TP.HCM xử lý F0, F1 trong trường tiểu học, mầm non như thế nào?

14/02/2022 - 16:51

PNO - Khó khăn nhất khi trẻ mầm non trở lại trường là các em còn quá nhỏ. Do đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và ngành Y tế.

Cùng y tế, phụ huynh xử lý khi có trường hợp nghi nhiễm

Với gần 70% trẻ đồng thuận trở lại trường trong ngày 14/2, cô Nguyễn Thị Mỹ Phương (Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1) khẳng định đây là niềm vui, sự cổ vũ, động viên rất lớn cho nhà trường sau suốt gần 10 tháng trường học phải đóng cửa phòng chống dịch.

Hiệu trưởng này cho hay, khó khăn nhất khi trẻ mầm non trở lại trường là các em còn quá nhỏ. Do đó, việc phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và y tế địa phương được nhà trường thực hiện chặt chẽ, hướng đến an toàn cao nhất cho trẻ.

“Do trẻ còn quá nhỏ nên nếu xuất hiện trường hợp trẻ có yếu tố dịch tễ hoặc là nghi nhiễm thì nhà trường sẽ phối hợp cùng với y tế địa phương, có sự tham gia chứng kiến của phụ huynh để có phương án phòng dịch phù hợp nhất, không tạo tâm lý hoang mang cho trẻ và bất an với phụ huynh”, cô Nguyễn Thị Mỹ Phương bày tỏ. 

Nếu phát hiện ca nghi nhiễm, nhà trường sẽ phối hợp với y tế và phụ huynh để cùng xử lý
Nếu phát hiện ca nghi nhiễm, nhà trường sẽ phối hợp với y tế và phụ huynh để cùng xử lý

Tại trường TH Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh), phương án xử lý trường hợp nghi nhiễm cũng được nhà trường phối hợp với y tế và phụ huynh. Hiệu trưởng Đặng Duy Phước cho hay, nếu phát hiện 1 học sinh sốt tại trường thì giáo viên sẽ bình tĩnh đưa học sinh xuống phòng y tế, trao đổi tìm hiểu về yếu tố dịch tễ với phụ huynh.

Nếu không có nghi ngờ về dịch COVID-19 thì phụ huynh sẽ đưa trẻ về, khám tại các cơ sở khám chữa bệnh và thông báo cho giáo viên chủ nhiệm.

Nếu có biểu hiện F0 thì nhân viên y tế phường cùng phụ huynh giám sát, thực hiện test sàng lọc học sinh. 

Nếu không có nghi ngờ F0 thì phụ huynh đưa về để đưa đến cơ sở khám chữa bệnh.

“Học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin nhưng lại còn quá nhỏ, nên nếu phát sinh các tình huống liên quan đến dịch phải được xử lý kịp thời, nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tâm lý của trẻ”, thầy Đặng Duy Phước chia sẻ. 

Không phải học sinh nào trong lớp có F0 cũng là F1 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng lưu ý, công tác xử lý các tình huống liên quan đến dịch bệnh trong nhà trường khi học sinh các khối lớp trở lại trường phải được tính toán để đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng ít ảnh hưởng nhất đến quá trình học tập của học sinh, đặc biệt là khối lớp nhỏ khi các em chưa được tiêm vắc xin. 

Ông chỉ rõ, nếu trong lớp xuất hiện F0 thì đối tượng F1 đã tiêm vắc xin sẽ tiếp tục được đến trường học trực tiếp, song nếu F1 chưa tiêm vắc xin thì sẽ ở nhà cách ly theo đúng quy định của ngành y tế.

“Nếu trong lớp có F0 thì không phải học sinh nào trong lớp đó cũng sẽ là F1. Đối tượng học sinh nào là F1 thì lại phải do chính ngành y tế xác định chứ không phải do thầy cô, hiệu trưởng nhà trường nhận định. Do vậy, nhà trường phải giữ mối liên hệ thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với ngành y tế để có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh, giúp việc học trực tiếp được ổn định”, Phó giám đốc Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng, không phải trường hợp học sinh nào trong lớp có F0 cũng là F1
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng, không phải trường hợp học sinh nào trong lớp có F0 cũng là F1

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng khi trẻ đi học lại, việc cực kỳ quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường với phụ huynh, hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà, khi có biểu hiện sức khỏe không bình thường thì báo ngay cho nhà trường.

Nhà trường cũng cần hướng dẫn phụ huynh cách chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi đến trường để trẻ hiểu rằng đến trường không có gì là căng thẳng.

Về quy trình xử lý ca nhiễm trong trường học, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, ngành y tế đã xây dựng dự thảo kịch bản quy trình xử lý F0 trong thời gian tới, làm cụ thể hóa quyết định của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế. Về cơ bản, xử lý F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ cần có sự giám sát của phụ huynh. 

“Thông tin sớm về yếu tố dịch tễ là cực kỳ quan trọng. Mỗi đầu giờ học, nhà trường phải điểm danh học sinh thật kỹ. Với những học sinh nghỉ thì giáo viên chủ nhiệm phải liên hệ với phụ huynh để nắm lý do”, ông Hưng lưu ý.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI