Sống xanh từ những điều nhỏ nhặt

16/07/2023 - 13:05

PNO - Rất nhiều người không thể nhớ từng con số về hậu quả của sự ô nhiễm môi trường nhưng vẫn sống xanh từ những điều nhỏ nhặt.

Nhiều bà nội trợ ý thức được rằng chỉ cần một sự thay đổi nhỏ từ mình cũng có thể góp phần tạo thành hiệu ứng lan truyền, bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thúy Vân (sinh năm 1989, hiện sống tại quận 3, TPHCM) bắt đầu thay đổi dần thói quen đi chợ từ cách đây 4 năm.

Chị chia sẻ: “Khi đi chợ, tôi thường mang theo túi cói và hộp nhựa để đựng cá thịt. Trong túi xách của tôi luôn có sẵn 1 cái túi vải, kèm ít túi xốp tự hủy mua ở siêu thị. Ngày con tôi còn đi nhà trẻ, đồ dơ thay ra thường được cô giáo cho vào túi ni lông. Thấy vậy, tôi luôn bỏ túi vải vào ba lô của con và dặn cô cho vào đó”.

Mỗi lần ra ngoài, nếu gọi đồ uống mà tiệm không dùng ống hút giấy, chị Vân thường từ chối ống hút. Vợ chồng chị đi làm vẫn luôn mang theo cốc riêng để tiện mua nước. Trong gia đình, chị cũng dạy các con hạn chế dùng túi ni lông, không dùng ống hút, xài ít bột giặt… “Phương châm của tôi là dù khó nhưng cứ bắt đầu, lâu dần sẽ thành thói quen” - chị Vân chia sẻ.

Khi đi chợ, chị Thúy Vân thường mang theo  túi cói và hộp nhựa để đựng thịt cá
Khi đi chợ, chị Thúy Vân thường mang theo túi cói và hộp nhựa để đựng thịt cá

Cùng chung ý thức làm tốt phần việc của mình nhưng chị Phạm Thu Thủy (sinh năm 1979, quận Hà Đông, Hà Nội) đã mở rộng thêm phạm vi. Chị đi vận động ban quản trị tòa chung cư nơi chị sống để trồng thêm cây xanh ở các bồn cây, chỗ đất trống. Chỉ sau 2 tháng, những cây hoa hồng, hoa nhài, cỏ lạc đã nở hoa, xanh ngắt. Trong nhà, chị Thủy cũng luôn ý thức cao đối với việc tiết kiệm điện, nước.

Thấy chung cư thường bật đèn cả ngày, chị bàn với các nhà trong tầng lắp thêm công tắc, tắt điện vào ban ngày hoặc sau 11 giờ đêm. Nếu ai về muộn sẽ chủ động bật công tắc ở ngay thang máy. Dù việc tiết kiệm điện ở hành lang vẫn chỉ mới thực hiện ở tầng 8 của nhà chị Thủy nhưng chị nói: “Ít nhất tôi đã thực hiện và làm gương cho các con. Tôi cũng mong người khác sẽ hiểu được ý nghĩa của việc tiết kiệm tài nguyên chung”.

Chị cũng mua những quyển sách hay về môi trường, để sẵn trên giá sách. Giờ rảnh rỗi, các con sẽ lấy ra đọc. Mỗi khi có dịp, chị thường cùng con nhặt rác ở công viên, bãi biển…, nói với nhau về việc từng loại rác thải sẽ mất bao nhiêu năm để phân hủy.

Chị Lưu Vân Yên (sống tại TP Thủ Đức, TPHCM) là một phụ nữ quan tâm đến thời trang nhưng luôn ý thức được việc xây dựng thói quen để theo đuổi sự bền vững.

Chị luôn chọn chất liệu linen, vải sợi tự nhiên hay lụa cho trang phục của mình và người thân. Việc mua sắm cũng rất tối giản. Chị chỉ sắm vài mẫu thời trang thiết kế chất lượng cao để mặc trong những dịp đặc biệt. Còn lại, chị mặc quần áo second hand, không chạy theo xu hướng và thường mặc cho đến khi chán thì thanh lý hoặc đem cho.

“Tôi luôn thấy đủ với tủ đồ của mình. Tôi biết mình cần gì và lựa chọn kỹ càng để tận dụng tối đa. Chúng ta phải biết đâu là những món đồ thiết yếu, biết quy tắc về sự phù hợp trong thời trang, biết cách phối đồ để không những đẹp mà còn thú vị. Quan trọng nữa là mỗi khi mặc những món đồ có chất liệu thân thiện với môi trường, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, phóng khoáng và… đàn bà hơn” - chị Vân Yên cho biết.

Khi mua sắm quần áo cho bản thân  và gia đình, chị Lưu Vân Yên luôn lựa chọn  chất liệu thân thiện với môi trường
Khi mua sắm quần áo cho bản thân và gia đình, chị Lưu Vân Yên luôn lựa chọn chất liệu thân thiện với môi trường

Rất nhiều người không thể nhớ từng con số về hậu quả của sự ô nhiễm môi trường nhưng vẫn sống xanh từ những điều nhỏ nhặt, làm tốt những việc gần gũi, đời thường như thế.

Dù không cố gắng thuyết phục ai đó phải theo mình nhưng chính cách áp dụng mọi thứ thật tự nhiên của họ lại lan tỏa sự tích cực đến người khác. Từ trong gia đình, những đứa trẻ sẽ thấm dần bài học về sống xanh và trở thành những người có ý thức bảo vệ hành tinh này bằng chính khả năng, sức trẻ của chúng. 

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI