Thất lạc danh tính tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2: “Tín đồ mà không hiểu giáo lý, dễ thành nô lệ”

07/09/2020 - 08:21

PNO - Đó là chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng xung quanh câu chuyện thất lạc danh tính tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Tới hết ngày 6/9, những người có tro cốt thân nhân bị thất lạc tại đây vẫn chưa hết hoang mang, lo lắng, và những phương án giải quyết đưa ra vẫn chưa “xoa dịu” được “cú sốc” này.

Phóng viên: Khi được hỏi về việc gửi tro cốt vào chùa, trả lời báo chí, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng đây là vấn đề độ sinh tại chùa, là việc đương nhiên. Xin hỏi ông, dưới góc độ văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng, có phải là “đương nhiên” không? 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Trước thì không nói, nhưng ở miền Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước trở đi, các chùa thường thờ Quan âm (để độ sinh: giúp cho sự an lạc) một bên và Địa tạng Bồ tát (để độ tử: cứu rỗi những vong hồn người chết được siêu thoát) một bên. Vì thế, trong câu chuyện gửi tro cốt của người đã mất, nói là độ tử mới chính xác. 

Nhưng ở đây có một vấn đề cần làm rõ, theo giáo lý nhà Phật chính thống, không ai “độ” được hết. Đó là lý do lâu nay, nhiều người tu theo hướng này phản đối chuyện gửi tro cốt vào chùa. Theo đó, cái nghiệp của con người dù có chết đi thì cũng tái sinh cho cái nghiệp đó. Vì thế, không ai có thể can thiệp vào việc tái sinh đó cả. Đạo Phật trụ vào tự lực, không dựa vào thân lực, nên nghiệp của người nào thì tự người đó chịu trách nhiệm.

* Nhưng vì sao, lâu nay, việc gửi tro cốt vào chùa được xem như một tục lệ, một truyền thống văn hóa ở ta?

- Người Việt lâu nay vẫn quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ”, mồ mả được xem là một đối tượng quan trọng, gắn với chế độ tông tộc, dòng dõi; vì thế, đào mồ cuốc mả, động đến mồ mả người khác là điều đặc biệt tối kỵ. Nếu xưa kia, người dân chủ yếu chọn hình thức địa táng thì cùng với quá trình đô thị hóa, vốn đất cạn dần, hình thức hỏa táng đang được nhiều người lựa chọn. Rất nhiều người cho rằng, các hũ cốt được gửi vào tháp hài cốt hoặc người chết được chôn trong đất chùa, hằng ngày sẽ được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát.  

Quan sát các nước/dân tộc có ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, họ cũng hỏa táng nhiều. Ví dụ, người Khmer cũng xây tháp xung quanh chùa rồi đặt hũ cốt của người quá cố vào đó. Tuy nhiên, quan điểm về tang lễ không giống ở ta. Ngày xưa, nhà nào nghèo thì bỏ cốt vô gáo dừa, không thì lấy vải trắng gói lại, rồi bỏ vào tháp cốt. Bỏ vô đó là xong. Sau vài năm, hỏi hũ cốt này của ai, họ không biết. 

Người Việt nhập nhằng ở chỗ, coi sự tử như sự tồn, vì đạo hiếu nên thờ ông bà, cha mẹ, quan trọng chuyện mồ mả, dòng tộc nên hũ cốt đem thờ trong chùa. Hiện nay, bên cạnh địa táng hoặc hỏa thiêu rồi gửi tro cốt vào chùa, cũng đang có xu hướng rải cốt xuống sông, ra biển. Tôi thấy, điều này cũng phù hợp với quan điểm của đạo Phật, nghĩa là, sau khi chết, con người được tái sinh, chuyển đến cõi khác, kiếp khác, không bám víu vào cốt hay bất cứ gì.

Tro cốt không quan trọng nữa. Cát bụi thì về với cát bụi. Việc giữ lại tro cốt chỉ có nghĩa về mặt tình cảm, cảm xúc. Tuy nhiên, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Việc gửi hay không gửi vào chùa, phải tùy vào nhận thức của mỗi người. 

* Ở đây, rõ ràng, giáo lý đạo Phật và cách người ta thực hành nó đang mâu thuẫn nhau. Có hay không màu sắc của mê tín dị đoan, thưa ông?   

- Rất khó để nói đó có phải là mê tín dị đoan hay không. Một câu chuyện như vậy, có thể được diễn ngôn bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo thầy, theo chùa. Nhưng với cá nhân tôi, tôi thấy, để tro cốt kiểu đó, cũng đồng nghĩa với việc người ta cho rằng linh hồn bất tử; trong khi, như đã nói ở trên, theo triết lý đạo Phật, con người khi chết đi cũng đồng thời đã xác lập ở một cõi sống khác, giữa người sống và người chết tương đối dễ chịu, rạch ròi. Việc giữ tro cốt cúng kiếng, bày ra đủ thứ lễ nghi khiến tôi có cảm giác chúng ta đang phủ lên đời sống tâm linh một chiếc khăn trùm lê thê, nặng nề.   

Thầy Giác Nguyên có nói một ý mà tôi cũng đồng tình khi liên hệ với câu chuyện chùa Kỳ Quang 2, đại khái, tín đồ mà không hiểu giáo lý nhà Phật đúng đắn thì dễ trở thành một kẻ nô lệ của sư sãi hoặc bị người khác dễ bề lợi dụng. Vì thế, khi ai đó diễn ngôn bằng nhiều cách để đẩy vô chánh tín, hoặc mê tín (vốn ranh giới tương đối mong manh), nếu có trình độ, nhận thức, câu chuyện sẽ khác. Không có đạo nào hiện sinh bằng đạo Phật. Chánh niệm ở đây, ngay lúc này và bây giờ. 

Rất đông người dân tìm đến chùa Kỳ Quang 2 khi có thông tin thất lạc tro cốt
Rất đông người dân tìm đến chùa Kỳ Quang 2 khi có thông tin thất lạc tro cốt

* Xung quanh lùm xùm thất lạc tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2, không ít người dân chia sẻ, tro cốt người thân của họ được gửi ở đây với một cái giá không hề nhỏ. Hay như ở chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM), chi phí gửi tro cốt “nhảy” theo thời gian, cách đây 5-6 năm là 10 triệu đồng; hiện là 15 triệu đồng (theo chia sẻ của thượng tọa Thích Thanh Lực, trưởng ban điều hành tháp cốt chùa Vĩnh Nghiêm ngày 6/9 trên báo chí). Xin hỏi ông, ngày xưa, việc gửi tro cốt vào chùa có mất tiền không? 

- Hoạt động dịch vụ cho người chết đem lại một nguồn lợi để nuôi sống thầy chùa, là mối dây gắn kết những người đó với chùa thông qua cúng tế, lễ lạc… Ngoài màu sắc tâm linh, còn có màu thế tục nữa. Có những chùa “giàu” lên nhờ dịch vụ này.

Trước đây, tín đồ muốn xin đưa cốt vào chùa, chỉ cần cúng dường chút đỉnh, theo kiểu tự nguyện, không trở thành một giá trị định lượng. Bây giờ, việc gửi tro cốt cũng như một loại dịch vụ, đều có giá hết. Trước, tiền bạc cũng quan trọng nhưng người ta đặt vấn đề đạo nghĩa, tình cảm lên trên, chứ không có chuyện trao đổi sòng phẳng như bây giờ. Đó là biểu hiện cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt là ở thời kinh tế hàng hóa, mọi thứ đều trở thành một món hàng thuận mua vừa bán. Ở đây, điều đó tiến bộ hay không, tôi không bàn. 

* Xin cảm ơn ông. 

Đậu Dung (thực hiện)

Cần xem xét lại  việc “tâm linh phải mất tiền”

Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật Việt Nam bảo vệ và xem đó như một thứ tốt đẹp, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong thời gian qua, xuất hiện một số biến tướng trong hoạt động quản lý tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi, khiến người dân có cảm giác rằng đang có hiện tượng trục lợi ở những cơ sở thờ tự linh thiêng. 

Tôi cho rằng, đây là một vấn đề cần suy nghĩ, xem xét, để người dân nói chung, cũng như những người thực hành tín ngưỡng tôn giáo nói riêng, không có cảm giác bị lừa gạt. Từ câu chuyện ồn ào tại chùa Kỳ Quang 2, chúng ta cũng cần xem xét, rà lại tất cả những hoạt động tâm linh mà phải mất tiền trên cả nước. Trước đó, có không ít người dân và có cả đại biểu quốc hội cũng đã đặt ra vấn đề này.

Lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo là một vấn đề hết sức tế nhị, liên quan tới nhiều vấn đề về dân tộc, tôn giáo, bình đẳng, tự do tôn giáo, cơ quan chức năng phải thận trọng. Tất nhiên, muốn làm rõ, cần phải tìm hiểu, kiểm tra một cách rõ ràng. Nên có bên thứ ba, cụ thể là cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xác minh, để trả lời cho công luận. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp 

 

 


Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI