Thử nghiệm thuốc mới cứu hàng chục ngàn phụ nữ khỏi “cửa tử” khi sinh nở

13/04/2023 - 14:01

PNO - Loại thuốc tiêm mới có khả năng ngăn chặn kịp thời tình trạng mất máu nghiêm trọng do chấn thương được tin rằng sẽ đem lại hiệu quả đối với các ca băng huyết sau sinh.

Khám phá ghi nhận được sau quá trình thử nghiệm lâm sàng hiện đã ở giai đoạn 2 của đội ngũ khoa học gia thuộc Trường Y học nhiệt đới & Vệ sinh dịch tễ London cho thấy, có thể sử dụng axit tranexamic (TXA) - một loại thuốc giúp cầm máu hữu hiệu - an toàn cho sản phụ khi cần điều trị tai biến băng huyết sau sinh.

Đáng tiếc đến nay, loại thuốc này vẫn chỉ được truyền dưới dạng tiêm tĩnh mạch (IV) - một liệu pháp không thật sự tiện lợi ở nhiều quốc gia với hạ tầng y tế còn nghèo nàn.

Sau khi được cấp cứu khỏi tai biến băng huyết, một người mẹ trẻ người Pakistan ngắm đứa con vừa chào đời của cô. (Ảnh: Saiyna Bashir/Wellcome Trust)
Sau khi được cấp cứu khỏi tai biến băng huyết, một người mẹ trẻ người Pakistan ngắm đứa con vừa chào đời của cô - Ảnh: Saiyna Bashir/Wellcome Trust

Ước tính, mỗi năm có ít nhất 70.000 phụ nữ qua đời vì băng huyết sau sinh, chiếm 1/4 tổng số ca sản phụ tử vong trên toàn thế giới. Giáo sư Haleema Shakur-Still (Trường Y học nhiệt đới & Vệ sinh dịch tễ London) nhấn mạnh, việc điều trị băng huyết đúng lúc, đúng phương pháp chính là "chìa khóa” để cứu sống sản phụ. Thế nhưng liệu pháp IV lại chứng tỏ nhược điểm nhất định.

“Thuốc tiêm chỉ có thể phát huy tác dụng nếu sản phụ được tiếp nhận sớm, thời điểm triêu chứng băng huyết vừa xuất hiện” - nữ giáo sư nói - “Hầu hết các ca băng huyết được phát hiện bởi nhân viên hộ sinh, nhưng thông thường họ không được tập huấn trước để trực tiếp truyền thuốc bằng liệu pháp IV cho bệnh nhân. Nếu có thể khắc phục điều này, tai biến sau sinh như băng huyết sẽ được phòng ngừa tốt hơn”.

Để chủ động hơn trước nguy hiểm

Liên quan đến việc cải thiện phương pháp sử dụng TXA, giáo sư Shakur-Still bày tỏ: “Chúng tôi đã nghĩ đến phương án dùng ống tiêm trữ sẵn thuốc, như cách cảnh sát hoặc nhân viên y tế đang áp dụng tại hiện trường các vụ tai nạn, khi phải sơ cấp cứu”.

Theo kết quả nghiên cứu thử nghiệm mới nhất vừa công bố trên Tạp chí Sản phụ khoa của Anh, ý tưởng này hoàn toàn khả thi. Cụ thể, trong cuộc nghiên cứu, 120 sản phụ có nguy cơ bị băng huyết cao ở Pakistan và Zambia được nhận 1 liều TXA dưới dạng tiêm hoặc thuốc viên trước khi xuất hiện triệu chứng xuất huyết. Viên uống mất khoảng 1 giờ để phát huy tác dụng. Trong khi đó, cách tiêm trực tiếp chỉ cần 10 phút để đem lại hiệu quả - tương tự liệu pháp IV.

Nhóm nghiên cứu đang triển khai giai đoạn thử nghiệm thứ ba, với 30.000 tình nguyện viên nữ tham gia, nhằm kiểm chứng chi tiết hơn hiệu quả của thuốc. Nếu thành công, đây sẽ là dự án tiền đề quan trọng thúc đẩy ngành y tế thế giới tin dùng thuốc tiêm TXA - một kết quả đội ngũ các nhà khoa học đặc biệt tin tưởng.    

Các sản phụ trong phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện tại thành phố Rawalpindi, tỉnh Punjab, miền trung Pakistan. (Ảnh: Saiyna Bashir/Wellcome Trust)
Các sản phụ trong phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện tại thành phố Rawalpindi, tỉnh Punjab, miền trung Pakistan - Ảnh: Saiyna Bashir/Wellcome Trust

TXA hoạt động như một “chất ổn định tình trạng đông máu”, tức nó có khả năng ngăn cơ thể tự phá vỡ các cục máu đông khi xảy ra hiện tượng xuất huyết nghiêm trọng.

Vốn được phát triển để hỗ trợ điều trị những bệnh nhân chấn thương nặng, TXA được nhiều nhân viên y tế sử dụng tại Anh từ năm 2020 sau 1 đợt thử nghiệm thành công ban đầu. “Quân đội là đơn vị đầu tiên hứng thú với thuốc TXA dưới dạng ống tiêm nhanh” - giáo sư Shakur-Still cho biết - “Mỗi quân nhân có thể trực tiếp tiêm thuốc giúp họ tự cầm máu trong tình huống nguy cấp. Một nghiên cứu sau đó của chúng tôi đã chứng minh TXA phát huy tác dụng rất tốt”. Bà cũng nói thêm, nếu được dùng rộng rãi ở bệnh viện khi cần điều trị các ca băng huyết, TXA hứa hẹn có thể “cứu sống hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm”.

Nỗi lo còn tồn tại

“Một mũi tiêm giúp cầm máu nhanh sẽ rất hữu dụng ở Pakistan” - đồng giám sát dự án nghiên cứu, giáo sư Rizwana Chaudhri của Đại học Shifa Tameer-e-Millat (Islamabad, Pakistan) - chia sẻ - “Một số sản phụ khi đang bị băng huyết khó có thể tiếp nhận thuốc bằng đường truyền tĩnh mạch, nên bất kỳ giải pháp nào khác ngăn lại tình trạng xuất huyết nghiêm trọng đều hữu ích với họ. Trong vài trường hợp, tiêm TXA là chọn lựa mang tính sống còn”.

“TXA có tác dụng nhanh nhưng cần được tiêm ngay cho người bệnh khi cơ thể vừa có dấu hiệu xuất huyết” – giáo sư Shakur-Still. (Ảnh: Saiyna Bashir/Wellcome Trust)
“TXA có tác dụng nhanh nhưng cần được tiêm ngay cho người bệnh khi cơ thể vừa có dấu hiệu xuất huyết” - giáo sư Shakur-Still - Ảnh: Saiyna Bashir/Wellcome Trust

Nghiên cứu cải thiện thuốc tiêm TXA đại diện cho vài bước tiến mới nổi bật trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn không ít lo ngại. Theo một báo cáo xoay quanh chủ đề bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em công bố gần đây bởi Liên hiệp quốc (LHQ), từ năm 2016-2020, chỉ có 31 quốc gia thể hiện nỗ lực đáng kể nhằm giảm thiểu tỉ lệ sản phụ tử vong thường niên. Tiến độ đang chững lại ở 133 quốc gia khác, và tại 17 quốc gia, tỉ lệ tử vong có dấu hiệu tăng lên. Những quốc gia có số lượng sản phụ tử vong nghiêm trọng nhất không tương đồng về vị trí địa lý lẫn tổng thu nhập quốc dân.

Nội dung báo cáo từ LHQ nhấn mạnh, “tiến độ bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em bị đình trệ hiện nay đang trực tiếp làm suy giảm quyền lợi chính đáng của phụ nữ”.

Khu vực với số liệu tử vong cao hàng đầu hầu hết thuộc nam Sahara (châu Phi) và Nam Á. Bên cạnh băng huyết, các tình trạng nhiễm trùng, biến chứng khi sinh, huyết áp cao và nạn nạo phá thai thiếu an toàn đều có thể dẫn đến tử vong ở sản phụ.  

Catherine Russell - Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ Unicef - bày tỏ: “Với hàng triệu gia đình, niềm vui đón chào đứa con vừa ra đời sẽ bị hủy hoại nếu người mẹ lâm vào cảnh nguy kịch. Phụ nữ không nên thấy sợ hãi cho sinh mạng của họ trong lúc hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, nhất là khi kiến thức y học hiện đại có thể hỗ trợ họ nhiều hơn”.

Giáo sư Shakur-Still cho rằng ngành y tế các nước cần làm tốt hơn nữa để phòng tránh tai biến sau sinh. “Ở Anh, giá 1 mũi tiêm TXA chỉ khoảng 1 bảng Anh nhưng với một số quốc gia có điều kiện y tế yếu kém như Nigeria, chi phí có thể bị đẩy lên cao do nhà phân phối. Tình huống này không nên tiếp diễn đối với một loại thuốc thiết yếu như TXA”.

“Mặt khác, hiện trạng thiếu máu thường thấy ở nhiều sản phụ tại các nước nghèo cũng cần được chú trọng cải thiện để phòng ngừa băng huyết từ sớm” - bà nói - “Nhìn toàn cảnh vấn đề, chúng ta không chỉ nên ra sức phổ biến TXA, mà còn phải chủ động "tháo gỡ" những rào cản khác còn tồn tại”.

Như Ý (theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI