'Tôi là Charlie' - đoàn kết để hàn gắn

09/01/2015 - 07:48

PNO - PN - “Je suis Charlie”, hay đoàn kết là sức mạnh. Phía sau khẩu hiệu dũng cảm của người Pháp là sự sợ hãi bị kỳ thị, phân biệt đối xử của gần 9,1% công dân Pháp theo đạo Hồi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trưa 7/1 (giờ địa phương), nước Pháp rung chuyển khi ba tay súng bịt mặt xông vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris (tờ báo từng đăng lại biếm họa về nhà tiên tri Mohammed), xả súng giết chết 12 người, làm bị thương 11 người; gây ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Pháp trong nửa thế kỷ qua.

Cuộc tấn công đã được lên kế hoạch “chuyên nghiệp”, với vũ khí sát thương chuyên dụng.

'Toi là Charlie' -  doan ket de han gan

Tổng thống Pháp tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ nạn nhân vụ tấn công tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo. Đây là lần thứ năm trong 50 năm, nước Pháp có quốc tang - Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp François Hollande nhanh chóng đến hiện trường. Tin tức vụ xả súng nhanh chóng được truyền đi khắp nước Pháp. Những cái tên được hàng triệu người Pháp ngưỡng mộ qua nét bút châm biếm tài hoa nay đã thiệt mạng, gồm Charb, Cabu, Wolinski và Tignous. Cabu và đặc biệt là Wolinski, đều ngoại thất tuần, đã đồng hành cùng nhiều thế hệ người Pháp và làm cho họ cười mỗi tuần bằng nhiều ấn phẩm khác nhau, trên đài phát thanh và cả truyền hình, trong hơn 50 năm qua.

'Toi là Charlie' -  doan ket de han gan

Các phóng viên AFP văn phòng Hồng Kông giơ cao biểu ngữ “Je suis Charlie” để bày tỏ đoàn kết với Charlie Hebdo - Ảnh: AFP

'Toi là Charlie' -  doan ket de han gan

Người Pháp xuống đường trong đêm 7/1, trên tay cầm biểu ngữ Je suis Charlie -Đoàn kết đề hàn gắn - Ảnh: AP

Người Pháp kinh hoàng nhắc nhở nhau rằng Tự do, Bình đẳng, Bác ái (Liberté, Egalité, Fraternité), các giá trị của dân tộc đang bị những kẻ khủng bố đe dọa.

Sẽ có rất nhiều cuộc lục soát, tìm kiếm trong thời gian tới ở Pháp và Tổng thống Hollande hiện phải đối mặt với những vấn đề nan giải mang tính xã hội sâu sắc. Trong lúc đó, chính khách cực hữu Marine Le Pen thừa cơ thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ quốc gia, đổ lỗi cho người nhập cư gây nên nhiều vấn đề kinh tế và xã hội của Pháp, còn các đảng cánh tả cố gắng rất nhiều để tránh cho công dân Hồi giáo có cảm giác bị kỳ thị.

Đổ thêm dầu vào lửa là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Pháp Michel Houellebecq nói về cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2022. Theo đó, sau vòng bỏ phiếu thứ hai giữa phe cực hữu và đảng Hồi giáo nước Pháp, người Hồi giáo đã giành thắng lợi nhờ sự trợ giúp của phái tả tự do, và nước Pháp trở thành một quốc gia Hồi giáo. Nhà văn Houellebecq hiện đang được cảnh sát bảo vệ chặt chẽ.

'Toi là Charlie' -  doan ket de han gan

Cảnh sát pháp công bố ảnh nghi phạm là hai anh em Kouachi - Cherif (trái) và Said - Ảnh: AFP

'Toi là Charlie' -  doan ket de han gan

Nước Pháp cũng như châu Âu đang thắt chặt an ninh trước nguy cơ tấn công khủng bố - Ảnh: AP

Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất và tăng cường các biện pháp bảo vệ các nhà thờ, cửa hàng, các cơ quan truyền thông và các phương tiện vận tải công cộng. Trường học đóng cửa trên toàn thành phố Paris, trong khi đó, hàng ngàn người sát cánh tại Quảng trường Cộng hòa, gần hiện trường vụ xả súng, để vinh danh các nạn nhân, họ giương cao những cây bút và những tờ giấy ghi “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie). Biểu tình tương tự diễn ra tại Quảng trường Trafalgar ở London (Anh) cũng như các quảng trường trung tâm Madrid, Berlin và Brussels.

“Je suis Charlie”, hay đoàn kết là sức mạnh. Phía sau khẩu hiệu dũng cảm của người Pháp là sự sợ hãi bị kỳ thị, phân biệt đối xử của gần 9,1% công dân Pháp theo đạo Hồi. Kỳ thị và căm thù mù quáng không bao giờ là phương thuốc hàn gắn những chia rẽ xã hội. Không khí Paris hôm nay khiến người ta liên tưởng đến những gì đã xảy ra ở Úc sau vụ một phần tử Hồi giáo cực đoan bắt giữ hàng chục con tin trong quán cà phê Lindt tại Sydney trong suốt 17 giờ. Lúc đó, Tessa Kum, biên tập viên truyền hình ở Sydney, là người đầu tiên phát động phong trào bảo vệ người Hồi giáo.

Nước Pháp biểu tượng cho tự do và bình đẳng, nước Pháp cũng không xa lạ với bác ái, tình người. Khi mỗi người Pháp trở thành một Charlie Hebdo, nước Pháp sẽ không sợ hãi, cũng không phân biệt đối xử với các công dân Pháp theo Hồi giáo, đơn giản vì sức mạnh của Charlie Hebdo là ở cây bút và tờ giấy, chứ không phải khẩu súng AK.

 THIỆN ĐẠO (Theo CNN, AFP, The Sydney Morning Herald)

Thêm một vụ nổ súng tại Paris

Nhà chức trách Paris cho biết một nữ cảnh sát đã chết và một viên chức của thành phố đã bị thương nặng sau khi một người đàn ông bắn vào họ bằng một khẩu súng trường tự động tại Porte de Chatillon phía Nam Paris hôm 8/1. Tuy nhiên, vụ này chưa được xác định có liên quan gì đến vụ tấn công tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo hay không. Cảnh sát đã bắt giữ nghi can và tiến hành điều tra. (AFP)

Việt Nam lên án vụ tấn công vào tòa báo Pháp

“Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức, vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo là hành động dã man, không thể chấp nhận được”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo chiều 8/1.

Theo bà Hằng, các lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Pháp.

“Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Pháp và gia đình những người bị nạn, đồng thời tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng”, bà Hằng nói.

 B.T.L.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI