Thế giới đối mặt đợt bùng phát COVID-19 mới

24/03/2021 - 13:39

PNO - Nhiều quốc gia trên thế giới đang chứng kiến đợt bùng phát COVID-19 mới dù đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Bên cạnh đó, việc hạn chế nguồn cung và giữ độc quyền sản xuất vắc-xin trở thành đề tài gây tranh cãi khi chúng góp phần kéo dài đại dịch.

Nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt làn sóng lây nhiễm mới khi tốc độ tiêm chủng vẫn còn hạn chế - Ảnh: AP
Nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt làn sóng lây nhiễm mới khi tốc độ tiêm chủng vẫn còn hạn chế - Ảnh: AP

Xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới 

Hôm 22/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng, Anh có thể sớm bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm thứ ba mà các nước châu Âu khác đang trải qua, bao gồm Pháp, Ý và Đức. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, 20 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) hiện có tỷ lệ dương tính tăng nhanh. 

Cách đây hai tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đạt được thỏa thuận với các thống đốc bang nhằm tái áp đặt hạn chế ở những khu vực có số ca nhiễm mới hằng tuần cao. “Phương châm chống dịch lúc này là tiêm chủng, tiêm chủng và tiêm chủng” - bà Merkel nói. Dù vậy, chỉ có 8,5% dân số Đức được tiêm liều vắc-xin đầu tiên, thua xa các nước như Anh và Mỹ. Hơn nữa, có những lo ngại rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp trong toàn khối EU có thể dẫn đến các biến thể mới với khả năng kháng vắc-xin.

Ở Mỹ, các ca nhiễm COVID-19 mới tăng 5% so với tuần trước. Trên toàn quốc, số ca mắc mới có xu hướng giảm kể từ tháng 1/2021 nhưng các cơ quan y tế cảnh báo rằng, tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng trở lại nếu Mỹ nới lỏng giãn cách xã hội quá nhanh. Nhiều biến thể COVID-19 đáng quan ngại cũng xuất hiện trên khắp đất nước.

Tại châu Á, hôm 21/3, Nhật Bản chính thức gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do COVID-19, được đưa ra hồi đầu tháng 1/2021. Tuy nhiên, mọi người vẫn thận trọng và cho biết, sẽ tiếp tục hạn chế ra ngoài để tránh bị nhiễm vi-rút. Trong khi đó, Philippines báo cáo, riêng ngày 22/3, có thêm 8.019 ca nhiễm COVID-19 mới. Nhà chức trách áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn ở khu vực thủ đô giữa lúc hệ thống bệnh viện gần chạm mức nguy cấp ở một số khu vực. 

Tranh cãi về nguồn cung và việc dùng vắc-xin

Theo báo cáo mới từ Quỹ Kaiser Family Foundation, chỉ 52% nhân viên y tế tuyến đầu của Mỹ - nhóm ưu tiên tiếp cận tiêm chủng - đã nhận liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên. Điều đó nghĩa là, 48% còn lại chưa được bảo vệ và dễ bị virus tấn công. Trong số những nhân viên y tế tuyến đầu chưa được tiêm chủng, 12% cho biết, họ vẫn chưa quyết định liệu có nên tiêm hay không; 18% khác cho biết, họ không định tiêm do lo ngại về tác dụng phụ. Sự e dè này khiến hàng triệu liều vắc-xin quý giá ở Mỹ vẫn đang nằm trong tủ lạnh, có nguy cơ hết hạn sử dụng.

chỉ 52% nhân viên y tế tuyến đầu của Mỹ - nhóm ưu tiên tiếp cận tiêm chủng - đã nhận liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên
Chỉ 52% nhân viên y tế tuyến đầu của Mỹ - nhóm ưu tiên tiếp cận tiêm chủng - đã nhận liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên

Ngược lại, ở châu Âu đang có cuộc đối đầu gay gắt về nguồn cung vắc-xin do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác sản xuất. Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - đe dọa, sẽ ngừng cấp phép xuất khẩu vắc-xin AstraZeneca từ các nhà máy ở châu Âu sang Anh và những nước khác nếu khối này không nhận được các đợt giao hàng như đã ký kết. Đáp lại, Anh cảnh báo rằng, động thái trên sẽ “phản tác dụng” và có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu.

Một lý do đáng buồn cho việc phân phối và sử dụng vắc-xin thiếu hợp lý trên toàn cầu chính là tình trạng độc quyền của các công ty dược phẩm. 90% trong tổng số khoảng 400 triệu liều vắc-xin được phân phối trên toàn cầu đến nay tập trung vào các quốc gia giàu có. Ngày càng có nhiều quan chức y tế và các nhóm vận động quốc tế kêu gọi chính phủ các nước phương Tây sử dụng quyền lực mạnh mẽ để buộc các công ty công bố công thức vắc-xin và tăng cường sản xuất. Thế nhưng, trong nhiều tháng, vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19. 

Các chuyên gia cảnh báo viễn cảnh hàng tỷ người phải chờ đợi nhiều năm để được tiêm chủng. Điều này gây ra mối đe dọa sức khỏe cho toàn cầu, bởi dù nhiều quốc gia đã tiêm chủng nhưng còn không ít quốc gia chưa thể tiếp cận vắc-xin. Trong khi đó, biến thể vi-rút có thể làm giảm tác dụng của vắc-xin, nghĩa là ngay cả những người được tiêm chủng cũng có khả năng mắc bệnh hoặc lây lan, sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải ở nhiều quốc gia.

 Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI