

Một trong các công trình lấn chiếm, xây cất trái phép tại dự án xây dựng nhà ở trên đường Lương Định Của - thuộc P.Bình An, Q.2 (nay là P.An Khánh, TP.Thủ Đức) - ẢNH: nam anh
Một trong các công trình lấn chiếm, xây cất trái phép tại dự án xây dựng nhà ở trên đường Lương Định Của - thuộc P. Bình An, Q.2 (nay là P. An Khánh, TP.Thủ Đức) - Ảnh: Nam Anh

Trường hợp khác là ông Ngô Hữu Vinh, không biết từ đâu đến, ngang nhiên vào chiếm khoảng 800m2, rào kẽm gai xung quanh và đưa container vào làm chỗ ở từ năm 2016. Sau đó, ông Vinh cho xây tường gạch, khung sắt, mái tôn với diện tích xây dựng gần 137m2. Năm 2018, ông Vinh tiếp tục xây dựng trái phép trên diện tích đất 134,52m2 với kết cấu khung sắt, cột sắt, vách tôn.

Cũng trong năm 2018, các bà Ngô Thị Hoàng Oanh, Ngô Thị Cẩm Hằng, Ngô Thị Ngọc Hiếu thuê người vào chiếm một phần các thửa đất số 16, 17, 18 của dự án rồi rào tôn, che mái tôn, dựng khung sắt gần 39m2 để… “giữ đất”. Tháng 4/2020, họ tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng tại địa điểm trên với diện tích hơn 74m2.

Nghiêm trọng hơn, gia đình bà Phạm Thị Bích Thủy còn nhiều lần đe dọa, cản trở chủ đầu tư và các hộ dân tổ chức thi công xây dựng hợp pháp tại khu vực. Tháng 7/2021, người nhà bà Thủy tự ý phá hàng rào bảo vệ ranh dự án, mở lối vào chiếm một phần đất thuộc các thửa đất số 12, 13, 20, 21, 22 của người khác với khoảng 1.400m2. Công trình vi phạm là một nhà tạm bằng tôn 40,7 x 1,2m và 44,6 x 2m.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ánh - Phó chủ tịch UBND P. An Khánh - xác nhận các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép nêu trên đã bị địa phương xử lý nhiều lần. Những người này lấy lý do chưa thỏa mãn với việc đền bù, tái định cư từ chủ đầu tư dự án, nên đã hành xử như vậy. Tuy nhiên, đây là những hành vi trái pháp luật.

Đối với trường hợp gia đình bà Trần Thị H., năm 2013, UBND phường khi đó đã ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình số 14/8 khu phố 3 với phần diện tích vi phạm xây dựng là 312m2. Sau đó, UBND Q.2 (nay là TP. Thủ Đức) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt này. Với sự việc xảy ra năm 2020, UBND quận cũng đã ban hành quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính và điều chỉnh tên người chịu trách nhiệm thi hành từ bà H. sang các con, cháu của bà.

Về hai lần xây dựng không phép của ông Ngô Hữu Vinh, lần đầu vào năm 2016, UBND phường, quận đều đã lần lượt lập biên bản vi phạm, xử phạt, cưỡng chế thi hành… Vào tháng 3/2017, ông này buộc phải tháo dỡ một phần công trình xây dựng trái phép. Còn lại nhà vệ sinh, container chưa thực hiện tháo dỡ, di dời, nhưng tiếp tục xây dựng không phép.

Đến tháng 5/2018, ông Vinh tiếp tục vi phạm lần hai và địa phương cũng đã tiến hành các bước xử lý. Hiện UBND P. An Khánh đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế nhiều lần đối với công trình vi phạm của ông Vinh và đã được cấp trên phê duyệt nhưng phải hoãn tiến hành do nhiều lý do khách quan, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tương tự, hành vi vi phạm của các bà Oanh, Hằng và Hiếu cũng đã bị xử lý hành chính. Đối với sự việc xảy ra vào tháng 4/2020, địa phương đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm. Riêng đối với vụ vi phạm mới nhất của gia đình bà Phạm Thị Bích Thủy vào tháng 7/2021, UBND TP. Thủ Đức đã ban hành Quyết định số 4719/QĐ-XPVPHC xử phạt 27,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, trả lại đất đã lấn chiếm. Thế nhưng, đến nay bà Thủy vẫn chưa chấp hành. Phó chủ tịch Lê Ngọc Ánh khẳng định, UBND P. An Khánh đã có phương án và sẽ thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm kéo dài nêu trên.

Phá vỡ quy hoạch và... "lờn phép nước"

Theo Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh - chủ đầu tư dự án - dự án đã thực hiện bồi thường đến 96%, hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất, san lấp mặt bằng và thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông đạt 80%. Một số hộ dân tái định cư, hoán đổi đất và khách hàng đã xây dựng nhà ở ổn định. Dự án cũng đã được kiểm toán nhà nước, thanh tra toàn diện.

Căn cứ trên kết luận của Thanh tra TPHCM năm 2017, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp UBND Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) phải xem xét cấp sổ đỏ cho dự án. Thế nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được thực hiện. Tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép gây mất an ninh trật tự và cản trở triển khai thực hiện dự án có nguyên nhân lớn xuất phát từ việc phải chờ kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền kéo dài nhiều năm nay. “Chúng tôi đề nghị chính quyền sớm triển khai thực hiện cưỡng chế việc chiếm đất và các công trình xây dựng trái phép theo quyết định đã ban hành của UBND Q.2; xem xét cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tái định cư và 14 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định từ năm 2014 tại dự án theo chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của lãnh đạo thành phố” - đại diện chủ đầu tư nói.

Cũng do những mắc mứu đã đề cập ở trên mà đến nay ông V.C.T. vẫn chưa nhận được hai nền đất tái định cư trong dự án dù đã chờ đợi hàng chục năm và cầu cứu khắp nơi. Tương tự, bà N.T.T.T. cũng đã chờ đợi sáu năm nay để được giao nền tại dự án. “Tôi chỉ mong sớm có đất xây cái nhà sống những năm tháng cuối đời và cho con cái ổn định cuộc sống chứ cứ phải ở nhà trọ thế này biết đến bao giờ” - bà T. thở dài.

Trong khi các vướng mắc đang chờ được tháo gỡ thì cách quản lý của chính quyền địa phương - để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép lặp đi lặp lại, kéo dài - đã gây ra nhiều hệ lụy, nếu không được giải quyết triệt để sẽ gây nhiều thiệt hại nặng nề, theo tiến sĩ Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM). Và thiệt hại trước tiên của việc “lấn chiếm, xây dựng trái phép” là phá vỡ quy hoạch của địa phương, gây cản trở cho việc triển khai các dự án, các công trình công cộng theo quy hoạch đồng thời làm cho tính nghiêm minh của luật pháp bị ảnh hưởng.

 “Sự tồn tại của nhà không phép đã góp một phần làm tăng dân số cơ học, quá tải cơ sở hạ tầng, áp lực môi trường sống, tình hình an ninh trật tự địa bàn ngày càng phức tạp. Nếu không được giải quyết hợp lý, sẽ tạo ra sự bức xúc lớn, gây mất niềm tin nơi người dân” - ông Tân nói. 

Ngày 25/11 vừa qua, UBND TPHCM đã có kế hoạch xây dựng “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Thủ Đức”. Nhằm cụ thể hóa các bước triển khai đề án, kế hoạch yêu cầu các sở ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù hiện chưa được quy định hoặc khác với nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kiến nghị với Trung ương tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển TP.Thủ Đức. Đặc biệt, trong các lĩnh vực về chính sách nguồn nhân lực; tài chính, ngân sách; doanh nghiệp và đầu tư; đất đai, tài nguyên môi trường; xây dựng, quy hoạch và hạ tầng đô thị…

Ngoài ra, UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và Thanh tra Chính phủ để lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Thời gian thí điểm là hai năm, sau đó tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 Quốc Ngọc 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI