Tiếng gào thiết tha của mẹ

15/06/2017 - 14:30

PNO - Mẹ tôi không sung sướng. Nhưng mà, trong bao khổ cực, tiếng người gào thân thương dội vào hồn tôi như một làn nước êm ái xanh trong của mùa xuân vùng biển bao la, chao chát...

Người nào sinh ra ở những vùng quê ven biển, hằng ngày theo cha mẹ từ các ghe thuyền dọc bãi biển đến những chợ cá lớn nhỏ, chắc sẽ hiểu tiếng gào của những phụ nữ như mẹ tôi. Tiếng nói như gào, tiếng gào lại như hát. Tiếng mẹ tôi hòa vào tự nhiên với gió biển, với sự lao xao ù ù của chợ cá, nghe dữ dội lắm nhưng mà vẫn cứ chực bị bạt đi. 

Tieng gao thiet tha cua me
Tiếng mẹ tôi hòa vào tự nhiên với gió biển

Hằng ngày, nhiều người mẹ vùng biển hối hả lấy hải sản tươi từ các ghe thuyền đánh bắt vừa trở về, rồi lại hối hả đưa từng sọt cá tôm vào chợ bỏ sỉ bỏ lẻ. Cái nhịp điệu ấy không nhàn hạ như mặt biển êm ả, mà quay cuồng tối tăm mặt mũi, giữa mùi mặn ngái đặc trưng của đất biển và tiếng ồn ã kinh khủng của người người bán mua.

Có để ý người mẹ miền biển mới thấy: da mẹ đen nhám đi và dày lên dầu dãi; tay mẹ gân guốc xù xì, mạnh mẽ như bàn tay đàn ông, một lần bốc sọt cá hàng chục ký; tóc mẹ mất dần vẻ óng ả mà xù lên thô nhám vì muối biển; và nhất là tiếng mẹ… như những tiếng gào.

Bạn có lần về quê tôi chơi, hớn hở lao ra chợ hải sản đầu mối, rồi choáng ngợp bởi sự cuồng quay tất bật, bạt hồn khi nghe tiếng mẹ tôi hối người khuân cá bỏ hàng. Và hàng chục phụ nữ ở đó, ai cũng như mẹ, tiếng nói mặn chát, khàn đặc, thô (đôi khi còn kèm cả tục nữa!) Họ gào liên hồi, không mệt mỏi, như chính nhịp điệu bán buôn tấp nập.

Tôi mang theo những tiếng gào ấy vào thành phố học hành và lập nghiệp, ngạc nhiên sao những người mẹ, người chị ở đây ăn nói dịu dàng nhỏ nhẹ, từ cô chủ nhà trọ dễ thương đến cô giáo trên giảng đường, những bạn gái đại học, và cả cô bán rau ngoài chợ. Tiếng nói miền Nam êm ả như gió đưa qua ngọn cây, chứ không gầm gào như tiếng người lao động vùng biển.

Tieng gao thiet tha cua me
 

Nhưng đôi khi đang trong phòng trọ nóng hầm hập, bất chợt nghe thấy một người mẹ khốn khổ nào đó gào lên chửi chồng mắng con, tôi lao xao hốt hoảng. Hình như là mẹ, mà không phải là mẹ.

Sự khốn khổ đè nén lên cuộc đời người phụ nữ đó đến mức làm bứt những sợi mỏng manh sót lại của nữ tính chăng? Đó là tiếng gào vì khổ quá. Nghe tiếng nói bên tai mà nhớ quay quắt những tiếng nói nào trong tâm tưởng, trong thẳm sâu ký ức biển khơi…

Thương mẹ, thương cả tiếng gào vất vả. Bài hát xuân đầy tính tự sự triết lý của Phạm Duy có mấy câu nghe sao mà khó hiểu “Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha/ Là xinh, là tươi có xuân thuở xưa ước mơ hiền hòa…”. Đã gào lại vẫn thiết tha hiền hòa được sao? Chẳng biết nhạc sĩ tài hoa viết vậy với cảm thức xuân thế nào, nhưng tôi thì biết có tiếng gào thiết tha trên đời.

Và những phụ nữ lao động nghèo vùng biển như mẹ tôi cũng từng có lúc tiếng nói hiền hòa êm dịu. Khi mẹ còn con gái như các chị tôi bây giờ, tiếng mẹ chắc cũng êm như hàng phi lao rì rào dọc biển mỗi chiều.

Hay khi mẹ sinh chúng tôi ra, tiếng mẹ nựng nịu vỗ về chắc hẳn là phải ngọt ngào mát lành, thì khi lớn lên, theo mẹ đi làm vất vả, chúng tôi vẫn thấy tiếng gào thiết tha thương mến. Thương mẹ vì những khốn khó một đời không chỉ đóng dấu vào hình hài lam lũ mà còn hằn lên giọng nói con gái ngày nào. Thương mẹ, vì là phụ nữ, ai cũng có quyền dịu dàng.

Mẹ tôi không sung sướng. Nhưng mà, trong bao khổ cực, tiếng người gào thân thương dội vào hồn tôi như một làn nước êm ái xanh trong của mùa xuân vùng biển bao la, chao chát… 

Hồng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI