Già mới phải vui!

Thạc sĩ Huỳnh Minh Hiền: Hãy mừng khi thấy bà mình còn trang điểm

01/06/2021 - 06:15

PNO - Người cao tuổi và những câu chuyện từ trong nhà ra ngoài xã hội luôn là đề tài không bao giờ cũ. Những quy định về văn hóa, về nếp sống; những định kiến… đôi khi khiến tuổi già là khoảng thời gian không đáng để chờ đợi trong đời. Làm sao để vui, để thong dong luôn là một câu hỏi tu từ thật lớn…

Chúng tôi đã trò chuyện về vấn đề này với thạc sĩ Huỳnh Minh Hiền - Phó trưởng bộ môn công tác xã hội Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á Trường đại học Mở TP.HCM. Ông tốt nghiệp Đại học Tohoku Fukushi, Sendai, Nhật Bản chuyên ngành công tác xã hội với người cao tuổi. 


Phóng viên: Chuyện về người cao tuổi là một đề tài thật sự không có giới hạn. Thế nhưng tôi đang bận tâm ở góc độ làm thế nào để họ có thể sống vui, sống không cô đơn như thực trạng chúng ta vẫn nhìn thấy ở rất nhiều người già xung quanh mình?

Thạc sĩ Huỳnh Minh Hiền: Theo tôi, việc sống an vui tuổi già còn phụ thuộc vào quan niệm hạnh phúc của mỗi cá nhân. Nhiều người cao tuổi có lối suy nghĩ hiện đại, họ đề cao tính độc lập cá nhân. Ngược lại, có nhiều người hy sinh sự độc lập đó để sống gần và đồng nhất ý muốn của cá nhân với con cháu.

Có quan niệm cho là về già phải sống cùng con cháu mới tốt. Tuy nhiên, việc sống chung hay riêng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vào nhận thức, ý thức và sự lựa chọn cá nhân mỗi người. 

Sống độc lập ở người cao tuổi cần có những điều kiện liên quan đến kinh tế, không gian sống, sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội.

Nhiều gia đình không chú ý đến điều kiện về không gian sống của người cao tuổi - điều kiện hết sức quan trọng để hỗ trợ người cao tuổi có được cuộc sống độc lập. Không gian sống quen thuộc, có sự riêng tư nhất định tại nhà sẽ giúp người cao tuổi yên tâm và thúc đẩy họ thực hiện những hoạt động sinh hoạt hằng ngày tốt nhất. 

Bên cạnh đó, cần chú ý đến quan niệm về hạnh phúc cũng như yếu tố tâm linh, tôn giáo ở người cao tuổi. Tâm linh và tôn giáo có sức mạnh hỗ trợ cá nhân người cao tuổi phát triển chiến lược đối phó với những khó khăn như mất mát, bệnh tật… Thường xuyên giao tiếp với bạn bè có cùng niềm tin sẽ giúp người cao tuổi có cơ hội duy trì, phát triển mối quan hệ xã hội.

* Giữa người cao tuổi nam và nữ có sự khác biệt nào, thưa ông?

- Hiện tại, số lượng người cao tuổi là nữ nhiều hơn 1,5 lần so với người cao tuổi là nam do cấu trúc sinh học của nữ khỏe hơn nam, dẫn đến tuổi thọ trung bình nữ giới cũng cao hơn. Chính vì họ sống lâu hơn nên có nhiều vấn đề về sống độc lập hơn nam.

Nam giới, do tuổi thọ ngắn hơn, nên ít có nguy cơ sống cô độc cũng như nguy cơ mắc những bệnh mạn tính cuối đời. Thời gian của người vợ đi làm thường ngắn hơn người chồng nhưng người vợ lại sống lâu hơn, đưa đến nguy cơ sống chật vật về tài chính của phụ nữ khi về già sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi còn đối diện với nguy cơ ở góa cao hơn, nguy cơ bệnh tật không người chăm sóc nhiều hơn… Vì vậy, trong những khu điều trị cho người cao tuổi, số bệnh nhân nữ luôn nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, có sự khác biệt lớn về đặc điểm, về tâm linh và tôn giáo ở nam và nữ. Phụ nữ thường tham gia vào hoạt động tâm linh, tôn giáo nhiều hơn nam ở bất cứ thời điểm nào của cuộc đời. Ảnh hưởng của tôn giáo đối với phụ nữ càng nhiều hơn khi họ càng cao tuổi.

* Nếu vẫn giữ nếp suy nghĩ cũ như phải ở với con cháu, rồi cô đơn, vô dụng trong chính nhà mình… cảm giác phụ thuộc vào gia đình về tài chính, sự chăm sóc là một trong những điều khó khăn đối với người cao tuổi. Có giải pháp gì không, thưa ông?

- Tôi nghiên cứu về người cao tuổi và các chính sách liên quan tại Nhật Bản - nơi có dân số già cao nhất thế giới (hiện hơn 28%).

Ở đây, chúng ta tạm không nói về an sinh xã hội do sự phát triển của mỗi quốc gia khác nhau. Thế nhưng, tôi cực kỳ thích cách người Nhật và một số nước phát triển triển khai chế độ “bảo hiểm chăm sóc”. Tôi chuẩn bị trình bày một nghiên cứu về vấn đề này tại Trường đại học Mở TP.HCM nơi tôi đang công tác.

Đã đến lúc chúng ta cần bắt đầu nghĩ đến loại bảo hiểm này. Nếu có, sẽ hạn chế được cảnh những người cao tuổi không nơi nương tựa, không người chăm sóc hoặc vào trung tâm chăm sóc của xã hội với tâm thế là người chờ sự giúp đỡ của xã hội.

Bảo hiểm chăm sóc buộc người dân phải tham gia khi chúng ta ngoài 40 tuổi, nó quan trọng cho mọi người. Khi đến tuổi cần có một người chăm sóc bên cạnh, bảo hiểm này sẽ có tác dụng.

Người cao tuổi sẽ sử dụng tiền của quỹ bảo hiểm này để sửa chữa nhà, mua dụng cụ hỗ trợ, trả tiền thuê người chăm sóc, sử dụng dịch vụ chăm sóc tại trung tâm chăm sóc theo giờ, theo ngày, theo tuần… và có quyền lựa chọn trung tâm cung cấp dạng dịch vụ mình cần.

Thử hình dung, nếu những người cao tuổi xung quanh chúng ta có một dịch vụ thế này, hẳn họ sẽ an tâm mà vui sống và bớt phải tự xoay trở, cảm thấy quá khó khăn khi tuổi già ập đến. 

Có một vấn đề chúng ta cần phải cập nhật là tuổi thọ bình quân của nước ta khá cao so với các nước trong khu vực: nam bình quân 71 tuổi, nữ bình quân 79 tuổi.

Song, có một nghịch lý là người Việt dù tuổi thọ cao nhưng tuổi sức khỏe lại thấp hơn các nước khác. Tuổi sức khỏe của người Việt chúng ta chỉ 68 - độ tuổi cần phải có một người chăm sóc mới có thể sinh hoạt được.

Trong khi đó, tuổi sức khỏe của người Nhật là 76. Họ vẫn sống khỏe ở độ tuổi mà người Việt chúng ta đã đến giai đoạn cuối của cuộc đời. Tuy nhiên, việc sống quá thọ đã ảnh hưởng rất lớn đến cả vấn đề tài chính của quỹ an sinh tại Nhật Bản và buộc họ phải có những giải pháp duy trì nguồn quỹ, ví dụ tăng tuổi hưu.

* Các loại hình giải trí ở người cao tuổi nông thôn, thành thị dường như vẫn có sự khác biệt? 

- Chắc chắn có sự khác biệt nhiều, thậm chí nhiều người cho rằng người cao tuổi ở nông thôn có cuộc sống ít nhàm chán hơn người cao tuổi thành thị. Tôi không cho là vậy.

Xét về tuổi thọ, người cao tuổi thành thị có điều kiện để sống thọ hơn. Cách sống, cách giải trí, mạng lưới xã hội… của người cao tuổi nông thôn và thành thị khác nhau và điều kiện thể chất, kinh tế… cũng khác nhau. Hơn nữa, quan niệm về hạnh phúc của cá nhân là khác nhau nên các hoạt động như giao tiếp xã hội, giải trí, tiếp cận thông tin… hoàn toàn khác nhau.

* Và một câu hỏi tế nhị nữa về tình dục của người cao tuổi - câu chuyện rất thực tế…

- Có một định kiến rất buồn cười là chúng ta cứ mặc nhiên cho rằng việc quan hệ tình dục không dành cho người cao tuổi. Không được phủ nhận nhu cầu này của người cao tuổi. Vấn đề tình dục của người cao tuổi nên được nhìn nhận một cách hết sức tôn trọng và hãy cho đó là điều bình thường.

Ai cũng cần được yêu thương, chăm sóc. Được yêu thương, được chăm sóc sẽ giúp con người quý trọng bản thân mình hơn và chăm sóc cho bản thân nhiều hơn.

Trên thực tế, thực hiện hay không thực hiện hành vi tình dục hoàn toàn không phải là vấn đề về hành vi mà cần nhìn nhận nó có ý nghĩa như thế nào đối với người đó mà thôi. Hễ nhắc tới đề tài này, mọi người hay quan niệm “già mà còn bày đặt”.

Nhìn chung, xã hội có những áp đặt cho người cao tuổi rất lạ, ví dụ như người già phải mặc đồ màu tối, không hoa văn lòe loẹt. Tôi cho rằng việc cưỡng đoạt điều người ta thích và ép người ta chọn điều họ không thích là hoàn toàn không phù hợp.

Chẳng hạn như có một cụ bà thích màu hồng, mà con cái cứ mua cho bà đồ màu nâu đen có phải là việc làm tàn nhẫn hay không? Không nên yêu cầu họ hy sinh mà ngược lại cần đáp ứng đúng nhu cầu, sở thích của người cao tuổi để tạo cho họ một tuổi già nhiều năng lượng và khỏe mạnh.

Một ví dụ khác, một số gia đình không thích, thậm chí cấm người cao tuổi trang điểm vì đôi khi họ tô trắng quá, đỏ quá… Tuy nhiên, nhận biết màu sắc của người cao tuổi có khác do thị lực khác, nên họ nhìn cái đẹp cũng khác. Hãy mừng khi thấy bà mình vẫn có nhu cầu trang điểm vì điều đó chứng tỏ bà vẫn còn rất quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân.

Hãy để ý khi người cao tuổi trang điểm, để trang điểm được đòi hỏi các giác quan của họ phối hợp rất tốt. Đây là một bài tập thể dục tuyệt vời để ổn định huyết áp, duy trì khả năng của các giác quan, sự thăng bằng… Con cháu hãy có một cái nhìn khác về vấn đề làm đẹp, tình dục của người cao tuổi trong gia đình để họ có được niềm vui trong cuộc sống. 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Tạ Khánh Tâm (thực hiện)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gánh nặng “bệnh tật kép”

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 12% dân số, trong đó khoảng 1,98 triệu người trên 80 tuổi, gần 4,8 triệu NCT là nam, gần 7,7 triệu NCT sống ở nông thôn. 

Ngân sách Nhà nước đã bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng, 12,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế.

So với khu vực và trên thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng đều trong các năm gần đây và đạt 73,6 tuổi (năm 2019).

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa rất nhanh. Năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng số dân (khoảng 6,2 triệu người); năm 2019, tỷ lệ nhóm dân số cao tuổi này tăng lên 7,7% (7,4 triệu người) và dự báo sẽ tăng lên 19,5 triệu người (gần 18%) vào năm 2049.

Tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi khỏe mạnh của người dân Việt Nam phần lớn chỉ đạt đến 63,2. Như vậy, tỷ lệ sống chung với bệnh tật của NCT ở nước ta trung bình khoảng 10 năm, tương đối cao so với một số nước trong khu vực.

Nguyên nhân chính của tình trạng tuổi khỏe mạnh thấp là do NCT Việt Nam có số năm mắc bệnh ở tuổi già nhiều hơn các nước trong khu vực với gần 46% số NCT được chẩn đoán có bệnh cao huyết áp; 34% được chẩn đoán viêm khớp và một số bệnh khác như tim mạch, viêm phế quản hoặc phổi mạn tính.

NCT Việt Nam thường mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, đột quỵ, mạch vành, đái tháo đường và suy giảm trí nhớ; nhất là gánh nặng “bệnh tật kép” khi bình quân mỗi NCT có ba bệnh nền.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI