Thơm ấm cơm nhà

19/12/2019 - 16:56

PNO - Tâm trạng của người nấu bình an, yêu thương sẽ tạo ra bữa cơm ngon miệng, và từ đó mang lại một bầu không khí đầm ấm cho gia đình.

Có cô bạn kia làm nghề đi… ăn thuê. Cô được giao nhiệm vụ ăn thật ngon lành trước mặt bà cụ đang chán ăn, để bà có cảm giác thèm ăn và chịu dùng bữa. Lần đó, bà cụ đã chấp nhận ăn cùng cô. Nhưng bà nói không phải vì bà thèm nhìn cô ăn, mà là thèm được… ăn cùng và trò chuyện thân tình cùng ai đó bên mâm cơm.

Cuộc sống hiện đại khiến không ít người xa rời gia đình của mình, như con cháu của bà cụ này, và bữa cơm nhà trở nên hiu quạnh.

Thom am com nha
Ảnh minh họa

Không ít phụ nữ vừa vất vả làm việc cơ quan, vừa một mình lo bữa cơm gia đình. Cảm giác mệt mỏi khiến mỗi khi ngồi vào bàn ăn, người phụ nữ chỉ ăn cho qua bữa chứ không còn cảm thấy thích thú thưởng thức hương vị món ăn nữa. Đó là chưa kể, có khi họ còn phải chịu đựng lời chê bai của chồng con. Một chị là giảng viên đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự cảm giác mệt mỏi rã rời trong những “ngày ấy” của phụ nữ, mà vẫn phải cặm cụi rửa chén bát, lau dọn bếp sau cả ngày làm việc ở giảng đường.

Có một cô giáo đã về hưu, cũng từng chịu cảnh đầu tắt mặt tối với công việc ở trường rồi về lo cơm nước, lại gặp ông chồng chẳng phụ giúp gì mà còn hay phàn nàn. Cô quyết định thay đổi bằng cách khéo léo nhờ cậy chồng giúp mình những việc rất đơn giản, vào những lúc ông vui vẻ. Rồi cô khen ngợi và khuyến khích ông giúp thêm việc này việc nọ. Kết quả là ông đã biết dọn cơm, rửa chén, cắt chanh ớt, gọt trái cây, hâm nóng thức ăn…

Một lần, ông hâm thức ăn bị cháy, nhưng cô vẫn động viên ông. Bên bàn ăn, ông tặc lưỡi nhận ra trước đây mình đã quá khắt khe với vợ, không thấu hiểu, hỗ trợ mà còn lên tiếng chê bai. Vì vậy, bữa cơm gia đình của đôi vợ chồng cao niên cùng con cháu giờ đây đã ấm áp, thân tình hơn. Họ dành thời gian dùng cơm với nhau để chia sẻ những câu chuyện vui trong ngày. Những cười đùa, khích lệ nhau bên mâm cơm khiến những bực bội riêng tư trong lòng mỗi thành viên cũng dần tan biến.

Thom am com nha
Ảnh minh họa

Anh Tú (Q.3, TP.HCM) kể rằng công việc của anh rất bận rộn, và lắm khi về muộn giờ cơm. Vợ phải cho các con ăn trước, nhưng vẫn đợi anh về ăn cùng. Thế là anh cố gắng tìm cách để có thể về sớm, cùng ăn cơm với gia đình. Anh để dành công việc cho hôm sau, hy sinh giờ nghỉ trưa hôm sau để hoàn tất nhiệm vụ.

Chị Hợp (Q.2) thì có kế hoạch luôn cho cả tháng. Chị sử dụng thật chính xác thời gian làm việc của mình, không tán gẫu, không facebook hay xem youtube trong giờ làm việc để hoàn thành công việc đúng giờ mỗi ngày, rồi về với gia đình. Khi công việc có phát sinh khiến chị về trễ, chị luôn gọi điện báo trước cho ông xã biết.

Những ngày công việc được hoàn tất sớm hơn, chị lại làm tiếp nhiệm vụ của hôm sau. Chị luôn giữ mối quan hệ thân tình với các đối tác của cơ quan, vì vậy khi có vấn đề phát sinh, đối tác cũng hiếm khi làm khó chị. Thế là chị có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn. 

Bữa cơm gia đình còn trở nên bổ dưỡng, ý nghĩa và chan chứa tình yêu thương khi người đứng bếp có những suy nghĩ yêu thương, tin cậy, khoan dung trong khi nấu nướng. Nhà khoa học Masaru Emoto nổi tiếng thế giới với nghiên cứu về việc suy nghĩ của con người tác động đến vật chất. Các nguyên vật liệu trong khi được nấu chín lại càng dễ hấp thụ làn sóng từ suy nghĩ của người nấu. Vì vậy, tâm trạng của người nấu bình an, yêu thương sẽ tạo ra bữa cơm ngon miệng, và từ đó mang lại một bầu không khí đầm ấm cho gia đình. 

Phương Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI