Thế giới cần một hiệp ước y tế hậu đại dịch đủ mạnh

06/04/2021 - 21:13

PNO - Đại dịch COVID-19 làm bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng và chết người trong việc quản lý và hợp tác y tế toàn cầu, dẫn đến việc 25 nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi “nâng cấp” mạnh mẽ một hiệp ước chống đại dịch. Quy định Y tế Quốc tế (IHR) là hiệp ước y tế toàn cầu hiện hành của thế giới, nhưng ngay từ đầu đại dịch, các quy định này đã thất bại.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tham dự một cuộc họp báo hàng ngày về COVID-19 tại Geneva - Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tham dự một cuộc họp báo hàng ngày về COVID-19 tại Geneva - Ảnh: AFP/Getty Images

Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong đợt dịch SARS năm 2002-2003 đã khơi mào cho các cuộc cải tổ lớn IHR vào năm 2005. Nhưng khi bùng nổ COVID-19, Bắc Kinh vẫn trì hoãn nhiều tuần trước khi xác nhận sự bùng phát dịch bệnh. Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận việc virus lây truyền từ người sang người, mặc dù sự lây nhiễm trong cộng đồng ở mức đáng báo động.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn bất lực trong việc yêu cầu minh bạch hóa và xác nhận trách nhiệm, vì tổ chức này thiếu các công cụ để xác nhận dữ liệu một cách độc lập cũng như không thể hoạt động ở một quốc gia nếu không được cho phép.

Một hiệp ước hậu đại dịch hiệu quả và mạnh mẽ cần phải như thế nào? Cuộc họp báo chung giữa WHO và Hội đồng châu Âu (EC) vào tuần trước đã tranh luận về một hệ thống cảnh báo nhanh và có thể xác minh, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch, cải thiện chuỗi cung ứng vắc-xin và phương pháp điều trị, cũng như công bằng trong việc phân phối thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và các biện pháp đối phó y tế. Hiệp ước nên bao gồm nhiều hơn như thế.

Đầu tiên, WHO cần có quyền để xác minh độc lập báo cáo chính thức của các nhà nước, và tổ chức này “cần phải trung thực” trong việc cảnh báo thế giới khi một số quốc gia không hành động có trách nhiệm và minh bạch. Một mô hình tốt có thể là chế độ kiểm tra và cảnh báo hiện đang tồn tại đối với việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thời kỳ đầu của đại dịch, các quốc gia đã phải vật lộn để mua các nguồn lực y tế cứu sinh như bộ xét nghiệm, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và máy thở - cũng giống như các quốc gia hiện đang vật lộn để mua vắc-xin. Thế giới cần một hệ thống để tăng cường cung cấp các biện pháp đối phó y tế cứu người, và làm như vậy một cách công bằng. Điều này bao gồm việc các quốc gia làm việc cùng nhau để nâng cao năng lực và đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, chuyển giao công nghệ để các quốc gia có thể tự sản xuất nguồn lực y tế và đình chỉ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ nhằm giữ bí mật thông tin quan trọng. Hệ thống mới yêu cầu chia sẻ cởi mở thông tin khoa học, mẫu virus và dữ liệu giải trình tự bộ gen. Các nền tảng chia sẻ thông tin sẽ bao gồm từ nghiên cứu đến phát triển, và các bài học thực tế. Cuộc chiến chống đại dịch sau đó sẽ là hợp tác toàn cầu chứ không phải sự cạnh tranh về giá cả.

Nhân viên tuyến đầu ở Ấn Độ chờ đợi để được tiêm vắc-xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở New Delhi - Ảnh: AFP/Getty Images
Nhân viên tuyến đầu ở Ấn Độ chờ đợi để được tiêm vắc-xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở New Delhi - Ảnh: AFP/Getty Images

IHR yêu cầu mọi quốc gia phải phát triển “năng lực cốt lõi của hệ thống y tế”, nhưng rất ít quốc gia làm được như vậy. Hệ thống y tế yêu cầu các phòng thí nghiệm, giám sát (bao gồm cả giám sát gen để nghiên cứu các đột biến của virus), hệ thống dữ liệu và nhân viên y tế. Các quy định cũng yêu cầu các nước giàu tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống y tế các nước đang phát triển, nhưng hầu như không ai đã làm điều đó.

Hoa Kỳ từng có ý tưởng tốt nhất thông qua Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu dưới thời chính quyền Obama, nhưng kinh phí tài trợ vẫn không đủ. Hiệp ước về đại dịch cần thiết lập các yêu cầu tài trợ cụ thể, cả đầu tư trong nước để chuẩn bị cho đại dịch và hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật quốc tế. Trong tương lai, Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) có thể tăng cường sự đánh giá bắt buộc các quốc gia thành viên đối với hội phí thành viên của WHO, khoản tiền được dành cho việc xây dựng năng lực cốt lõi của hệ thống y tế.

Những người thúc đẩy hiệp ước đại dịch nhận thấy sự cần thiết của cách tiếp cận “một sức khỏe”, dựa trên mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường. Báo cáo về nguồn gốc SARS-CoV-2 liệt kê một bước nhảy tự nhiên từ động vật sang người có thể là nguyên nhân của đại dịch. Khoảng 70% tất cả các bệnh mới bắt đầu bằng một bước nhảy từ động vật sang người như vậy. Hiệp ước có thể loại bỏ dần việc mua bán hoặc buôn lậu động vật hoang dã, quy định chặt chẽ về các chợ bán hàng tươi sống. Nó có thể đặt ra các tiêu chuẩn về quản lý đất đai và phá rừng, giúp động vật và con người tiếp xúc ngày càng chặt chẽ hơn.

Sẽ khó có cơ chế thực thi phù hợp cho một hiệp ước rộng rãi, táo bạo như vậy, nhưng cộng đồng quốc tế có thể xem xét một loạt các cơ chế thực thi hiện hữu trong các hiệp ước và các quy định khác.

Thanh Hải (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI