Tổng thống Donald Trump sẽ giải thể Bộ giáo dục liên bang

20/03/2025 - 10:06

PNO - Theo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ký một sắc lệnh hành pháp trong ngày 20/3 nhằm giải thể Bộ Giáo dục và chuyển giao quyền kiểm soát vấn đề giáo dục trở lại cho các tiểu bang.

Tổng thống Donald J. Trump phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng, ngồi cạnh là bà Linda McMahon, khi đó là quản trị viên của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ, vào ngày 17/10/2018 - Ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post/Getty Images
Tổng thống Donald J. Trump phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng, ngồi cạnh là bà Linda McMahon, khi đó là quản trị viên của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ, vào ngày 17/10/2018 - Ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post/Getty Images

Sắc lệnh mới

Từ lâu, những người chỉ trích cho rằng Bộ Giáo dục lãng phí tiền của người nộp thuế và đưa sự giám sát của liên bang vào nền giáo dục do tiểu bang kiểm soát. Sắc lệnh hành pháp của ông Trump chỉ đạo Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon bắt đầu loại bỏ dần các trách nhiệm của bộ này trong khi vẫn đảm bảo tiếp tục các dịch vụ quan trọng.

Một thông báo từ Nhà Trắng nêu rõ, bà McMahon phải thực hiện "mọi bước cần thiết" để đóng cửa bộ này trong khi vẫn duy trì các chương trình mà người Mỹ tin tưởng, mặc dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ ràng.

Chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm lực lượng lao động của Bộ Giáo dục, cắt giảm Văn phòng Dân quyền và Viện Khoa học Giáo dục - nơi theo dõi tiến trình học tập của quốc gia.

Nguồn tài trợ của liên bang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những học sinh dễ bị tổn thương, từ các gia đình thu nhập thấp đến những người vô gia cư. Nếu Bộ Giáo dục bị giải thể, vẫn chưa rõ các chương trình thiết yếu này sẽ được duy trì như thế nào hoặc liệu có được duy trì hay không.

Bộ Giáo dục cũng đang giám sát 1,6 nghìn tỷ USD tiền vay liên bang cho sinh viên.

Tuy chỉ có 14% tiền tài trợ cho trường công đến từ chính phủ liên bang, phần lớn trong số đó hỗ trợ các chương trình dành cho nhóm sinh viên có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương.

Đáng quan tâm, nguồn tài trợ cho các trường đại học sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn lớn hơn, vì nhiều trường đại học phụ thuộc vào các khoản tài trợ và chương trình hỗ trợ tài chính của liên bang.

Trong khi ông Trump gọi Bộ Giáo dục này là một bộ máy quan liêu lãng phí, những người chỉ trích cho rằng việc đóng cửa bộ này có thể khiến hàng triệu sinh viên không có sự hỗ trợ thiết yếu, bao gồm viện trợ theo Đạo luật I cho các trường thu nhập thấp và chương trình McKinney-Vento dành cho sinh viên vô gia cư.

Đảng Cộng hòa từ lâu đã thúc đẩy việc xóa bỏ cơ quan này, lập luận rằng các tiểu bang nên kiểm soát giáo dục mà không có sự can thiệp của liên bang. Trong cuộc vận động bầu cử năm 2024, ông Trump hứa sẽ "gửi quyền quản lý giáo dục trở lại các tiểu bang, nơi nó thuộc về".

Dù vậy ở hiện tại, ông Trump đã dựa vào Bộ Giáo dục để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, bao gồm: ngăn cấm vận động viên chuyển giới trong các môn thể thao dành cho nữ, chặn hoạt động ủng hộ người Palestine tại các trường học, bỏ các chương trình tạo môi trường giáo dục đa dạng, công bằng và hòa nhập.

Quyết định nằm ở Quốc hội

Bất chấp lệnh hành pháp của ông Trump, việc giải thể hoàn toàn Bộ Giáo dục đòi hỏi quyết định từ Quốc hội, nơi đã thành lập cơ quan này vào năm 1979.

Ngay cả một số đồng minh của ông Trump cũng đã đặt câu hỏi về thẩm quyền của ông trong việc đơn phương đóng cửa bộ này. Cuộc bỏ phiếu năm 2023 của Hạ viện nhằm xóa bỏ cơ quan này đã thất bại khi 60 đảng viên Cộng hòa tham gia cùng đảng Dân chủ để phản đối.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục của ông Trump, Betsy DeVos đã cố gắng cắt giảm ngân sách của bộ và tái cấu trúc nguồn tài trợ K-12 (12 bậc giáo dục phổ thông), nhưng Quốc hội đã bác bỏ kế hoạch này, bao gồm cả sự phản đối của một số đảng viên Cộng hòa.

Sắc lệnh của ông Trump tạo ra một cuộc chiến chính trị về tương lai của Bộ Giáo dục. Mặc dù việc xóa bỏ bộ này vẫn khó có thể xảy ra nếu không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp, nhưng chính quyền đã thu hẹp lực lượng lao động và dần chuyển giao trách nhiệm cho các tiểu bang.

Linh La (theo Fox26 Houston)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI