Thấy gì từ hiện tượng ‘Ghen cô Vy’?

04/03/2020 - 15:29

PNO - ‘Ghen cô Vy’ được truyền thông, dư luận quốc tế chú ý trong những ngày qua. Sự đón nhận này cho thấy, khi âm nhạc khai thác đề tài xã hội, thời sự vẫn thu hút khán giả nếu biết làm cho hay.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đang được cộng đồng, truyền thông quốc tế nhắc nhiều trong những ngày qua, với ca khúc Ghen cô Vy

Bài hát được viết lời mới dựa trên giai điệu của ca khúc Ghen ra mắt năm 2017, do Min và Erik trình bày. Dự án này được thực hiện bởi Viện Sức khỏe, Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế. Ngay trong ngày ra mắt, Ghen cô Vy đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ người dân trong nước.

Ca khúc Ghen cô Vy đang được truyền thông, dư luận quốc tế chú ý trong vài ngày qua
Ca khúc Ghen cô Vy đang được truyền thông, dư luận quốc tế chú ý trong những ngày qua

Ca khúc Ghen cô Vy - Erik, Min:

Hiện tại, sức lan toả của sáng tác này đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Tạp chí Billboard đưa tin về Ghen cô Vy kèm theo lời khen “bắt tai một cách kỳ lạ”. Tạp chí cũng đánh giá ca khúc này đã góp phần hiệu quả vào chiến dịch truyền thông của Việt Nam trong việc ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, ca khúc này cũng được nhắc đến trong chương trình Last week tonight with John Oliver của HBO hôm 1/3. MC chương trình - nam diễn viên hài John Oliver bình luận đầy phấn khích: “Tuyệt! Tuyệt! Tuyệt!... Việt Nam đã làm hẳn một bài hát để khuyến khích người dân rửa tay thường xuyên nhằm phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, giai điệu còn rất hay, rất “bốc” nữa chứ”.

Theo sau ca khúc, trào lưu nhảy múa mang tên Thử thách Ghen cô Vy (Gecovychallenge) cũng ra đời, được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Trong đó, video của vũ công Quang Đăng đang được chú ý. UNICEF đã chia sẻ lại đoạn clip này kèm theo lời nhắc nhở mọi người rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh để ngăn ngừa virus.

Nhiều khán giả quốc tế cũng bày tỏ sự thích thú, bất ngờ với Ghen cô Vy. Nhạc phẩm đã thành công hơn mong đợi. Vượt ra khỏi mục tiêu tuyên truyền ban đầu, ca khúc đã có sức sống thật sự trong lòng công chúng.

Thử thách Ghen cô Vy đang gây sốt trên mạng xã hội
Thử thách Ghen cô Vy đang gây sốt trên mạng xã hội

Từ khi dịch bệnh do virus SARS-Cov-2 bùng phát, nhiều nhạc phẩm khai thác đề tài về COVID -19 cũng ra đời, nhưng chỉ được chú ý một thời gian ngắn (do tính thời sự) và trôi vào quên lãng, bởi nhiều nguyên nhân: ca từ không hay, giai điệu không bắt tai, quan trọng nhất là chưa chạm đến cảm xúc của người nghe. Thậm chí, có sáng tác còn trở thành chủ đề giễu nhại trên mạng xã hội khi ca từ sáo rỗng, giai điệu cũ kỹ. 

Những ca khúc thuộc nhóm này thường không mang tính cạnh tranh cao, như nhạc thị trường. Vì thế, có trường hợp nhạc phẩm ra đời không được đầu tư, chăm chút kỹ. Đó cũng là những tồn tại trong nhiều năm qua của mảng âm nhạc về đề tài xã hội, thời sự nói chung. 

Trong thực trạng chung đó, Ghen cô Vy ra đời, mang đến một luồng gió mới, hợp thời. Tựa đề ca khúc gần gũi, nhưng đủ kích thích sự tò mò của khán giả. Lời bài hát dễ thuộc, lồng ghép tốt thông tin về dịch bệnh, cách phòng, chống virus, vệ sinh cơ thể ra sao để tránh lây nhiễm… giúp người nghe cảm thấy thoải mái, không nặng nề, giáo điều.

Đặc biệt, giai điệu trẻ trung của ca khúc là yếu tố ăn điểm. Billboard nhận xét giai điệu của ca khúc khiến người nghe phải lẩm nhẩm trong đầu tới vài ngày.

Đề tài xã hội, thời sự vẫn là vùng đất khó để âm nhạc khai thác so với những chủ đề như tình yêu, tình bạn, gia đình... Có nhiều nguyên nhân tạo nên cái khó này: thời gian có hạn, người viết phải nắm rõ vấn đề, cân bằng giữa thông tin đơn thuần và cảm xúc... Nhưng, điều đó không có nghĩa chúng không thể thu hút, nếu biết cách làm cho hay. Ghen cô Vy là một ví dụ điển hình. 

15 năm trước, Đứa bé của nhạc sĩ Minh Khang ra đời, đến nay vẫn còn được yêu thích. Đây cũng là sáng tác hiếm hoi về chủ đề xã hội gây sốt trên khắp các website âm nhạc. Thành công của ca khúc này không nằm ngoài 3 từ khoá: ca từ, giai điệu, cảm xúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Chúng ta không thể buộc khán giả phải như thế này, nên như thế kia, hoặc phải vận động họ nghe nhạc như thế nào. Âm nhạc phụ thuộc vào cảm xúc, và điều này không thể điều khiển được. Có chăng, từ khởi nguồn, nhạc sĩ phải viết thật tốt mới có khả năng giúp ca khúc chạm đến trái tim người nghe”.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI