Tê giác mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm

26/01/2024 - 09:00

PNO - Lần mang thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm của loài tê giác trắng phương Bắc có thể cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

 

Nhân viên Cơ quan Dịch vụ Động vật hoang dã Kenya với bào thai tê giác tại Khu bảo tồn Ol Pejeta, kết quả của ca cấy ghép thành công đầu tiên vào một con tê giác trắng. Ảnh: Ami Vitale
Nhân viên Cơ quan Dịch vụ động vật hoang dã Kenya với bào thai tê giác tại Khu bảo tồn Ol Pejeta, kết quả của ca cấy ghép thành công đầu tiên. Ảnh: Ami Vitale

Từ lâu, các nhà động vật học đã cảnh báo nguy cơ loài tê giác trắng phương Bắc bị tuyệt chủng. Để có thể cứu tê giác khỏi bờ vực tuyệt chủng, các nhà khoa học đã thực hiện những ca thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước đó, để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng các loài tê giác, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ BioRescue – một tập đoàn được chính phủ Đức hỗ trợ đã thực hiện ca chuyển phôi thành công đầu tiên ở loài tê giác trắng phương Nam hồi năm 2023, nhưng con tê giác mang thai đã chết vì nhiễm vi rút.

Tuy nhiên, với thành công ban đầu từ loài tê giác trắng phương Nam, các nhà khoa học đã tiếp tục kỹ thuật này để sử dụng cho các loài tê giác trắng phương Bắc quý hiếm hơn. Bởi sau khi con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng (tên là Sudan) đã qua đời vào năm 2018, sự biến mất của loài này ở mức báo động. Thế giới chỉ còn lại hai con tê giác trắng phương Bắc cái vô sinh (tên là Fatu và Najin) và đang được bảo vệ tại một khu bảo tồn ở Kenya. 

Thomas Hildebrandt, người đứng đầu dự án BioRescue, cầm phôi tê giác cùng với những người còn lại trong nhóm, ngày 29 tháng 11 năm 2023. Ảnh: JonJuarez/BioRescue
Thomas Hildebrandt, người đứng đầu dự án BioRescue, cầm phôi tê giác cùng với những người còn lại trong nhóm, ngày 29/11 /2023. Ảnh: JonJuarez/BioRescue

Để thực hiện phương pháp thụ tinh, các nhà khoa học sử dụng tinh trùng thu thập từ 2 con đực đã chết và trứng của con Fatu. 

Thomas Hildebrandt, người đứng đầu dự án BioRescue và là giáo sư tại Viện nghiên cứu động vật hoang dã và vườn thú Leibniz, cho biết kỹ thuật này là một bước quan trọng trong việc cứu loài tê giác trắng phương Bắc.

Ông nói rằng quá trình thực hiện trên tê giác là một bước đột phá lớn. “Thực hiện IVF cho con người cũng đã phức tạp. Chúng tôi đang làm việc với một loài động vật có vú nặng hai tấn rưỡi”.

Đến tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, các nhà khoa học dự định cấy phôi tê giác trắng phương Bắc đầu tiên. Phôi này sẽ được một con tê giác trắng phương Nam "mang thai hộ" ở Kenya. 

Phôi tê giác trắng sẽ được tiêm qua hậu môn. Nếu quá trình mang thai 16 tháng thành công, đây sẽ là con tê giác trắng phương Bắc đầu tiên được sinh ra. Nó cũng có thể mở đường cho việc bảo tồn loài tê giác Sumatra, với số lượng khoảng 40 con trong tự nhiên.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ thực hiện nhiều ca chuyển phôi hơn nếu lần mang thai đầu tiên diễn ra tốt đẹp, nghĩa là có thể sinh ra tới 6 con tê giác trắng phương Bắc trong một thời gian ngắn. 

Hiện chỉ còn lại 30 phôi của tê giác – được bảo quản ở Berlin, Đức và Cremona, Ý.

Khoảng 20.000 con tê giác trắng phương Nam vẫn còn ở châu Phi. Phân loài đó cũng như một loài khác, tê giác đen, đang phục hồi trở lại sau khi quần thể bị suy giảm đáng kể do nạn săn trộm để lấy sừng.  Tuy nhiên, phân loài tê giác trắng phương Bắc chỉ còn lại hai thành viên được biết đến trên thế giới.
Hiện còn khoảng 20.000 con tê giác trắng phương Nam vẫn còn ở châu Phi. Tuy nhiên, tê giác trắng phương Bắc chỉ còn lại 2 con được biết đến trên thế giới.

Justin Heath, Giám đốc điều hành của Khu bảo tồn Ol Pejeta, cho biết đây là một bước đột phá lớn đối với các nhà bảo tồn. Ông nói: “Việc một con tê giác đầu tiên trên thế giới mang thai nhờ phương pháp IVF là một niềm tự hào lớn đối với tất cả chúng tôi. Chúng tôi mong sớm được chào đón những chú tê giác con mang thai hộ trong tương lai dưới chân núi Kenya".

Trọng Trí (theo AP, Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI