Thị trường đầu ra cho các ngành dệt may, da giày sẽ còn khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2020

02/07/2020 - 11:36

PNO - Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu bị đứt gãy. Sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn trong 6 tháng cuối năm.

Sáng nay 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát được dịch COVID-19 (đến nay đã 76 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý. Trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020 tại phiên họp trực tuyến Chính phủ sáng 2/7. Ảnh: Quốc Ngọc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020 tại phiên họp trực tuyến Chính phủ sáng 2/7 - Ảnh: Quốc Ngọc

“Đạt được điều này là nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, người dân và xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, ông Dũng nói.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia còn đang vật lộn với dịch bệnh và có mức tăng trưởng âm, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập niên qua nhưng là đáng ghi nhận. Việt Nam cũng nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, việc tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do bị đứt gãy thị trường xuất khẩu.

Thời gian hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6 do trước đó cả nước phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ; đến tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.

Nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn. "Thách thức trong 6 tháng cuối năm là rất nhiều, trong đó, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn" - ông Dũng cho hay.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI