Thế giới đang trên đà ấm lên 2,4 độ C

10/11/2021 - 07:32

PNO - Nghiên cứu từ liên minh phân tích khí hậu hàng đầu thế giới trái ngược hẳn với sự lạc quan của các nước phát triển vào tuần trước.

Cơ quan giám sát theo dõi hoạt động khí hậu (CAT) cho biết thế giới đang trên đà ấm lên 2,4 độ C so với thời tiền công nghiệp, bất chấp những cam kết mới của các quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 ở Glasgow, Scotland.

CAT cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu vào năm 2030 sẽ vẫn cao gấp đôi mức cần thiết để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C - ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng giúp hành tinh có thể tránh những hậu quả xấu nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một cậu bé đi qua cánh đồng khô cằn ở miền đông Iraq, nơi phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt vào mùa hè và hạn hán trong năm nay. (Ảnh: AFP)
Một cậu bé đi qua cánh đồng khô cằn ở miền Đông Iraq, nơi phải hứng chịu đợt nắng nóng và hạn hán gay gắt vào mùa hè năm nay - Ảnh: AFP

Nếu mức nhiệt tăng trên 2 độ C sẽ kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng như mực nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và những cơn bão dữ dội gây ra sự tàn phá trên toàn cầu. Đồng thời, mức tăng nhiệt trên còn được ước tính khiến khoảng 1 tỷ người sẽ đối mặt với những nguy cơ bị căng thẳng do nhiệt độ cao.

Những dự báo này hoàn toàn trái ngược với những viễn cảnh lạc quan được công bố vào tuần trước, khi hàng loạt các cường quốc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050-2070.

Ông Bill Hare, Giám đốc điều hành của Climate Analytics, một trong những tổ chức đứng sau CAT, nói: Việc các nhà lãnh đạo tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ròng là điều rất tốt nhưng nếu họ không có kế hoạch làm cách nào đó để đạt được mục tiêu ấy vào năm 2030, thì cũng không thể ngăn chặn tác động của nhiệt độ tăng cao.

Bà Helen Mountford, Phó chủ tịch phụ trách khí hậu và kinh tế của Viện Tài nguyên Thế giới, chia sẻ có rất nhiều tuyên bố lớn nhưng không có thông tin chi tiết chính xác về thời gian và kế hoạch tại hội nghị COP26.

Hơn 130 quốc gia với hơn 85% diện tích rừng trên hành tinh cam kết sẽ chấm dứt, đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030, đây được coi là thỏa thuận lớn đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh COP26. Ngoài ra, trong một bước đột phá khác, đã có hơn 25 quốc gia ký kết thỏa thuận ngừng cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Minh Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI