Thy Phương: Nghệ sĩ cải lương chứ không phải tiếp viên bia ôm!

01/01/2015 - 11:58

PNO - PNO - "Thu nhập từ tiền boa của khách mang lên sân khấu tặng nếu họ thấy ai đó hát hay, chỉ là một khoản tượng trưng. Dù không có nguồn thu, nhưng tôi không có phép bất kỳ một cô đào và anh kép nào ngồi tiếp khách như tiếp viên" -...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thy Phương từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2001, Huy chương bạc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Trên sân khấu Trần Hữu Trang, chị gây ấn tượng mạnh trong vai đào lẳng độc. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn, chị đang góp phần vào sự duy trì của nghệ thuật cải lương theo cách riêng của mình. Trong suất diễn đón giao thừa Dương lịch năm 2015, Thy Phương đã trải lòng về những trăn trở của một người xem cải lương là máu thịt.

Thy Phuong: Nghe si cai luong chu khong phai tiep vien bia om!

Thy Phương (trái) trong vai mẹ và đồng môn Thy Trang

* Năm 2014 đã khép lại, cải lương vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn chất chồng. Chị có cảm thấy lo lắng khi tìm cách làm cho cải lương trở lại trong lòng công chúng?

- Những ai là nghệ sĩ cải lương đều mong muốn cải lương sống lại thời hoàng kim của nó. Thế nhưng làm cách nào để nó hồi sinh thì đó là một câu hỏi lớn mà chỉ cấp quản lý cao nhất mới có thể trả lời được. Riêng tôi, hơn một năm qua, ngoài việc hát cho Nhà hát Trần Hữu Trang, đã hùn vốn cùng hai đàn em Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Hải Minh mở một câu lạc bộ cải lương tại khuôn viên nhà hàng Hòn Non Bộ tại số 74 đường Tân Hương, Q. Tân Phú. Sân khấu tọa lạc trong nhà hàng, là nơi để các học trò của tôi học nghề, và phục vụ cho khán giả cũng là thực khách. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những phương cách giúp cải lương lan tỏa rộng hơn đến nhiều đối tượng công chúng.

* Nhà hàng phục vụ cải lương dưới hình thức chiều khách kiểu như bia ôm đã và đang làm nhức nhối nhiều trái tim yêu mến bộ môn nghệ thuật của dân tộc. Sân khấu của Thy Phương có thoát khỏi tiếng xấu này không?

- Tôi theo học thầy Út Trong, thầy của nghệ sĩ Thanh Nga và nhiều thế hệ cải lương tên tuổi khác từ năm 12 tuổi. Thầy đã dạy tôi rất nhiều về đạo đức của người nghệ sĩ. 18 tuổi tôi thi vào khoa cải lương Trường đại học sân khấu điện ảnh TP.HCM. Tại đây, tôi tiếp tục được học diễn xuất và kiến thức hàn lâm với nhiều thầy giỏi. Tôi hiểu được vẻ đẹp sâu thẳm của cải lương.

Sau khi tôi tốt nghiệp trường sân khấu, cũng là lúc cải lương bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Tôi thất nghiệp vài năm. Buồn và thấy không thể sống mà không hát, tôi đã tìm đến sân khấu của thầy Hoài Thanh và cô Đỗ Quyên. Sân khấu này phục vụ trong nhà hàng Hai Lúa có nhiều thực khách đến ăn uống. Nhưng thầy và cô không bao giờ cho phép học trò của mình được ngồi tiếp khách một cách thân mật đến mức trớt nhã.

Thy Phuong: Nghe si cai luong chu khong phai tiep vien bia om!

Thy Phương trong vai Dương Hoàng Hậu trong Hoa vương tình mộng

Thầy cô lập sân khấu trong nhà hàng vừa để dạy nghề vừa tranh thủ tạo ra sàn diễn cho học trò trong thời điểm sân khấu gần như tê liệt, diễn viên không có chỗ diễn. Tại đây, tôi được học theo kiểu truyền nghề nên khả năng diễn xuất tốt hơn thấy rõ. Ngoài ra, thầy cô cũng dạy tôi cách ứng xử với đồng nghiệp sao cho phải đạo. Từ đây, tôi được cử tham dự giải Trần Hữu Trang và đoạt giải. Đồng môn của tôi, nghệ sĩ Thy Trang cũng thành danh từ sân khấu này. Tất cả các bạn bè và đàn em của tôi từng sinh hoạt ở đây chưa bao giờ bị khán giả xem thường vì biến mình thành trò vui theo nghĩa chiều chuộng không trong sáng. Tôi đã áp dụng mô hình này cho sân khấu hiện tại của tôi.

* Người ta nói có thực mới vực được đạo. Thy Phương đã mở ra được sân chơi cho thế hệ trẻ tiếp cận với cải lương, nhưng tại sân khấu này các bạn thu nhập bằng gì nếu không tiếp khách?

- Học viên muốn học nghề tại sân khác của tôi, điều đầu tiên tôi hỏi là các bạn đã có một nghề nghiệp ổn định chưa. Tôi giải thích cho họ hiểu rằng nơi đây chỉ dạy họ ca và diễn chứ không có cát xê và bất cứ nguồn thu nào khác. Thu nhập từ tiền boa của khách mang lên sân khấu tặng nếu họ thấy ai đó hát hay, chỉ là một khoản tượng trưng. Dù không có nguồn thu, nhưng tôi không có phép bất kỳ một cô đào và anh kép nào ngồi tiếp khách như tiếp viên. Vì vậy, một số bạn nữ hoạt động ở đây một thời gian thấy không có tiền nên tìm việc ở những nơi khác.

Do đó, học viên của tôi nhiều lượt đến rồi đi. Cuối cùng chỉ trụ lại được năm người, đủ để tạo thành một ê kíp diễn viên cho một trích đoạn. Dù ít nhưng chất lượng và hoạt động nghệ thuật đúng nghĩa, còn hơn là ồn ào tấp nập mà bị đánh đồng với những nơi mượn danh nghệ thuật để làm điều thiếu trong sáng. Tôi chấp nhận đi ngược dòng vì bảo vệ vẻ đẹp của cải lương.

- Dù Thy Phương đã nỗ lực lưu giữ được nhiều điều tốt đẹp cho cải lương nhưng thật cám cảnh khi khán giả ở sân khấu của chị đến quán trước tiên vì mục đích ăn uống. Hát trong không gian như thế chị có chạnh lòng?

- Trong bối cảnh mà ngay cả nghệ sĩ tên tuổi còn ít có cơ hội hát đúng nghĩa thì tôi cho rằng việc hát cho thực khách thưởng thức là tạm chấp nhận được. Khi nào chúng tôi có điều kiện tài chính tốt hơn, chúng tôi sẽ xây dựng một sân khấu với nguyên vẹn ý nghĩa nghệ thuật.

Thy Phuong: Nghe si cai luong chu khong phai tiep vien bia om!

Thy Phương cùng ngôi sao trẻ Võ Minh Lâm

* Thy Phương đã từng học nghề ở lò và đồng thời học ở trường chính quy. Theo chị thì lối học nào hiệu quả hơn?

- Học ở trường có được kiến thức sách vở nhiều hơn, nhưng tôi nghĩ học theo cách truyền nghề như tôi từng học và đang truyền thụ lại cho các em trẻ hiệu quả hơn. Ở trường mỗi thầy cô phụ trách rất nhiều học trò nên không thể chuốt cho từng người. Học ở lò, do ít học viên nên chúng tôi có thể rèn luyện cho các em kỹ hơn. Quan trọng là sau khi học các em có ngay nơi diễn và đo được phản ứng của khán giả. Trong khi đó các tiểu phẩm ở trường chỉ là những buổi diễn chay giữa thầy và trò.

Thy Phương có thể đóng đào thương nhưng đồng thời rất thành công trong các vai lẳng độc như Dương Hoàng Hậu (trong Hoa vương tình mộng), Đàm Thái Hậu (trong Dấu ấn giao thời), Thục Phi (Phước Lộc Thọ). Có phải đây là kết quả của lối học truyền nghề trong thời gian thọ giáo thầy Hoài Thanh và cô Đỗ Quyên?

- Trước khi đến học lò thầy Hoài Thanh và cô Đỗ Quyên, tôi không biết rõ thế mạnh của mình. Sau này, cô Đỗ Quyên cho tôi biết ánh mắt, lối ca diễn của tôi phù hợp với thể loại vai cá tính. Tôi đã tập trung khai thác dạng vai này. Khi đầu quân về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tôi may mắn được ban giám đốc tạo điều kiện đóng những vai lẳng độc. Nhờ vậy, tôi phát huy được thế mạnh này.

* Là nghệ sĩ của thế hệ trẻ đang chứng kiến sự sa sút của cải lương, có khi nào Thy Phương cảm giác rằng sẽ đến một ngày cải lương sẽ biến mất khỏi đời sống nghệ thuật?

- Tôi tin rằng cải lương sẽ hồi sinh. Thứ nhất, trong thực tế dù không có nhà hát đúng nghĩa nhưng có rất nhiều bạn trẻ thành lập các nhóm hát. Họ không có chuyên môn và căn bản nên đôi khi dàn dựng tuồng tích chưa đúng bài bản. Đây là mặt không tốt nhưng qua đó cho thấy rằng có một lượng lớn các bạn trẻ yêu quý và muốn cải lương tồn tại. Thứ hai, phong trào đờn ca tài từ tiền thân của cải lương phát triển rộng khắp, và điều này tiếp sức cho cải lương được duy trì. Thứ ba, cải lương được khán giả cả nước yêu mến mà bằng chứng là hễ có tuồng hay là rạp lúc nào cũng kín chỗ. Thứ tư, truyền hình cũng đang tích cực mang cải lương đến với mọi nhà.

Cảm ơn Thy Phương về buổi trò chuyện đầu năm. Chúc chị thành công trong vai trò diễn viên và người truyền lửa.

HUY NGUYỄN
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI