Tổng thống Trump củng cố "di sản cứng rắn", đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”

18/12/2020 - 18:12

PNO - Hoa Kỳ dự kiến ngày 18/12 sẽ đưa hàng chục công ty Trung Quốc - bao gồm cả Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) - vào “danh sách đen thương mại”.

Logo của Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), một đại gia hàng đầu Trung Quốc, sẽ bị Mỹ đưa vào “danh sách đen thương mại” - Ảnh: Reuters
Logo của Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), một đại gia hàng đầu Trung Quốc, sẽ bị Mỹ đưa vào “danh sách đen thương mại” - Ảnh: Reuters

Động thái này được coi là hành động mới nhất trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố “di sản cứng rắn” của ông đối với Bắc Kinh. Nó diễn ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ bổ sung thêm khoảng 80 công ty và chi nhánh vào “danh sách đen các pháp nhân”, trong đó hầu hết là các pháp nhân Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nếu việc này xảy ra, “danh sách đen” sẽ là bằng chứng về việc Mỹ áp bức các công ty Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ quyền của các công ty. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 18/12 ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói: "Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt hành vi sai trái của mình là đàn áp không chính đáng đối với các công ty nước ngoài".

Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ dự kiến ​​sẽ nêu tên một số công ty Trung Quốc mà Washington cho rằng có quan hệ với quân đội Trung Quốc, bao gồm một số công ty giúp họ xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như một số công ty liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Chính quyền Trump thường sử dụng danh sách pháp nhân - hiện bao gồm hơn 275 công ty và chi nhánh có trụ sở tại Trung Quốc - để đánh vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc. Các đại gia này bao gồm gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei và 150 chi nhánh, và ZTE Corp., về việc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, cũng như nhà sản xuất camera giám sát Hikvision.

Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) đã sớm có mặt ở Washington.

Hồi tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị cho SMIC phải xin giấy phép xuất khẩu sau kết luận rằng có "rủi ro không thể chấp nhận" là thiết bị cung cấp cho SMIC có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Động thái này nhằm hạn chế quyền tiếp cận công nghệ sản xuất chip tinh vi của Hoa Kỳ. Được biết, Bộ Thương mại cũng dự kiến ​​sẽ bổ sung thêm nhiều công ty liên kết với SMIC vào “danh sách đen”.

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bổ sung SMIC vào “danh sách đen” liên quan đến các công ty quân sự của Trung Quốc, và cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu của công ty này bắt đầu từ cuối năm 2021. SMIC đã nhiều lần nói rằng họ không có mối quan hệ nào với quân đội Trung Quốc.

SMIC là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc đại lục, sau Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan, công ty dẫn đầu thị trường trong ngành bán dẫn. Hiện SMIC đang có nhiều nỗ lực để tiến tới cạnh tranh với TSMC.

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng trở nên căng thẳng trong năm 2020, khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tranh cãi về việc Bắc Kinh xử lý đại dịch COVID-19, áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông và gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.

Quế Lâm (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI