Thư Paris: Ấm áp sự sẻ chia

17/11/2015 - 07:23

PNO - Bạn thân mến, Khi mình viết thư cho bạn, tim mình vẫn thắt lại từng hồi. Mình vừa trở về từ nơi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân, phố Charonne.

Nơi này có 19 người thiệt mạng từ vụ tấn công nhà hàng pizza, cách nhà mình hơn 20 phút chạy xe. Hầu hết người tham gia tưởng niệm là người thân, bạn bè của nạn nhân. Họ gần như túc trực tại cửa hàng này từ sau đêm thứ Sáu kinh hoàng. Họ quỳ thật lâu, giữ cho những ngọn nến không tắt. Lặng buồn.

Bình thường, tối cuối tuần, gia đình mình hay kéo nhau ra đường, mình rất thích đi nghe nhạc. Nhưng tối 13/11, vợ chồng mình mời cơm hai người bạn Pháp tại nhà. Sau khi tiễn bạn về, gần 11g khuya, mình kiểm tra điện thoại (đang sạc pin trong phòng ngủ) thì tá hỏa vì có nhiều cuộc gọi lỡ.

Mình gọi lại ngay cho cô hàng xóm tốt bụng Priscilla Singh. Priscilla hối mình mở ti vi để xem tin khủng bố. Priscilla làm việc ở khu vực Avenue de la Republique, cách một địa điểm bị khủng bố chưa tới 200m. Gần 9g tối, cô ấy xong việc, các đồng nghiệp rủ đi chơi nhưng cô ấy kêu mệt và về nhà. Nhờ vậy, cô ấy bình an.

Priscilla điện cho mình không được nên càng cuống cuồng. Priscilla còn nhanh tay xác nhận tình trạng “an toàn” cho mình trên facebook, để bạn bè bớt lo lắng. Mình bật ti vi và không thể tin vào mắt. Quá kinh hãi! Chồng mình lập tức điện thoại cho hai người bạn mới rời khỏi nhà mình 15 phút. Họ cũng không biết gì, và dùng GPS để né các địa điểm bị tấn công để về nhà an toàn.

Thu Paris: Am ap su se chia
Ảnh minh họa

Vợ chồng mình, sau đó có thêm vợ chồng Priscilla, cùng nhau thức suốt đêm, dán mắt vào ti vi. Hôm sau, mình lại xem ti vi, và khóc. Mình ở Pháp chưa đầy hai năm, nhưng hai lần biết đến khủng bố, lần trước là vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo - cách nhà cũ hơn 10 phút chạy xe.

Chồng mình hầu như không nói gì, chỉ bảo bọn khủng bố rất tàn nhẫn. Anh ấy ôm chặt mình và con gái. Mình nghẹn giọng nói rằng, bây giờ mới thấm thía sự bình yên, và thêm trân trọng chồng con.

Chồng mình, Nicolas Phạm có ba má đều là người Việt, nhưng anh sinh ra tại Lào và sang Pháp từ lúc 5 tuổi. Anh vốn ít bộc lộ xúc cảm. Khi xem tin Paris bị khủng bố, anh đã điện thoại ngay cho chị ruột cũng ở Paris, và gọi cho ba má lúc này đang về chơi ở Việt Nam.

Từ Mỹ, chị mình liên tục điện thoại hỏi thăm, còn khuyên gia đình mình về Việt Nam sinh sống. Mình nhận được rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ gia đình, bạn bè. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi biết mình “không sao”.

Bản thân mình cũng điện thoại cho vài người bạn Việt hiện ở Paris. Có một cậu em kết nghĩa làm mình thót tim vì điện thoại hoài không được, em ấy làm xây dựng, thường xuyên làm việc trễ.

Vậy là mình truy tìm tung tích em ấy qua người quen. Đến chiều 14/11, cậu ta mới gọi cho mình, bảo là bị mất điện thoại. Những lúc thế này vô cùng xúc động, vì được nhiều người quan tâm và mình cũng quan tâm người khác nhiều hơn.

Bạn biết không, tụi mình cứ ngồi trong nhà cho đến chiều 14/11. Dù chính quyền cảnh báo mọi người không nên ra khỏi nhà, nhưng gần 9g tối cùng ngày, vợ chồng mình và nhà Priscilla đều đồng lòng đi thắp nến cho nạn nhân ở phố Charonne.

Lúc đó, cảm giác như đường-phố-chết, các cửa hàng đều đóng cửa, nỗi buồn cô đặc trong không khí tụi mình đang hít thở. Mình thấy rất tệ. Nhưng, sau khi dự lễ tưởng niệm và về nhà lúc gần 1g sáng, mình thấy khá hơn, có lẽ vì đã cầu nguyện cho nạn nhân ấm lòng nơi chín suối, có lẽ mình đã hiểu cảm giác buốt giá trong lòng là thế nào so với cái lạnh ngoài trời. Hơn hết thảy, mình hiểu ý nghĩa của sự sẻ chia, niềm hạnh phúc và may mắn gia đình mình có được lúc này.

Mình mong sớm gặp lại mọi người ở Việt Nam.

Lâm Ngọc Thư (Từ Paris)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI