Thế giới đạt mốc 8 tỷ người, LHQ nói: Đừng hoảng sợ mà hãy tập trung vào phụ nữ và trẻ em

20/10/2022 - 14:37

PNO - Người đứng đầu UNFPA kêu gọi các quốc gia tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ, trẻ em và những người bị thiệt thòi dễ bị tổn thương nhất trước sự thay đổi nhân khẩu học.

 

Dân số thế giới dự kiến ​​sẽ đạt 8 tỷ vào tháng tới nhưng tốc độ tăng dân số toàn cầu đã giảm một nửa kể từ những năm 1960 xuống dưới 1%. Ảnh: AP
Dân số thế giới dự kiến ​​sẽ đạt 8 tỷ vào tháng tới nhưng tốc độ tăng dân số toàn cầu đã giảm một nửa kể từ những năm 1960, xuống dưới 1% - Ảnh: AP

Dân số toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt được cột mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11 tới. Con số này đã khiến nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng về tác động của nó đối với một thế giới vốn đang phải vật lộn với sự bất bình đẳng lớn, cuộc khủng hoảng khí hậu, lạm phát và di cư do xung đột và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tiến sĩ Natalia Kanem - Giám đốc điều hành của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) - kêu gọi các quốc gia không nên hoảng sợ mà thay vào đó tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ, trẻ em và những người bị thiệt thòi, những người dễ bị tổn thương nhất trước sự thay đổi nhân khẩu học. “Tôi nhận ra khoảnh khắc này có thể không được nhiều quốc gia chào đón hoặc ghi nhận làm kỷ niệm. Một số người bày tỏ lo ngại rằng thế giới của chúng ta đang quá đông dân, với quá nhiều người và không đủ nguồn lực để duy trì cuộc sống của họ. Nhưng với những thống kê và tư liệu tôi có ở đây, tôi có thể nói rõ ràng rằng số lượng này tuyệt đối không phải là lý do để sợ hãi”, bà nói.

Tiến sĩ Natalia Kanem nói rằng nếu các chính phủ chỉ tập trung vào các con số, họ có nguy cơ áp đặt các biện pháp kiểm soát dân số mà lịch sử cho thấy là không hiệu quả và thậm chí nguy hiểm. “Từ các chiến dịch cưỡng bức triệt sản đến các hạn chế về kế hoạch hóa gia đình và tránh thai khiến phụ nữ mất khả năng quyết định về cuộc sống của mình, về việc khi nào nên mang thai, sinh con. Tôi nghĩ báo động về dân số sẽ làm chúng ta phân tâm khỏi những thứ nhẽ ra chúng ta nên tập trung vào đó là môi trường, văn hóa, kinh tế và bình đẳng giới".

Do tỷ lệ sinh giảm, tốc độ gia tăng dân số trên toàn thế giới vốn đạt mức đỉnh kỷ lục chỉ hơn 2% một năm vào cuối những năm 1960, hiện đã giảm xuống dưới 1%.

Liên Hiệp Quốc ước tính, hiện khoảng 60% người dân sống ở các nước có mức sinh dưới trung bình. Theo ước tính, chỉ có 8 quốc gia trong đó có Nigeria, Ethiopia và Philippines được dự báo sẽ chiếm một mức tăng dân số vào năm 2050. Một trong những quốc gia này còn có Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt qua Trung Quốc từ năm tới và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Đây không phải là nguyên nhân gây ra sự sợ hãi. Trên thực tế, đối với cuộc khủng hoảng già hóa, chúng ta sẽ phải tìm kiếm các giải pháp bao gồm việc di cư hay của những người sẵn sàng giúp đỡ chăm sóc người cao tuổi... Việc tập trung vào phụ nữ, trẻ em và những người dễ tổn thương chắc chắn sẽ làm cuộc sống tốt đẹp hơn hơn là lo lắng bùng nổ dân số và đưa ra những quyết định cực đoan", bà nói.

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã báo động về tình trạng mất cân bằng dân số khi dân số già đi và tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ người mất. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... khuyến khích phụ nữ sinh con bằng nhiều cách. Thậm chí, đầu tháng này, tờ The Sun đưa tin rằng một bộ trưởng giấu tên của chính phủ Anh đã đưa ra ý tưởng khuyến khích sinh bằng cách cắt giảm thuế cho những phụ nữ sinh nhiều con hơn.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI