Sức sống mãnh liệt của những “chiến binh tí hon”

24/11/2022 - 06:12

PNO - Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình được sinh ra khỏe mạnh, nhưng không may, có những bé vì sinh non mà nhẹ cân, yếu ớt, phải nằm lồng kính. Tuy nhiên, đây cũng là những “chiến binh tí non” có sức sống mãnh liệt nhất.

Những "chiến binh tí hon"

Ôm con trên tay, chị Thái Thị Diễm Châu (39 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang) vẫn vẹn nguyên cảm xúc lúc được bác sĩ cho nhìn con mình: một em bé chỉ nặng 500g, yếu ớt. Chị mang thai đứa con thứ hai trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Khi thai nhi được hơn 30 tuần tuổi, trong một lần đi khám thai, bác sĩ phát hiện chị bị tiểu đường thai kỳ, nhau tiền đạo, tiền sản giật… nên khuyên nhập viện. Nhận thấy tình trạng quá nặng, bệnh viện địa phương chuyển chị đến Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Chỉ trong thời gian ngắn, thai kỳ chuyển biến không thuận lợi, các bác sĩ xác định chị sẽ gặp nguy hiểm nên chỉ định mổ bắt con. “Nhìn con nhỏ xíu trong bàn tay bác sĩ, tôi gần như suy sụp vì nghĩ sẽ mất con. Dù bác sĩ nói bé đang được chăm sóc trong lồng ấp” - chị nhớ lại.

Nỗi sợ hãi làm chị Châu ngày càng suy sụp, tắc sữa. Cho tới lúc em bé được 700g, bác sĩ mời chị đến, hướng dẫn phương pháp da kề da rồi ẵm bé từ lồng ấp ra ngoài đặt vào lồng ngực người mẹ này. Chị nhìn người nhà rồi bật khóc: “Con sống rồi, con sống thật rồi”. Theo chồng chị Châu, hiện tại cháu bé khỏe lên từng ngày, cứ cách 2 tiếng đồng hồ sẽ được uống 10ml sữa từ ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện trao tặng.

Nhìn bé Na (2 tuổi) chạy chơi xung quanh mình, chốc chốc lại gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi…” bằng giọng nũng nịu, chị Đỗ Thị Ánh Ngân (35 tuổi, ở TPHCM) hạnh phúc nói: “Có ai ngờ con gái tôi khi sinh ra chỉ nặng 1kg mà giờ đã trở thành một em bé khỏe mạnh, ấm áp đến vậy”. Chị Ngân kể, bé Na là con thứ hai. Khi mang thai bé, thai kỳ diễn ra rất suôn sẻ, cho đến khi được 27 tuần tuổi, chị bị hở eo tử cung nên buộc phải mổ bắt con. Làm việc trong ngành y nên chị hiểu được các nguy cơ mà con mình phải đối mặt, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chị cảm thấy đau nhói, sụp đổ bởi con còn quá bé.
“Tôi từng chăm sóc cho nhiều bé sinh non, thiếu tháng nên có kinh nghiệm để chăm con. Mặc dù vậy tôi căng thẳng suốt, cứ sợ con mình gặp nguy hiểm nên các thành viên trong gia đình thay nhau 24/24 ấp Kangaroo cho bé. Có lẽ vì vậy, bé Na rất tình cảm và đến bây giờ bé vẫn luôn thích được ôm ấp. Vì vậy, các bà mẹ đừng vội bỏ cuộc, hãy cùng con mình chiến đấu đến cùng” - chị Ngân nói.
 

Lồng ngực mẹ là chiếc lồng ấp bé tuyệt vời nhất - ẢNH: PHẠM AN
Lồng ngực mẹ là chiếc lồng ấp bé tuyệt vời nhất - Ảnh: Phạm An

Cố gắng từng hơi thở

Do hiếm muộn, chị Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, ở tỉnh Quảng Nam) phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần mới mang thai. Niềm vui nhân đôi khi bác sĩ thông báo chị có 1 cặp song sinh. “Nhưng đến tuần thứ 24 của thai kỳ, bác sĩ nói cổ tử cung của tôi đã mở. Tôi cố gắng bình tĩnh, quyết định vào TPHCM, đến Bệnh viện Từ Dũ cầu cứu bác sĩ. Biết tôi hiếm muộn, các bác sĩ càng cẩn trọng hơn. Vậy mà chỉ duy trì được thêm 2 tuần, bác sĩ nói tôi phải sinh ngay mới có hy vọng giữ được con. 2 em bé chào đời, bé lớn 900g, bé nhỏ hơn 800g. Cả 2 bé rất yếu vẫn cố gắng ngọ nguậy đòi mẹ. Lúc đó, tôi không dám khóc, chỉ thủ thỉ với con là mẹ sẽ cùng con vượt qua khó khăn này. Vậy mà… 4 ngày sau, đứa em không trụ nổi, tôi chỉ còn 1 bé” - chị Thủy nghẹn ngào.

Để vực dậy tinh thần cho người mẹ, ngày ngày, bác sĩ tạo điều kiện cho chị Thủy đến thăm con. Nhìn đứa con nhỏ bé của mình trong lồng kính, dây nhợ, ống thở quấn quanh, gắng từng cơn để thở, chị Thủy bám tay vào thành cửa: “Cố lên con, mẹ sẽ chiến đấu cùng con!”. Đến nay, bé đã vượt qua nguy kịch, sống mạnh mẽ. Chị Thủy nhắn nhủ với các bà mẹ: “Các “chiến binh tí hon” của chúng ta cố gắng từng chút một trong từng hơi thở. Vì vậy, chúng ta đừng vội từ bỏ, hãy tin vào các bác sĩ, tin vào con của mình. Đừng để khi con khỏe mạnh, mẹ lại mắc bệnh tâm lý sẽ khó có thể chăm sóc con chu toàn”.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ - nếu chăm 1 em bé sinh non khó một, thì nâng đỡ tinh thần cho các bà mẹ khó mười. Bởi bất kỳ người phụ nữ nào khi mang thai cũng mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, rất khó chấp nhận 1 sinh linh nhỏ xíu, yếu ớt. “Lúc này, ngoài đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con thì việc từng bước ổn định tâm lý cho người mẹ rất quan trọng. Tôi từng gặp trường hợp sản phụ sinh non, em bé chỉ hơn 1kg. Lúc bác sĩ giao con cho mẹ, sản phụ đã gạt con ra ngoài, rất nguy hiểm” - bác sĩ Từ Anh chia sẻ.

Tuy vậy, bác sĩ Từ Anh khẳng định, “sợi dây mẫu tử” rất thiêng liêng. Nếu người mẹ sợ hãi, lo lắng, đứa trẻ ở cạnh bên cũng rơi vào tím tái, thở mệt. Hay khi em bé nằm trong lồng ấp, thở yếu, li bì nhưng chỉ cần mẹ vào thăm, vuốt ve, em bé lại tỉnh táo, uống sữa giỏi hơn. Vì vậy, các bà mẹ hãy cố gắng càng vào với con nhiều, 2 mẹ con càng sớm khỏe hơn. Nghĩ về con bằng tinh thần lạc quan, thực hiện các liệu pháp duy trì tuyến sữa để chăm con… 

Hơn hết, các ông chồng hãy luôn cố gắng bên cạnh, chia sẻ việc ấp Kangaroo với vợ mình để con có cảm giác được yêu thương, che chở từ người thân của mình. “Nhiều bà mẹ cứ nghĩ nữ hộ sinh hay bác sĩ mới có thể chăm con của mình tốt nhất, nhưng các mẹ hãy tin rằng với trẻ sinh non, việc ấp Kangaroo rất cần thiết, và lồng ngực của mẹ chính là chiếc lồng ấp bé tuyệt vời nhất, vì nơi đó có trái tim, có tình yêu thương” - bác sĩ Từ Anh nhấn mạnh. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI