Lấp khoảng trống về nhân lực cho nghệ thuật truyền thống

Bài cuối: Không có nghệ sĩ, di sản chỉ là ký ức

15/05/2025 - 06:27

PNO - Trong khi nhiều quốc gia đẩy mạnh quảng bá di sản như một phần của chiến lược phát triển mềm, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống đào tạo nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống đủ chiều sâu và tầm vóc. Chúng ta nói nhiều đến việc giữ gìn di sản nhưng lại quên điều quan trọng nhất: không có con người thì di sản chỉ là ký ức.

Không thể trông chờ vào sự tự phát

Trong tiến trình phát triển văn hóa, đào tạo nhân lực luôn là khâu mang tính quyết định. Với nghệ thuật truyền thống, việc phát hiện và đào tạo nghệ sĩ cần được triển khai từ sớm, với chiến lược dài hạn, có hệ thống và đồng bộ. Đây không chỉ là vấn đề chuyên môn mà còn là câu chuyện về tầm nhìn văn hóa và phát triển quốc gia.

NSND Giang Mạnh Hà
NSND Giang Mạnh Hà. (Ảnh: Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai)

Từ kinh nghiệm làm việc với diễn viên trẻ, tôi cho rằng việc đào tạo không thể chỉ bắt đầu từ các trường cao đẳng, đại học. Khi một cá nhân đã định hình nhận thức, sở thích và định hướng nghề nghiệp, nghệ thuật truyền thống khó có thể trở thành sự lựa chọn hàng đầu. Muốn có thế hệ kế cận đủ đam mê và bản lĩnh, cần bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi. Cần có môi trường, sân chơi, các lớp học nghệ thuật truyền thống được thiết kế bài bản, lồng ghép trong giáo dục phổ thông hoặc ngoại khóa với định hướng lâu dài.

Mô hình của Hàn Quốc có thể là ví dụ đáng tham khảo. Bên cạnh việc đầu tư vào các trường nghệ thuật quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc còn có các chương trình giáo dục truyền thống trong trường tiểu học và trung học, thông qua các lớp học dân ca pansori, nhạc cụ truyền thống như gayageum hoặc các lớp múa cổ truyền. Bên cạnh đó, học sinh có năng khiếu được đưa vào các trung tâm đào tạo tài năng nghệ thuật từ nhỏ, như một phần trong chính sách bảo tồn di sản phi vật thể. Sự đầu tư này cho thấy hiệu quả khi Hàn Quốc vừa bảo tồn được các loại hình nghệ thuật cổ truyền vừa tạo ra thế hệ nghệ sĩ trẻ có năng lực giúp lan tỏa di sản văn hóa đến toàn cầu.

Song song đó là các chính sách hỗ trợ thực chất. Tài năng nghệ thuật truyền thống thường không bộc lộ rầm rộ mà cần được nuôi dưỡng thầm lặng, kiên trì. Nếu thiếu sự bảo trợ của Nhà nước, thông qua chính sách học bổng, định hướng nghề nghiệp…, những tài năng này dễ bị đánh mất trong guồng quay của cuộc sống hiện đại. Phát hiện và gìn giữ nhân tài không thể là trách nhiệm tự phát của gia đình hay một vài tổ chức đơn lẻ. Đó phải là chính sách công, được xác định rõ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Ở các nước có nền văn hóa truyền thống lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đào tạo nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống luôn đi kèm chế độ đãi ngộ và công nhận xã hội. Điều đó tạo ra một chuỗi đào tạo bền vững: nghệ sĩ được kính trọng, học trò được đào tạo bài bản, xã hội nhìn nhận nghệ thuật truyền thống như một phần không thể thiếu của bản sắc quốc gia.

Một yêu cầu không thể thiếu trong bối cảnh hiện đại là mở rộng cơ hội học tập quốc tế cho nghệ sĩ trẻ. Hội nhập là cả quá trình học hỏi, tiếp thu có chọn lọc. Để làm được điều đó, nghệ sĩ cần được tiếp cận tri thức văn hóa thế giới, đồng thời có hiểu biết sâu sắc về di sản dân tộc. Học tập ở nước ngoài không phải để đánh mất mình mà để củng cố bản sắc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Tài năng trẻ
"Muốn có thế hệ nghệ sĩ kế cận đủ đam mê và bản lĩnh, cần bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi". Ảnh: Thuý Bình

Nghệ sĩ - nhân tố chủ lực của công nghiệp sáng tạo

Trong một thế giới vận hành theo logic của công nghiệp sáng tạo, di sản cần được tái sinh và chuyển hóa thành sản phẩm văn hóa hiện đại, có giá trị kinh tế và lan tỏa sâu rộng. Nghệ sĩ truyền thống không chỉ là người giữ lửa mà còn là nhân tố chủ lực trong chuỗi sáng tạo. Họ cần được đào tạo như những nhà văn hóa chuyên nghiệp, có năng lực sáng tạo, thiết kế nội dung và kết nối với công chúng trong nước lẫn quốc tế.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ số, nghệ sĩ truyền thống cần được trang bị kỹ năng số hóa, biết cách trình bày tác phẩm trên nền tảng trực tuyến, biết cách kể câu chuyện văn hóa theo ngôn ngữ của thời đại. Một nghệ sĩ chèo không chỉ biểu diễn trên sân khấu truyền thống mà còn có kênh YouTube, TikTok để đưa nghệ thuật đến gần giới trẻ. Để làm được điều đó, chương trình đào tạo cũng phải thay đổi, tích hợp cả yếu tố công nghệ, truyền thông và kinh tế sáng tạo.

Nghị quyết của Đảng và các chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp văn hóa đã mở ra con đường. Để đi trên con đường đó, phải có lực lượng nghệ sĩ được chuẩn bị kỹ lưỡng từ tri thức, kỹ năng đến tinh thần dân tộc. Không thể trông chờ vào những đợt đào tạo ngắn hạn hay các lớp học mang tính phong trào. Chúng ta cần một hệ sinh thái đào tạo bài bản, liên thông từ cấp cơ sở đến chuyên sâu, có cơ chế hỗ trợ dài hạn, hợp tác quốc tế thực chất và định hướng phát triển rõ ràng.

Không thể bảo tồn nghệ thuật truyền thống nếu không còn người làm nghề. Không thể phát triển công nghiệp văn hóa nếu thiếu lực lượng sáng tạo am hiểu gốc rễ văn hóa dân tộc. Và cũng không thể đưa văn hóa Việt Nam ra toàn cầu nếu không đầu tư đúng lúc vào yếu tố con người.

Nghị quyết đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Văn hóa không thể tự phát triển nếu thiếu nguồn lực con người. Không có nghệ sĩ sẽ không có di sản sống. Không có người sáng tạo, dù di sản phong phú đến đâu cũng chỉ là kho lưu trữ khô cứng.

Đào tạo nghệ sĩ truyền thống là cách nuôi dưỡng hạt giống văn hóa cho tương lai. Hạt giống ấy phải được gieo từ hôm nay.

Chiến lược gìn giữ di sản của một số quốc gia châu Á

Trung Quốc: Đào tạo như huấn luyện vận động viên quốc gia

Việc đào tạo diễn viên kinh kịch được quốc gia này thực hiện từ rất sớm và nghiêm ngặt, gần giống như huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao.

Trẻ em 6-10 tuổi được tuyển chọn vào các trường nghệ thuật chuyên biệt. Học viên phải rèn luyện toàn diện: thân pháp, thanh nhạc, nhào lộn, thể lực, diễn xuất… theo thời gian biểu nghiêm ngặt từ sáng sớm đến tối.

Học viện Kinh kịch Trung Quốc, Học viện Hý kịch Thượng Hải cùng các trường trung cấp nghệ thuật địa phương là những cái nôi đào tạo lớp nghệ sĩ chuyên nghiệp cho sân khấu truyền thống. Mô hình này do Nhà nước chủ đạo, với chính sách tài trợ toàn phần học phí, ăn ở. Học viên tốt nghiệp sẽ được phân công về các đoàn nghệ thuật.

Học sinh Trung Quốc được làm quen với kinh kịch từ rất sớm - Nguồn ảnh: China Daily
Học sinh Trung Quốc được làm quen với kinh kịch từ rất sớm - Nguồn ảnh: China Daily

Hàn Quốc: Bảo tồn nghệ thuật như bảo vệ bản sắc quốc gia

Từ thập niên 1970, Hàn Quốc xác định chiến lược bảo tồn nghệ thuật truyền thống như một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc. Trẻ em được tiếp cận nghệ thuật truyền thống từ rất sớm qua mạng lưới các trung tâm Gugak (âm nhạc truyền thống) từ trung ương đến địa phương. Trong trường phổ thông, một số môn học như gayageum (đàn tranh Hàn), pansori (hát kể), talchum (múa mặt nạ)… được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức. Một số trường đại học cũng có khoa chuyên sâu đào tạo nghệ thuật truyền thống như Đại học quốc gia Hàn Quốc về nghệ thuật, Đại học Chung-Ang…

Nhật Bản: Nghệ sĩ truyền thống là “quốc bảo sống”
Các nghệ sĩ đạt trình độ cao trong các bộ môn như Noh, Kabuki, Gagaku… được gọi là “quốc bảo sống”. Danh hiệu này đi kèm hỗ trợ tài chính, điều kiện sáng tác, biểu diễn và quan trọng nhất là trách nhiệm truyền nghề cho thế hệ sau.

Hệ thống đào tạo nghệ sĩ truyền thống ở Nhật Bản được vận hành theo 2 hướng song song: truyền nghề từ gia đình và đào tạo chính quy tại các trường trung học, đại học chuyên biệt. Học sinh phổ thông có thể lựa chọn học đàn shamisen, trà đạo, kịch Noh như một phần trong chương trình giáo dục, từ đó tạo nền tảng cảm thụ nghệ thuật và theo nghề nếu có năng lực.

Indonesia: Gieo hạt giống nghệ thuật từ trường học

Nghệ thuật truyền thống như múa Wayang, nhạc cụ Gamelan, múa Saman… được tích hợp sâu vào đời sống giáo dục và văn hóa cộng đồng. Chính phủ triển khai chương trình muatan lokal (nội dung địa phương) - quy định mỗi tỉnh, thành phải đưa nghệ thuật dân tộc bản địa vào chương trình học chính khóa từ cấp tiểu học.

Trẻ em tại các vùng như Java, Bali, Aceh, Yogyakarta được học hát, múa, chơi nhạc cụ truyền thống ngay từ lớp Một. Hệ thống sanggar seni (nhà văn hóa nghệ thuật) tại cộng đồng đóng vai trò như “trường học thứ hai” - nơi nghệ nhân địa phương hướng dẫn trực tiếp trẻ em sau giờ học. Chính quyền cấp địa điểm sinh hoạt, đạo cụ, tổ chức các cuộc thi cấp vùng và quốc gia nhằm phát hiện và tuyển chọn học sinh có năng khiếu, định hướng học tập tiếp tại các học viện nghệ thuật chuyên nghiệp như ISI Yogyakarta, ISBI Bandung…

Hoa Nguyễn

Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI